Header Ads

Những điều cần biết về chuyện Fed cân nhắc nâng lãi suất

Nguyễn Vũ
Thứ Hai,  14/9/2015, 07:56 (GMT+7)

Trong phiên họp ngày 16 và 17/9 tới Fed có quyết định tăng lãi suất hay không là mối quan tâm chính của thị trường hiện nay. Ảnh trụ sở Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) tại Washington DC. Ảnh CNN


(TBKTSG Online) – Giữa tuần này Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp để quyết định có nâng lãi suất hay không. Vì sao chuyện Mỹ mới bàn tính nâng lãi suất ở một mức rất nhỏ lại gây tác động lớn đến thị trường suốt cả mấy tuần qua như thế?

Trước hết, phải quay trở lại 9 năm trước đây, lần cuối cùng Fed nâng lãi suất là vào tháng 6-2006, thêm 0,25 điểm phần trăm lên 5,25%. Từ đó Fed chỉ làm một chuyện là giảm, giảm và giảm lãi suất rồi duy trì ở mức thấp 0,25% hay gần như là 0%/năm trong một thời gian dàiĐến khi không còn đường nào để giảm nữa thì Fed áp dụng cách gọi là "nới lỏng định lượng" – mua vào trái phiếu với khối lượng lớn để, về mặt lý thuyết, tương tự như giảm lãi suất về mức âm.
Trong 9 năm qua, việc Fed giảm lãi suất là nhằm kích thích nền kinh tế đi vào suy thoái từ năm 2008. Lãi suất giảm có tác dụng hối thúc người ta đầu tư làm ăn vì vốn rẻ đi. Trong thực tế, đồng đô-la trong những năm đó đổ vào các thị trường mới nổi để tránh lãi suất thấp ở quê nhà và hưởng lãi suất cao ở các thị trường đang phát triển này.
Sứ mệnh của Fed hay của các ngân hàng trung ương các nước đều xoay quanh hai chuyện: tạo công ăn việc làm ở mức cao nhất và ổn định giá cả. Hai mục tiêu này trái ngược nhau nên mang tính đánh đổi: nới lỏng để nền kinh tế sôi động, tạo nhiều việc làm thì lạm phát dễ bùng phát – ngược lại, ép lạm phát xuống thì nền kinh tế trì trệ, thất nghiệp sẽ cao. Chủ trương của Fed là nhắm tới một mức độ lạm phát tối ưu là 2%, một mức mà nền kinh tế sẽ phát triển trong lành mạnh.
Nói cách khác Fed sẽ nâng lãi suất khi nền kinh tế phát triển quá nóng. Nâng lãi suất làm mọi người giảm chi tiêu, giảm đầu tư nên nền kinh tế nguội đi và lạm phát sẽ giảm xuống.
Còn khi nền kinh tế đi vào chỗ trì trệ, thất nghiệp cao thì Fed sẽ giảm lãi suất như từng giảm liên tục và duy trì mức thấp kỷ lục trong suốt 9 năm qua. 
Nay, trong hai ngày 16 và 17 tháng này, Fed sẽ họp để xem thử đã đến thời điểm nâng lãi suất lên chưa. Chỉ cần chừng đó thị trường cũng đã chao đảo suốt mấy tuần qua khi người ta thay nhau đồn đoán về quyết định của Fed. Trước đó thị trường cũng từng chao đảo khi Fed tuyên bố chấm dứt chương trình "nới lỏng định lượng" – tức một dạng tác động lên lãi suất.
Nếu Fed nâng lãi suất, hệ quả sẽ bao gồm: giá cổ phiếu sụt (vì nền kinh tế sẽ kém sôi động, đầu tư giảm); đồng đô-la Mỹ sẽ mạnh lên so với đồng tiền các nước khác (vì lợi suất từ đô-la Mỹ tăng nhờ lãi suất cao hơn và dòng tiền sẽ chảy ngược từ các nước đang phát triển về lại nước Mỹ)Thị trường chứng khoán và thị trường tài chính lại thường phản ứng mạnh mẽ, gấp nhiều lần so với thực tế nên trong thời gian qua chúng ta đã chứng kiến hai xu hướng này (giá cổ phiếu giảm, đô-la Mỹ tăng) khi nhà đầu tư đón đầu xu hướng.
Cho dù lần này nếu chỉ nâng ở mức rất thấp, ví dụ 0,25% thì tác động của nó cũng lớn hơn các lần khác vì nó báo hiệu một sự đảo chiều, giá vốn không còn rẻ như xưa. Hơn nữa, chứng khoán khắp nơi đã tăng trong một thời gian dài, đây là dịp điều chỉnh giá không tránh được.
Cho đến đầu tuần này, các nhà phân tích vẫn còn tranh cãi gay gắt liệu Fed đã nên nâng lãi suất lên chưa hay phải duy trì lãi suất thấp để kích thích nền kinh tế thêm một thời gian nữa.
Bên nói chưa liệt kê các lý lẽ: lạm phát ở Mỹ vẫn còn thấp hơn mức tối ưu 2% (chỉ số giá ở Mỹ từ đầu năm đến tháng 7-2015 mới chỉ tăng 1,2%); tỉ lệ thất nghiệp đang tiếp tục giảm mạnh (Mỹ tạo thêm 3 triệu chỗ làm trong năm qua, thất nghiệp đang ở mức 5,3% - thấp nhất trong nhiều năm qua).
Bên nói nên nâng cũng có những lập luận thuyết phục không kém: lạm phát thấp là nhờ giá dầu giảm, đô-la Mỹ tăng giá – loại trừ hai yếu tố này thì lạm phát cao hơn nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức thấp nhưng con số thật cao hơn nhiều vì nhiều người chỉ làm bán thời gian hay bỏ luôn nỗ lực đi kiếm việc làm. Lãi suất thấp sẽ khuyến khích loại đầu tư mạo hiểm đầy rủi ro, có thể là mầm mống cho các cuộc khủng hoảng tương lai. Theo họ lộ trình nâng lãi suất nên ở mức 0,25% vào tháng 9 và lên 0,5% vào tháng 12 năm này.
Hai bên cứ tranh cãi trong khi thực tế, vì đã tính đến rủi ro Fed nâng lãi suất nên kinh tế thế giới đang gặp khó, gây bất ổn khắp nơi (đặc biệt là đẩy giá hàng hóa xuống thấp và đô-la Mỹ lên cao). Như thế chưa cần Fed nâng lãi suất, họ đã phải đối diện với các hệ quả của một quyết định chưa triển khai vì chính các hệ quả này cũng đang tác động xấu lên nền kinh tế Mỹ. Điều đó sẽ trói tay muốn nâng lãi suất của Fed. Nhưng có thể vì thế mà giữa tuần này nếu Fed nâng lãi suất lên thật thì phản ứng của thị trường ắt không còn mạnh mẽ như suy nghĩ của mọi người nữa vì mọi phản ứng thật ra cũng đã diễn ra rồi.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.