Header Ads

Hạn hán và kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn VinaCapital

(NDH) Ảnh hưởng từ hạn hán có thể chỉ là tạm thời nhưng những vấn đề liên quan tới nó thì không.

Ảnh hưởng ngắn hạn, biện pháp dài hạn
Hiện tượng thời tiết El Nino đang có ảnh hưởng bao trùm lên toàn cầu và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất. Trong số 63 tỉnh thành của đất nước hình chữ S, có tới 39 tỉnh chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và 14 trong số đó đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Những khu vực nông nghiệp chính của Việt Nam là Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã rơi vào cảnh hạn hán từ đầu năm cho tới nay. Tại khu vực miền Trung, mực nước đã giảm 35-60% so với mức trung bình và 188/599 hồ chứa nước cạn khô – tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng xâm nhập mặn đang lan nhanh ở vùng ĐBSCL, làm hư hại đất đai và cây trồng.
Tuy nhiên, điều kiện khắc nghiệt hiện nay không phải là do tự nhiên mà có. Đập chứa nước liên tục được xây dựng kể từ giũa những năm 90 của thế kỷ trước đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước hiện nay. Ở thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã xây dựng 6 nhà máy thủy điện khiến nước và trầm tích phù sa không thể chảy xuống theo dòng chảy. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng hệ sinh thái sông Mê Kông cũng như khiến muối biển tiến sâu vào đất liền.
Mọi chuyện đang có xu hướng xấu đi khi Lào lên kế hoạch xây dựng thêm một vài con đập còn Campuchia đang xem xét 3 dự án. Trong bối cảnh đó, Việt Nam chỉ có một vài dự án thủy điện tại Tây Nguyên chứ không có kế hoạch nào với sông Cửu Long.

Tác động tới Nông nghiệp
Mặc dù tốc độ đô thị hóa đang ở mức cao, 60% người dân Việt Nam vẫn đang sinh sống tại vùng nông thôn. Nông nghiệp, bao gồm cả thủy sản, chiếm khoảng 16% GDP và 12% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, hạn hán sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng tới đất nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Cho tới thời điểm này, những thiệt hại của ngành nông nghiệp được ước tính đạt 600 triệu USD do sản lượng nông nghiệp giảm 2,2%.
Những người trồng gạo đang chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết hiện nay. Trong năm 2016, sản lượng gạo dự tính giảm 1,5%, trong khi xuất khẩu gạo được dự báo cũng sẽ giảm 11%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sẽ giữ được vị thế là một trong các quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới bởi các đối thủ của họ cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê robusta. Những yếu tố xấu đi khiến ngành cà phê Việt Nam chịu nhiều thiệt hại lớn. Dự kiến sản lượng cà phê sẽ giảm khoảng 30% trong năm 2016, khi hàng chục ngàn hecta cà phê không có khả năng sản xuất.
Sản lượng hạt điều cũng đã giảm 20% trong vụ mùa đầu tiên của năm nay.
Theo tính toán, sản lượng nông sản nước ngọt trên sông Mê Kông chiếm khoảng 25% sản lượng toàn cầu. Ngành tôm tại Việt Nam đã đóng góp 3 tỷ USD giá trị xuất khẩu của nước này trong tháng 4/2016. Hiện nay, rất nhiều hồ tôm tại miền Nam đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sản lượng tôm nuôi tại các trại tôm từ tháng 12/2015 tới tháng 3/2016 đã giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước.

Tác động tới thị trường và danh mục đầu tư
Trong ngắn hạn, các tác động của hạn hán là khá rõ ràng: sản lượng xuất khẩu hoa quả, rau, hải sản và những sản phẩm liên quan sẽ giảm. Các loại lương thực thực phẩm chiếm 40% Chỉ số Tiêu dùng Cá nhân (CPI), nếu giá thực phẩm tăng, lạm phát sẽ phải chịu thêm nhiều áp lực.
Bên cạnh đó, các công ty ở lĩnh vực liên quan như hải sản, phân bón, gạo hay thủy điện cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Liệu mùa mưa có "cứu" được nông dân tại ĐBSCL

Mùa mưa năm 2016 được dự báo bắt đầu vào tháng 6, và dựa trên tình hình hiện nay, công ty VinaCapital cho rằng những thiệt hại kinh tế từ đợt hạn hán này sẽ chỉ là ngắn hạn. Hơn nữa, các gói trợ giúp chính phủ nhiều khả năng sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới tình trạng thâm hụt ngân sách.
Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán này cần ngồi lại với nhau để tìm ra chính sách phát triển ổn định cho sông Mê Kông nhằm bảo vệ sinh kế của hàng triệu người dân đang sống phụ thuộc vào dòng sông này.
Các vấn đề địa chính trị khá phức tạp và tốn nhiều thời gian để giải quyết mục dù chưa chắc đã có kết quả. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng tình trạng thời tiết sẽ tiếp tục khắc nghiệt như hiện nay và chính phủ Việt Nam cần phải xem xét lại những thông lệ, chính sách về nông nghiệp và môi trường đã được áp dụng trong một thời gian dài mà chưa có được sự thay đổi cẩn thiết. Điều này sẽ giúp đất nước với hơn 90 triệu dân này có sự chuẩn bị và ứng phó tốt hơn trong dài hạn. Trong đó, các biện pháp chính có thể kể tới như phát triển nông nghiệp bền vững, phòng chống thiên tai và dự trữ nguồn nước.
Trong một vài tuần tới, mùa mưa tại Việt Nam sẽ bắt đầu và xóa đi những thiệt hại ngắn hạn do đợt hạn hán này gây ra. Hy vọng rằng những bài học trong đợt hạn hán khủng khiếp nhất thế kỷ này sẽ không bị quên lãng.

Thạch Thảo - Theo VinaCapital

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.