Header Ads

Những cổ phiếu đang khiến người ta phải săn lùng trên OTC

Đó là cổ phiếu của những doanh nghiệp mà hầu như ai cũng biết bởi vì họ thực sự là những "ông lớn" của nền kinh tế.
Cơn sốt hàng OTC đã hạ nhiệt một chút so với thời gian trước, khi giá các cổ phiếu tại đây đã được đẩy lên khá nhanh trước thềm doanh nghiệp lên sàn chứng khoán. Tuy vậy, những món hàng tốt vẫn được nhà đầu tư săn lùng do những thông tin truyền tai nhau về việc qua Tết, doanh nghiệp sẽ sớm niêm yết.
Con voi

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX)
Cuối tháng 4/2016, Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp mã giao dịch chứng khoán PLX cho Petrolimex. Doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nộp lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước để sẵn sàng lên sàn vào quý 1/2017.
Giá cổ phiếu PLX đã tăng từ dưới 25.000 đồng và ổn định ở 35.000 – 36.000 đồng/cp cho đến hiện tại. Hồi tháng 9/2016 Petrolimex đã bán cho JX Nippon Oil & Energy 8% vốn với giá hơn 39.000 đồng/CP. Tính đến hết quý 3.2016, tổng tài sản Petrolimex đã vượt con số 51.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với Sabeco (17.295 tỷ đồng).
Mới đây, thông tin Tập đoàn này đạt mức lãi kỷ lục hơn 6.200 tỷ đồng, đạt 158% kế hoạch, ROE đạt trên 50% càng khiến cho các nhà đầu tư quan tâm.

CTCP ô tô Trường Hải (Thaco, THA)
Thaco đã từng nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE hồi năm 2010 và công ty chứng khoán tư vấn cho doanh nghiệp cũng mua cổ phiếu này với giá khoảng 50.000 đồng. Sau đó, công ty đã có nghị quyết hoãn việc niêm yết nhưng gần đây, có vẻ kế hoạch niêm yết đang được khởi động trở lại. Giá cổ phiếu Thaco trên OTC đang giao dịch quanh mức 150.000/cp.
6 tháng đầu năm 2016, Trường Hải Thaco đạt trên 3.709 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 3.682 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 30/6/2016 là 11.181 tỷ đồng.

Tập đoàn Lộc Trời (AGPPS)
Theo một số nguồn tin, Tập đoàn Lộc Trời đã có ý định lên sàn UPCOM.
Tiền thân của Tập đoàn Lộc Trời là CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang. Đây là công ty có thị phần lớn nhất trên thị trường thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tại, không chỉ tập trung vào mảng thuốc bảo vệ thực vật, Lộc Trời còn định hướng chiến lược khi tham gia vào cả chuỗi nông nghiệp cho cây lúa từ những công đoạn như nghiên cứu, tìm giống… cho đến bước cuối cùng là thu hoạch lúa và cho ra thành phẩm gạo.
CTCK Rồng Việt mới đây đánh giá, việc công ty nhanh chân tạo ra thương hiệu gạo nhất quán trên một thị trường sẽ mang lại lợi thế lớn cho công ty trong ngành, bên cạnh một đối thủ cạnh tranh lớn khác là Cỏ Mây. Tuy nhiên, việc định hình chiến lược chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ chi phối nguồn lực của Lộc Trời, qua đó đây có thể là cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh mảng thuốc bảo vệ thực vật như VFG, SPC giành thị phần.
Trong năm 2015, Lộc Trời ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 7.865 tỷ đồng và 748 tỷ đồng.

Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm)
Vinapharm thực hiện IPO vào tháng 6/2016 với giá trúng bình quân là 10.433 đồng/cp. Trong vai trò quản lý vốn đầu tư tại các công ty thành viên, lợi nhuận của Vinapharm cũng đến từ hoạt động đầu tư và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng không thể nói là hấp dẫn. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Vinapharm ước đạt doanh thu từ 258 tỷ đến 1.559 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 41,2 tỷ - 115,7 tỷ đồng và tỷ lệ trả cổ tức 2-4%.
Tuy nhiên, Vinapharm hiện đang quản lý quỹ đất 'khủng' lên tới 9.869,2 m2 với hàng loạt dự án bất động sản tại Hà Nội như tại 95 Láng Hạ, quận Đống Đa; 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân; 178 Điện Biên Phủ và 126A Trần Quốc Thảo (Quận 3, TP Hồ Chí Minh)... CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương là nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) với tỷ lệ sở hữu 17%.
Trên OTC, giá cổ phiếu của Vinapharm giao dịch quanh 19.000 - 20.000 đồng/cp.

CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Nội Bài (NASCO)
NASCO hiện có vốn điều lệ hơn 83,15 tỷ đồng. Thuộc ngành hàng không – ngành vẫn được đánh giá là “béo bở”, Nasco cũng được biết đến là doanh nghiệp thường xuyên có tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm cao. 9 tháng đầu năm 2016, Nasco đạt hơn 396 tỷ đồng doanh thu, giảm 7% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế thu về gần 24,5 tỷ đồng, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm 2015, trong đó lợi nhuận ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ gần 25,5 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2016, vốn chủ sở hữu của Nasco đạt 149,5 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 375,82 tỷ đồng.
Ngày 16/01, HNX đã ra quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu NAS trên UPCOM.

Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)
IPO vào tháng 8/2016 với số lượng chào bán hơn 167 triệu cổ phần, giá khởi điểm là 14.290 đồng/cổ phần. Kết quả, có 149,5 triệu cổ phần được bán với mức giá đấu thành công bình quân là 14.291 đồng/cổ phần, tổng giá trị VEAM thu về đạt 2.137 tỷ đồng. Đây là phiên IPO có giá trị lớn nhất năm 2016.
Sức hấp dẫn của VEAM nằm ở chỗ công ty sở hữu vốn tại nhiều doanh nghiệp, công ty con và các thương hiệu liên doanh lớn. Đáng chú ý nhất là 30% vốn tại liên doanh với Honda Việt Nam, 20% vốn tại liên doanh Toyota Việt Nam và sở hữu 25% vốn của Ford Việt Nam thông qua một công ty con mà VEAM đang sở hữu 100% vốn. Năm 2015, VEAM nhận được 3.390 tỷ đồng tiền cổ tức, thì 2.677 tỷ đồng từ Honda Việt Nam.
Bên cạnh đó, VEAM cũng sở hữu quỹ đất rộng lớn hàng trăm nghìn mét vuông ở nhiều tỉnh trong cả nước dưới hình thức thuê đất từ vài chục năm đến vĩnh viễn.
Giá cổ phiếu quanh 20.000 – 23.000 đồng.

Sơn Bạch Tuyết (BTPC)
Không quá đắt khách nhưng những người quan tâm đang tìm hiểu về Sơn Bạch Tuyết. Đây là doanh nghiệp có vốn điều lệ 69 tỷ đồng, trong đó, Liksin đại diện Nhà nước nắm giữ 241.500 CP, tương đương 35% vốn điều lệ. Công đoàn Công ty nắm giữ 45% vốn điều lệ, tương đương 310.500 CP, còn lại 20% do các cổ đông nhỏ nắm giữ. Năm 2015, Sơn Bạch Tuyết đạt 453 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty lên tới 61,6 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi kết quả năm 2014. Nửa đầu năm 2016, Sơn Bạch Tuyết đã đạt 31,8 tỷ đồng lợi nhuận, gần như hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ngày 3/2/2017 sẽ diễn ra buổi đấu giá thoái vốn của Liksin với giá khởi điểm 210.965 đồng.

CTCP Hàng không Vietjet
Hãng hàng không tư nhân này vốn đã nổi tiếng từ lâu bởi tốc độ tăng trưởng “thần tốc” và chiến lược marketing độc đáo. Ngày 16/01/2017, Vietjet đã hoàn thiện hồ sơ niêm yết 300 triệu cổ phiếu lên sàn HOSE.
Hải Thanh

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.