Header Ads

QUANTITATIVE EASING (QE) VÀ LÃI SUẤT TRUNG QUỐC

QUANTITATIVE EASING (QE) VÀ LÃI SUẤT TRUNG QUỐC
(*) Hiện nay tỷ giá USD/CNY cho thấy 1 USD = 6,38800 CNY, và trước đó là sự phá giá đồng CNY do PBOC thực hiện mấy tháng vừa qua (xem hình)


QUANTITATIVE EASING (QE) VÀ LÃI SUẤT TRUNG QUỐC
Việc các ngân hàng trung của các nền kinh tế thế giới dùng biện pháp "lỏng định lượng" (Quantitative Easing - QE). Biện pháp này là tuyệt vọng và là biện pháp cuối cùng khi lãi suất tiến về số không, hay lãi suất âm so với lạm phát, khi lãi suất hạ tới đáy mà doanh nghiệp và dân chúng cũng không muốn đi vay. Thực tế, biện pháp QE này do Nhật mới là nước đầu tiên sử dụng nới lỏng định lượng, họ áp dụng nó từ năm 2002 -2006. Nó được tái khởi động lại vào năm 2012, với việc bầu cử Shinzo Abe làm Thủ tướng.

Trong năm 2015, ECB, tức Ngân hàng Trung ương châu Âu của khối kinh tế Eurozone của 19 nước thành viên sử dụng chung đồng EUR bắt đầu thông qua nới lỏng tiền tệ của họ, sau 7 năm thắt chặt chi tiêu bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ để giảm nợ do thâm thủng ngân sách. ECB sẽ tung ra mỗi tháng mua 60 tỷ EUR trái phiếu, hay mua chứng khoán của các doanh nghiệp, hoặc các ngân hàng các nước được niêm yết bằng đồng EUR, làm giảm giá trị của đồng EUR, nhằm khuyến khích dân chúng chi tiêu mạnh hơn nữa vì đồng EUR giảm giá cũng như sẽ làm tăng xuất khẩu nhờ đồng tiền yếu, vì vậy hàng hóa các nước khối kinh tế Eurozone dễ cạnh tranh hơn. Điều phũ phàng là ECB đã vô tình gây khó khăn cho Trung Quốc bằng biện pháp QE này, khiến hàng hóa Trung Quốc bị mất thị phần tại Âu châu và các nước châu lục khác, như Trung Đông, Mỹ Latinh, kể cả châu Á,...và việc Trung Quốc gặp hoạn nạn hiện nay do một phần khối kinh tế Eurozone tác động vào Trung Quốc.

Trước đây, đồng EUR tăng giá cao, và giai đoạn từ năm 2002-2007, thì đồng USD giảm 40% so với đồng EUR. Khi ấy EU hay cả các nước khối kinh tế Eurozone là khách hàng mua hàng hóa nhiều nhất từ Trung Quốc, và TQ lấy thặng dư thương mại này tung tiền mua trái phiếu kho bạc Mỹ, cộng thêm Nhật nữa, cùng các doanh nghiệp, giới đầu tư tích trữ USD để phòng ngừa đồng EUR bị bán tháo bằng nhiều hình thức, kể cả trái phiếu kho bạc do ECB phát hành, khi khối Eurozone bắt đầu bị thâm thủng ngân sách vì nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, điều này khiến đồng USD tăng mạnh lên 22% so với đồng EUR. Việc này, dẫn đến Mỹ lại là khách hàng nhập khẩu của Trung Quốc nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Đến tháng 3/2015, như đã phân tích về QE của ECB áp dụng, tỷ giá đồng USD so với đồng EUR đã giảm xuống mức thấp kỷ lục khi chỉ còn 1 EUR = 1,05 USD, tuy nhiên trong tháng 5/2015, đồng EUR tăng tới 1 EUR = 1,13 USD.

Đối với Mỹ, mà tâm điểm là các gói QE được thị trường tài chính thế giới phân tích nhiều nhất: Nói chung, biên pháp QE này chỉ thực hiện được khi lãi suất cho vay hạ tới 0%, hoặc âm rồi mà doanh nghiệp vẫn không dám đi vay thì Ngân hàng Trung ương Mỹ tung ra biên pháp bất thường gọi là chính sách "nới lỏng định lượng" (Quantitative Easing - QE). Cụ thể: QE1 (tháng 12/2008 - tháng 6/2010), QE2 (tháng 11/2010 - tháng 6/2011), QE3 (tháng 9/2012). Nôm na cho dễ hiểu về các gói QE là không chỉ hạ lãi suất cho đồng tiền trở thành rẻ hơn, mà là bơm thẳng tiền vào doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như mua tài sản thế chấp, hoặc chứng khoán,...và trả ra bằng USD.

Đối với QE3 là tâm điểm gây lên sự trồi sụt của các thị trường tài chính và chứng khoán thế giới, nhất là sự biến động tỷ giá đồng bạc VND tại Việt Nam cũng như gây ảnh hưởng lên việc giá vàng tăng vọt. Ngày 13/9/2012, Giáo sư Ben Bernanke - Chủ tịch thứ 14 của Hội đồng thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố gói QE3. Khi đó Fed đồng ý mua 40 tỷ USD chứng khoán thế chấp, hay "mortgage-backed securities: MBS", và mỗi tháng bơm ra 85 tỷ USD mua vào trái phiếu các doanh nghiệp, các ngân hàng,...để cho các ngân hàng có thanh khoản trơn tru cho vay dễ dàng hơn,...

Trên đại thể, nới lỏng định lượng không thực sự làm tăng cung tiền trong lưu thông vào kinh tế, vì Fed mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp, mà vẫn chủ yếu là Fed cố gắng hạ lãi suất và khuyến khích cho vay tiêu dùng khi mua trái phiếu, nó không trực tiếp làm tăng lượng tiền trong hệ thống ngân hàng. Điều này có thể giải thích rằng lãi suất tại Mỹ giữ quá thấp quá lâu vẫn không gây ra lạm phát. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ thực tế không tăng mà còn giảm, nếu Mỹ phát hành giấy nợ quốc trái kỳ hạn 10 năm để vay tiền, tức là phát hành loại trái phiếu chủ quyền. Sản lượng năng suất theo yêu cầu của các nhà đầu tư để vay vốn cho chính phủ Mỹ vay, nó phản ánh kỳ vọng lạm phát và khả năng hoàn trái các khoản nợ sẽ được hoàn trả thì Mỹ trả lãi rất thấp.

Nói chung, thực tế để hiểu đơn giản là giá trái phiếu và lãi suất là giống như một cái cân, tức là khi lợi suất trái phiếu đi lên, giá trái phiếu đi xuống (nó cho thấy hiệu suất trái phiếu của thị trường tiêu cực và bất ổn), và khi lợi suất trái phiếu đi xuống, thì giá trái phiếu đi lên (nó cho thấy hiệu suất trái phiếu của thị trường tích cực). Chẳng hạn, sản lượng trái phiếu của Mỹ trong tháng 9 trung bình là 2,03% thì qua tháng 10/2015 nó tăng lên 2,09%. Điều này nó đang cho thấy trái phiếu của Mỹ đang trong tình trạng tiêu cực vì rủi ro, các nhà đầu tư đang bán tháo trái phiếu Mỹ, hoặc họ đòi tăng lãi suất lên nếu Mỹ đi vay phải trả lãi cao hơn.

Đối với lãi suất của Trung Quốc, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất cho vay một năm tới 0,25% xuống còn 4,35% vào ngày 23/10/2015, nhằm để thúc đẩy nền kinh tế để cứu vãn mức tăng trưởng thấp vừa rồi. Quyết định trên tất nhiên sẽ yêu cầu hạ thấp hơn dự trữ cho các ngân hàng. Đây là lần cắt hạ lãi suất bất thường, lần thứ 4 liên tiếp, kể từ ngày 4/2/2015 khi PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng thương mại là 0,50% xuống còn 19,5% nhằm thúc đẩy bơm tín dụng vào kinh tế. Với mức lãi suất chỉ đạo xuống còn 4,35%, là mức thấp nhất mà PBOC đang áp dụng. Mức cao nhất là vào tháng 6/1996, khi PBOC tăng lãi suất chỉ đạo lên đến 10,98%.

Đối với Trung Quốc, tỷ lệ cho vay chính được tính vào các khoản vay của các ngân hàng quốc doanh do PBOC chỉ đạo nhằm cho các cá nhân và các công ty tư nhân vay bằng với lãi suất chỉ đạo là 4,35%, nôm na là Bắc Kinh chỉ đạo cho PBOC bơm tiền cho vay với chênh lệch lãi suất bằng 0%. Đó mới là nghịch lý, tuy nhiên lãi suất của các tổ chức vay tư nhân mà các ngân hàng khác cho vay chui thì có khi lên đến 20% như trường hợp đầu tháng 6/2013, khi China Everbright Bank (đây là ngân hàng đầu tư đứng hạng 11 của Trung Quốc) bị mất khả năng thanh toán vì không trả nổi một khoản nợ đáo hạn trị giá tương đương với ngân khoản 980 triệu USD cho giới đầu tư, dẫn đến giá trị cổ phiếu sụt mạnh 90%. Trong khi lãi suất chỉ đạo khu vực đồng EUR là 0,05% nhưng lãi suất cho vay của ngân hàng, tức là tỷ lệ trung bình của lãi được tính vào các khoản vay của các ngân hàng thương mại cho các cá nhân và các công ty tư nhân vay là 2,81%,...

Đối với lãi suất hạ vừa rồi của PBOC, cũng rất khó cứu vãn tình thế. Thực tế hiện nay các tập đoàn kinh tế quốc doanh của Trung Quốc chi phối đến 68% GDP, họ được ưu đãi vốn vay không hạn định, vì dễ dãi do quá nhiều tiền được chính quyền Bắc Kinh tài trợ, các tập đoàn quốc doanh này mới lập ra ngân hàng con, công ty tài chính, hay các công ty con khác, tất nhiên cả hệ thống tài chính đó chỉ nhằm lấy tiền ký gửi của dân Trung Quốc quá rẻ, và tiền đó cho các công ty khác vay. Khi gặp trường hợp kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp không bán hàng được vì không cạnh tranh nổi với hàng hóa của các nước có đồng bạc hạ giá như đồng yên Nhật (JPY), EUR,...do vậy, khi bong bóng cổ phiếu tại Trung Quốc bị vỡ, giá trị tài sản của các doanh nghiệp và dân chúng giảm xuống, thì tất nhiên các khoản đầu tư đều giảm, dân chúng bớt tiêu dùng thì kinh tế đình đốn.

Bây giờ PBOC cố hạ lãi suất cũng vậy, sẽ không có tác dụng gì nhiều, nếu có hạ lãi suất thấp nữa thì các doanh nghiệp, và các nhà đầu tư sẽ chộp cơ hội là họ vay lãi thấp để đảo nợ, tức là họ ưu tiên phải trước hết là thanh toán bớt nợ thay vì họ đưa tiền vào kinh tế để sản xuất. Điều đó có nghĩa là họ sẽ không mặn mà đầu tư dù ngân hàng cho vay với lãi suất thấp cũng vậy. Nếu họ phá giá đồng CNY - Chinese Yuan Renminbi (Trung Quốc) thì bị kẹt, có thể gây ra trận chiến ngoại tệ, và mở rộng trận chiến ngoại thương.

Để giải quyết việc này, có lẽ Bắc Kinh đang soạn ra biện pháp QE mạnh mẽ hơn để dự phòng, nếu như tăng trưởng GDP vẫn thấp hơn kỳ vọng 6,9% trong quý thứ 3 của năm 2015. Đó là sự tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2009, chủ yếu là do sự sụt giảm về đầu tư cũng như trong sản lượng công nghiệp, đầu tư bất động sản trì trệ và suy giảm trong xuất khẩu xuống mức thấp, mặc dù trong tháng 9/2015, Trung Quốc vẫn đạt thặng dư thương mại đến 60,34 tỷ USD, vậy mà họ cũng bị lâm nạn khó khăn. Như tôi hay nói, đó là nền kinh tế tăng trưởng bệnh hoạn. Không thể có chuyện mà trên thế giới hễ cứ có 5 người thì phải có 1 người mua hàng Trung Quốc mãi được.

Biện pháp tăng trưởng bền vững của Trung Quốc đó là nâng cao sức tiêu thụ nội địa, bằng cách này, họ phải giữ tỷ giá ổn định, tức là không phá giá đánh sụt đồng CNY bằng việc cắt hạ đồng lương của nhân công để xuất khẩu bằng mọi giá. Bằng cách này, Trung Quốc sẽ bơm tiền bơm tiền theo hình thức QE. Nói chung, các khí cụ QE này nó không chỉ có công hiệu "dọa nạt", là người dân và giới tiêu dùng biết lãi suất ngắn hạn và dài hạn của PBOC là sẽ được duy trì rất lâu ở mức thấp nhất với thời gian dài đáng kể, để người dân Trung Quốc nghĩ rằng lãi suất thấp, tiền nhiều và rẻ sẽ đẩy lạm phát tăng cao khiến dân Trung Quốc sợ lạm phát vì đồng CNY trượt giá nên hết dám cất giữ tiền ở trong ví nữa mà đem tiền ra mua bất động sản đang bị ế, hay mua cổ phiếu làm tăng giá chứng khoán, giúp các công ty Trung Quốc có tiền mà không bị nợ xấu, người tiêu dùng thì sợ lạm phát mà lấy tiền ra chi tiêu giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nói vậy, nhưng không phải vậy, với nhà giàu Trung Quốc mà đồng tiền chưa bị hạ giá họ đã tẩu tán tài sản chạy ra nước ngoài trước rồi huống hồ người dân xứ này cũng chẳng vừa.


Phương Thơ, Morgan Stanley (NYSE: MS)

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.