Header Ads

Bắt đáy là một trò cực kỳ nguy hiểm! Đây là lý do

Bắt đáy
Bắt đáy

Trong mỗi đợt tăng trưởng, hoặc suy thoái, việc dự đoán đâu là đỉnh tăng trưởng, đâu là đáy suy thoái luôn là yếu tố quyết định cho thành công trong giao dịch chứng khoán. Và có lẽ chúng ta cũng không cần gì nhiều hơn thế!

Để xác định được đỉnh và đáy trong mỗi đợt tăng trưởng, các chuyên gia, các phân tích áp dụng nhiều phương pháp khác nhau: Phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, phân tích tâm lý, kinh tế học hành vi & tài chính hành vi, nhân khẩu học, và phong thủy…
Hưởng ứng loạt bài viết “Những kinh nghiệm cơ bản khi đầu tư chứng khoán”. Nhà đầu tư Tạ Quang Hoá chia sẻ thêm với độc giả cafef.vn một công cụ dùng để xác định vùng đáy của thị trường. Nó cũng có thể áp dụng cho việc xác định vùng đáy của từng cổ phiếu riêng lẻ. Với cá nhân nhà đầu tư Hoá, đây là một công cụ phân tích rất hiệu quả.
----------------------------/---------------
Công cụ mà tôi sử dụng là một hiện tượng khá xác thực về cái chết:
Trong những câu chuyện lưu truyền trên thị trường chứng khoán, có một câu chuyện gần giống với chuyện ngụ ngôn, nhưng thú vị và khá hài hước, được dùng để nhận diện vùng đáy của thị trường. Đó là chuyện về một cái xác chết bị rơi từ đỉnh núi. Nghe gần giống với hiện tượng Dead Cat Bounce (cú nảy của con mèo chết) nhưng không hoàn toàn giống.
Chuyện mô tả khá rõ diễn biến của thị trường trong suốt quá trình lao dốc từ đỉnh xuống đáy. Tài khoản giao dịch của tôi nhiều lần được cứu sống nhờ câu chuyện về cái xác chết này. Hy vọng nó có ích cho nhiều người. Câu chuyện như sau:

Xác chết rơi từ đỉnh núi xuống vực sâu gồm các bước:
1. Rơi tự do.
2. Vướng víu cây cỏ.
3. Rơi sâu, chìm xuống đáy vực.
4. Xác chết ngấm nước, nổi dập dềnh trên mặt nước.

Thị trường lao dốc, tạo đáy thông thường gồm các bước:
1. Những phiên đầu rơi nhanh (Rơi tự do)
2. Bull trap (Vướng víu cây cỏ)
3. Đáy giá sâu nhất (Chìm xuống đáy vực)
4. Vùng giá thấp, biên độ dao động hẹp. (Xác nổi dập dềnh trên mặt nước)

Hai quá trình này một là vấn đề tài chính, một là sự việc ngoài đời nhưng có sự tương đồng về số giai đoạn, hình ảnh miêu tả. Nên các tay chơi chuyên nghiệp hay dùng câu chuyện về xác chết để mô tả thị trường trong chu kỳ thị trường sụt giá. Cách mô tả này vừa trực quan, vừa bi thương, phù hợp với tâm trạng các nhà đầu tư khi thị trường lao dốc. 
Đầu tiên là việc cái xác rơi tự do từ đỉnh tăng trưởng, ứng với những phiên giảm điểm hãi hùng, khối lượng xả hàng lớn, không lực đỡ. Sau đó tốc độ rơi của xác chết chậm dần, nguyên nhân ở đây là đã xuất hiện những vướng víu do cành lá, cây cỏ hay các mỏm đá nhô lên… Với thị trường chứng khoán thì đây là những níu kéo – Những bẫy tăng giá (những đợt bull-trap mà các tay chơi già dơ hay gọi một cách dân dã, bông đùa là “bún chả”). Điều này xuất hiện khi tâm lý bắt đáy hình thành, và phát lộ.
Khi những nhà giao dịch nghiệp dư tiến hành bình quân giá xuống. Họ tiếp tục đổ tiền mồ hôi nước mắt vào những cổ phiếu đang trên đường lao dốc. Lúc này cũng là lúc các tay chơi lớn: Các “tay to”, các “cá mập” với tiềm lực tài chính mạnh, tạo ra các tín hiệu đảo chiều giả tạo. Lôi kéo các con mồi non nớt, tham lam tái nhập thị trường để sau đó thoát hàng.
Tiếp theo cái xác tiếp tục rơi và chạm xuống mặt nước, rồi sau đó chìm sâu dưới đáy vực. Giai đoạn này tương ứng với việc những dòng tiền đi lạc hướng đã chính thức bị đánh bại. Tâm lý bắt đáy thui chột. Những người từng tham gia bắt đáy, sau nhiều lần bắt phải dao rơi giờ đã chùn tay, đành đứng im chịu đòn. Những đợt phục hồi đều nhanh chóng tàn lụi. Xác chết nằm im ở dưới đáy một thời gian. Thị trường ảm đạm, yên ắng, tâm lý bi thương tràn ngập muôn nơi, thời gian giao dịch dường như dài vô tận…
Sau cùng, cái xác đó mới từ từ nổi lên, dập dềnh trên đáy giá sâu nhất. Đó là khu vực mà ta có thể từ từ thu gom, lượm nhặt những cổ phiếu mình yêu thích với mức giá mong đợi. Thong thả nhâm nhi cafef.vn đợi chờ cho tới khi xác chết hồi sinh! Trên thực tế xác định đáy suy thoái khó hơn xác định đỉnh tăng trưởng, vì vậy rất nhiều nhà đầu cơ chuyên nghiệp khuyên rằng không lên bắt đáy. Bắt đáy là một trò nguy hiểm và tốn tiền, nó tương tự như việc bắt một con dao đang rơi. Rất dễ đổ máu!
Năm 2008, khi Vn-index rơi từ 1.150 điểm xuống khoảng hơn 600 điểm. Lao dốc mới mạnh làm sao! Lúc ấy một VIP lớn, và một vị chuyên gia đã lên truyền hình trấn an dư luận và khuyên mọi người mua vào bằng những tuyên bố đầy cảm xúc: “Nếu tôi có tiền, tôi sẽ mua cổ phiếu ngay lúc này” & “Bán là thua, mua là thắng”. Nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình khi cho rằng đây là cơ hội duy nhất để mua được cổ phiếu với giá rẻ đến vậy. Thị trường tiếp tục đi xuống, và cuối cùng chạm đáy ở 235 điểm!
Những lời khuyên bắt đáy dù xuất phát từ bất cứ đâu cũng chứa đựng nhiều nguy hại. “Không bắt đáy” vẫn luôn là lời sấm truyền giữa những tay chơi chuyên nghiệp. Một nguyên tắc hàng đầu trong giao dịch chứng khoán. Trước khi hình thành chu kỳ tăng giá mới thị trường luôn cần một vùng giá ổn định – Cái xác cần phải nằm im dưới đáy. Và vùng đáy được nhận diện với một số đặc điểm sau: Các chỉ số của thị trường chung dao động với biên độ nhỏ. Khối lượng giao dịch thấp (khô cạn nguồn phân phối). Thị trường phản ứng ít (trơ) trước các thông tin tiêu cực.
Xin chia sẻ thêm một số vùng đáy đã qua để bạn đọc cùng tham khảo. Một ngày nào đó lịch sử sẽ lặp lại một cách tương đồng. Tôi tin là vậy.

Quá trình lao dốc và thiết lập vùng đáy từ 14/ 7 đến hết 6/10/2015


Quá trình lao dốc và thiết lập các vùng đáy từ 07/6/2013 đến 20/9/2013

Tạ Quang Hóa
Theo Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.