Header Ads

Có thực sự tỷ giá mới dễ dự báo?

Ở đây tôi trả lời và chuyển cái phức tạp nhất ra cái đơn giản bình dân nhất ai đọc cũng hiểu qua và không cần phải là nhà kinh tế học cao siêu mới hiểu ra mà người ta hay thắc mắc.
Trong động thái mới đây, giới chức NHNN và nhiều nhà hoạch địch chính sách tiền tệ VN đưa ra "cái neo" tỷ giá đồng bạc VND được định giá qua một rổ tiền gồm 8 loại đồng tiền ngoại tệ chính, được tính theo lối "trung bình gia trọng" của đồng bạc các nền kinh tế gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, và Thái Lan. Tức là nó bao gồm đồng USD, EUR, CNY, JPY, SGD, KRW, TWD, THB. Biên độ giao động của tỷ giá vẫn áp dụng là +/-1%, +/-2%, lên +/- 3%.
Quyết định này không có gì mới, nó chủ yếu là thả cái neo cho khỏi bị đứt. Ta hãy tưởng tượng, một con thuyền trước đây VN buộc cái dây neo với biên độ +/-2%,...xem như là 2 thước dây, vì trước ấy là sóng yên, bây giờ Mỹ tăng lãi suất lên 0,50%, hay sẽ tăng lên nữa thành 0,75% thì cơn sóng sẽ lên xuống dữ dội hơn, và VN phải thả thêm 1 mét dây neo nữa là +/- 3% để cho con thuyền lên xuống mà không bị bứt neo. Điều đó nôm na là đồng bạc VND vẫn không bị phá giá nếu nó lên xuống và không bị kẹt ở cái biên độ +/- 3%. Nếu nó bị kẹt ở cái biên độ +/- 3% này thì ta xem như đồng bạc VND chính thức mất giá bằng đó phần trăm.
Nói chung, trên thị trường tài chính thế giới có rất nhiều nước neo giá đồng bạc của họ vào đồng USD chiếm nhiều nhất, rồi đến đồng EUR theo nhiều mức độ khác nhau. Nhưng có lẽ kinh điển nhất là có 3 quốc gia neo tỷ giá đồng bạc của họ vào đồng USD và các giỏ tiền khác, nó bao gồm: Trung Quốc, Singapore, và Việt Nam và sẽ tóm lược cả 3 trường hợp những nước này.
Trong thời gian đầu năm 2016, có lẽ tại VN, người ta tung gần hết các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu kinh tế, các giám đốc, hiệu trưởng các trường ĐH phân tích về "cái neo tỷ giá của đồng bạc VND và 8 đồng tiền đối tác". Đa số họ cho rằng lý luận là đúng đắn và hợp lý. Đó là lý luân liều lĩnh, mà việc này phải đợi một thời gian dài đáng kể để thị trường trả lời, chứ không phải mấy ông chuyên gia kinh tế "thần thánh" này khẳng định.
Lý luận đó là thiếu kinh nghiệm. Thực tế là người ta không đủ "nội lực" để giữ được tỷ giá cố định với biên độ hẹp. Vì kinh tế hay bị nhập siêu và nạn bội chi, cộng thêm tỷ lệ nợ theo GDP tăng quá mức so với quy định của các nước đang phát triển. Thêm vào đó là dự trữ ngoại hối quá mỏng và chỉ đủ cho tài trợ 2,5 tháng nhập khẩu thì như vậy làm sao mà giữ được tỷ giá cố định như trước được.
Trên nguyên tắc, đối với những quốc gia phụ thuộc vào ngoại thương và giàng đầu máy sản xuất cho xuất khẩu thì tỷ giá cố định luôn hấp dẫn giới đầu tư. Việc giữ tỷ giá cố định kiểu này không hẳn là xấu, thực tế nó có lợi rất nhiều về mọi mặt và hạn chế được nhiều rủi ro đối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào VN, nó gợi ý rằng: "chúng tôi cam kết giữ một tỷ giá hối đoái cố định ở biên độ +/- bao nhiêu phần trăm nhằm bảo đảm sự cam kết về sự ổn định đồng nội tệ theo tỷ giá như USD / VND ở mức đó,...". Việc này khiến các doanh nghiệp và giới đầu tư dễ đoán, và họ dễ hoán đổi tỷ giá và chẳng cần phải canh chừng tỷ giá lên xuống để đổi ra sao cho có lời. Nhưng điều phũ phàng là biểu đồ tiền tệ của đồng bạc VND xưa nay chỉ mất giá chứ không bao giờ tăng giá lại như giá quá khứ của nó.
Về tỷ giá cố định với biên độ hẹp. Thí dụ, kể từ khi TQ gia nhập WTO ngày 10/12/2001, ta thấy đồng bạc Chinese Yuan Renminbi (RMB, CNY) của TQ được giữ cố định rất ổn định. Cụ thể là tính trung bình từ năm 2001 thì 1 USD = 8,2779 RMB, năm 2002 thì 1 USD = 8,2766 RMB; năm 2003 thì 1 USD = 8,2800 RMB; năm 2004 thì 1 USD = 8,2769 RMB; năm 2005 thì 1 USD = 8,2765 RMB. Đó là những năm mà TQ trở thành công xưởng toàn cầu, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khắp nơi từ Âu, Mỹ, Nhật,...đổ vào TQ lập nhà máy và đầu tư (ở đây ta không nói đến nhân công rẻ). Khi ấy, năm 2001, dự trữ ngoại tệ của TQ đã có 509,6 tỷ USD để giữ tỷ giá cố định và ổn định, việc này khiến các nhà đầu tư nước ngoài tự tin và dễ tính toán vì tỷ giá đồng bạc ít biến động. Bây giờ cái biên độ bất ổn của đồng RMB bị nới ra khiến thị trường hay hoảng loạn và khó đoán và kèm theo sự bất ổn của nền kinh tế TQ.
Để hiểu đơn giản nhất, chẳng hạn có hai cửa hàng phân phối và bán lẻ hàng tiêu dùng. Một cửa hàng có được các nhà tài trợ phân phối hàng hóa và tài trợ giá. Một cửa hàng kia bán tự do nhập hàng theo ý muốn và bán giá theo "thị trường". Tất nhiên khi người tiêu dùng hay khách du lịch họ mua một lần vào cửa hàng có tài trợ giá ổn định, các lần sau họ vào mua các món đồ đó thì giá vẫn như cũ, thì sau này khách quen rồi khi mua họ soạn sẵn tiền để mua luôn khỏi phải hỏi giá, và cửa hàng này rất thu hút khách, vì giá cả ổn định. Còn cửa hàng kia hôm nay bán một giá hôm kia giá mới, rõ ràng khách mua họ sẽ ngại, thậm chí họ còn dò hỏi giá cả, nên cửa hàng này sẽ mất khách dù họ bán đắt hay rẻ.
Trong kinh tế cũng vậy một quốc gia giữ được tỷ giá ổn định sẽ luôn thu hút khách đầu tư vì họ không cần bảo hiểm rủi ro hay phải làm thủ tục "thị trường phái sinh",...linh tinh mất thời gian. Đối với đồng USD, hay EUR, JPY,...thả nổi đồng bạc là nhiều lý do của họ, vì đồng tiền của họ là đồng tiền dự trữ, và họ thường là khách đi đầu tư lập nhà máy ở các nước chứ không phải là khách mời các nước kém phát triển đầu tư nhà máy sản xuất vào nước họ (ở đây ta không nói đến vấn đề đầu tư cổ phiếu, trái phiếu của các nước đầu tư vào Mỹ, Âu châu). Lý do các nước neo tỷ giá vào các đồng bạc USD, EUR thì tất nhiên họ đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu các nước Âu, Mỹ,....như để giữ tỷ giá.
Kinh nghiệm, đối với TQ, họ neo vào tỷ giá đồng RMB vào đồng USD theo biên độ "có kiểm soát". Điều đó có nghĩa là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) họ giữ giá trị đồng RMB trong một biên độ giao dịch 2% theo "tỷ giá tham chiếu" (reference rate). Thực chất vẫn do PBOC cho phép đồng RMB tăng hay giảm không quá 2% trên giá trị thiết lập của một rổ tiền tệ qua chỉ số "CFETS RMB Index" được bổ sung vào ngày 25/12/2015, khi họ vào rổ tiền tệ và giỏ tiền SDR của IMF.
Đồng RMB của TQ vẫn đo lường giá trị của đồng RMB so với rổ 13 đồng tiền chính, nó dựa vào trọng lượng thương mại quốc tế, bao gồm: Đồng USD chiếm tỷ trọng cao nhất là 26,4%, đồng EUR (chiếm 21,4%) và yen Nhật - JPY (chiếm 14,7%), và các loại tiền tệ của các nước như Bảng Anh (GBP), Dollar Singapore, Dollar Hồng Kông, Franc Thụy Sĩ (CHF), Dollar New Zealand (NZD), Dollar Australia, và các đồng tiền của Canada, Malaysia, Nga và Thái Lan,...
Lý giải cho việc TQ thả neo hay giữ neo như trước đây mà nay khó giữ được. Đó là dự trữ ngoại tệ của TQ nay đã giảm quá nặng. Cụ thể, dự trữ ngoại hối của TQ hiện nay chỉ còn 3.330 tỷ USD, so với mức cao nhất là 3.994 tỷ USD vào vào tháng 06/2014. Thực chất, dự trữ ngoại tệ của TQ hiện nay "tiền tươi thóc thật" chỉ có khoảng 760 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại tệ của họ, còn lại họ đem đầu tư khắp nơi để kiếm lời chưa biết lời lỗ ra sao và không thể hoán đổi ra tiền mặt nhanh chóng, nên giới đầu tư họ mới hay hoảng loạn khi đồng RMB đột ngột giảm giá mạnh.
Vì trước đấy như tôi đã nói, dự trữ ngoại tệ của TQ 3.994 tỷ USD, nên nó đủ sức răn đe thị trường và giới đầu cơ. Thực tế Trung Quốc ấn định giá trị thấp đồng RMB của họ bằng cách neo giá nó với đồng USD, cùng với một số rổ tiền tệ khác. Chẳng hạn, họ giữ tỷ giá bằng cách mua trái phiếu kho bạc Mỹ làm hạn chế nguồn cung đồng USD dẫn đến đồng RMB được định giá thấp so với đồng USD và các rổ ngoại tệ khác để giữ giá xuất khẩu rẻ dễ cạnh tranh.
Nếu cần họ có thể bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ để hạ thấp giá trị đồng USD, hay bán đồng USD ra để thu hồi đồng RMB về nhà, điều đó làm cho đồng RMB tăng giá và làm đồng USD giảm giá khiến giới đầu cơ sẽ lỗ nặng, bây giờ thì TQ chưa đủ ngoại tệ để làm việc này. Nên giới đầu tư và dân chúng tại TQ hễ nghe đồng RMB giảm giá mạnh thì họ bán tháo tài sản niêm yết bằng đồng RMB bằng nhiều hình thức như trái phiếu, cổ phiếu,...
Đối với Singapore, họ giữ tỷ giá cố định là nhiều lý do của họ, chẳng hạn quốc gia này có nền kinh tế dựa trên việc nhập khẩu và mua hàng hóa trung gian và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và chế biến thành sản phẩm có phẩm chất rồi xuất khẩu như máy móc và thiết bị, nhiên liệu dầu khí, hóa chất,...Singapore cũng là một trung tâm tài chính quan trọng tại Á châu, và các ngành dịch vụ khác,... nên họ phải giữ tỷ giá cố định với biên độ hẹp để thị trường dễ tính toán cũng như thu hút đầu tư từ nước ngoài,... nên đừng viện vào đó mà học tập Singapore.
Ngẫm lại VN thì nghiệp vụ chưa chuyên môn, trong một thời gian ngắn tung ra hàng loạt biện pháp tiền tệ khó hiểu, mà lẽ ra khi làm việc lớn lao này thì người ta phải họp giữa ban bộ như NHNN, Bộ Tài chính, Công Thương công khai rồi mới đem ra thi hành luật, thì người ta qua đêm mở mắt ra tung ra nhiều biện pháp bất ngờ giống như người ta nhắm mắt ban hành cái luật học bên Tây bên Tàu là đi xe hơi phải có bình chữa cháy.
Phương Thơ, Morgan Stanley (NYSE: MS)
_____


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.