Header Ads

Những cơ hội đầu tư vàng cho năm 2017

(NDH) Cơ hội đầu tư năm 2017 không chỉ đến từ các doanh nghiệp đã niêm yết mà còn đến từ các doanh nghiệp chưa niêm yết với mức sinh lời lên đến 20 – 30%, thậm chí 100%.

Lời dẫn của tác giả: Đầu tư chứng khoán là một trong những kênh đầu tư đòi hỏi trình độ quản lý tài sản rất cao và cần nhiều trí tuệ lẫn thời gian. Thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ với rất nhiều cơ hội đầu tư giá trị, tuy nhiên có không ít doanh nghiệp với tài sản ảo nhưng lại có giao dịch lũng đoạn thị trường. Do vậy, các nhà đầu tư cần có nền tảng kiến thức đầy đủ và có kinh nghiệm xử lý các tình huống để bảo toàn nguồn vốn đầu tư.
Trong phạm vi bài viết, người viết muốn giới thiệu đến nhà đầu tư những cơ hội đầu tư giá trị cũng như cảnh báo các rủi ro lớn trên thị trường. Tuy nhiên không đảm bảo khả năng kiếm lời dựa trên các thông tin tác giả cung cấp, bởi 3 lý do chính.
Thứ nhất, giá cả của cổ phiếu biến động ngắn hạn không đi cùng với giá trị cổ phiếu mà phụ thuộc nhiều vào tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường, nhà đầu tư rất dễ phạm phải sai lầm khi mua vào và bán ra trong thời gian ngắn.
Thứ hai, các thông tin về doanh nghiệp và quá trình kinh doanh của doanh nghiệp biến động không ngừng làm tăng giảm các giá trị tài sản.
Cuối cùng, để đảm bảo có lợi nhuận dài hạn, nhà đầu tư cần có kiến thức tài chính chuyên sâu, khả năng am hiểu thị trường, nắm bắt thông tin, khả năng phân tích, định giá, phán đoán dựa trên các dữ kiện có và không có. Khả năng kiểm soát cảm xúc cá nhân để không đưa ra các quyết định có yếu tố cảm tính. Khả năng cơ cấu danh mục tài sản theo biến động thị trường và nắm bắt các cơ hội. Việc nhà đầu tư cá nhân chỉ đơn thuần chạy theo các đợt tăng giá cổ phiếu ngắn hạn sẽ không đảm bảo khả năng bảo toàn vốn.

Cổ phiếu vàng sắp lên sàn
Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có tài sản bất động sản ước tính lên đến trên 7 triệu m2 đất không được ghi nhận trong tài sản do vấn đề quốc phòng và an ninh, song Tập đoàn được thuê sử dụng vĩnh viễn và cũng đang có các hoạt động khai thác quỹ đất này mở thêm các cửa hàng tiện lợi và các dịch vụ mới bên cạnh các cây xăng hiện hữu.
Vốn chủ sở hữu của PLX được ghi nhận trong báo cáo hợp nhất quý 4/2016 là 23 ngàn tỷ với lợi nhuận 4.677 tỷ, biên lợi nhuận khoảng 28,7% và ngành nghề kinh doanh ổn định. Chính những điều này giúp PLX được định giá theo dòng lợi nhuận ở mức 49.800 đồng/cp hiện tại và 63.000 đồng/cp cho một năm tới.
Giá trị tài sản rất lớn không được ghi nhận và là một trong số ít các doanh nghiệp vốn hóa lớn trên 2 tỷ USD có tăng trưởng ổn định, bền vững là yếu tố giúp PLX là mục tiêu thích hợp cho các dòng tiền lớn từ nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp. Do vậy, người viết cho rằng giá trị hợp lý của PLX ở mức P/E trên 20 và giá hợp lý là 74.800 đồng/cp.
Ngoài ra, đối tác nhật là Tập đoàn xăng dầu chiếm 50% thị trường Nhật Bản JX Nippon Oil&Energy sẽ giúp PLX phát triển các sản phẩm mới và ngày càng nâng cao hiệu quả kinh doanh khi đã chiếm khoảng 50% thị phần trong nước. Hiện PLX chỉ giao dịch tự do 53,6 triệu cổ phiếu.
Kế đến,CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido - Kido Foods (KDF)- công ty con 100% vốn của KDC nổi tiếng với mảng kinh doanh bánh kẹo, kem và các hoạt động mua bán doanh nghiệp với giá cao trong 3 năm gần đây. KDC sẽ bán ra 35% cổ phần với 20% được phân phối cho các nhà đầu tư thông qua công ty chứng khoán ở mức giá 52.000 đồng/cp.
Với giá trị sổ sách ở mức 11.839 đồng và EPS 2.554, người viết định giá KDF có mức giá hợp lý từ 25-30.000 đồng/cp. Mức giá 52.000 đồng/cp là quá cao, tuy nhiên với thông tin từ phía doanh nghiệp có đối tác hỏi mua tại mức giá trên 52.000 đồng/cp và khả năng phân phối cổ phiếu của các công ty chứng khoán hiện nay ra thị trường, nhà đầu tư có thể kiếm về từ 10-20% lợi nhuận nếu Công ty niêm yết trong năm 2017.
Tổng công ty Dược Việt Nam-VinaPharm (DVN) có với vốn điều lệ hiện tại là 2.370 tỷ và vốn chủ sở hữu 2.371 tỷ trên báo cáo tài chính công ty mẹ đến 31/12/2016. Tuy nhiên vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 là 2.661,8 tỷ đồng nếu tính phần tiền thu về từ đợt tăng vốn, lợi nhuận năm 2016 và quý 1/2017, Vinapharm có VCSH khoảng 3.300 tỷ đồng tương ứng với BV 13.900. VinaPharm có thể được định giá ở mức 15.000-20.000 đồng/cp.
Tuy nhiên giá trị thật sự của VinaPharm có thể cao hơn nhiều bởi các lý do sau:
Thứ nhất, VinaPharm kinh doanh trong lĩnh vực có tính độc quyền cao và hiện đang hạn chế sở hữu của cổ đông nước ngoài. Ngành dược phẩm và thiết bị y tế thực chất có biên lợi nhuận cao hơn nhiều những gì VinaPham ghi nhận trong Báo cáo tài chính công bố.
Thứ hai, lợi nhuận của VinaPharm giảm từ 377 tỷ năm 2014 xuống 130 tỷ năm 2015 và có thể thấp hơn trong 2016 trong khi ngành dược phẩm và nền kinh tế vẫn tăng trưởng đi lên. Việc này có thể đặt ra chút nghi ngờ cho khả năng chuẩn bị để IPO và đấu giá cp với giá rẻ.
Thứ ba, đến thời điểm hiện tại VinaPharm vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2016 và xin gia hạn cho thấy năng lực yếu kém của Ban lãnh đạo hiện tại khi hoạt động dưới cơ chế nhà nước, vẫn còn khá chậm rải và mù mờ. Tuy nhiên đó là điểm cộng để VinaPharm cải thiện lợi nhuận và hoạt động kinh doanh sau khi lên sàn chứng khoán giúp giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ.
Thứ tư, VinaPharm có tới 985 tỷ tiền và tương đương tiền, 293 tỷ đầu tư vào 5 công ty dược và tiền gửi có kỳ hạn, đầu tư 307 tỷ vào 3 công ty con 900 tỷ vào 9 công ty liên kết 496 tỷ vào các công ty khác và hầu như không có nợ vay ngân hàng. Các khoản vốn của VinaPharm đầu tư đã khá nhiều năm và các công ty con nắm giữ rất nhiều quỹ đất vàng, bởi vậy ước tính sơ bộ giá trị tài sản ròng thật sự của VinaPharm trên đầu cổ phiếu đến thời điểm này có thể trên 30.000 đồng/cp.
Đặc thù của các công ty có vốn nhà nước là lưu giữ tiền mặt với tỷ lệ khá cao từ 30-50% vốn và hoàn toàn không dùng đến nợ vay. Đây chính là yếu tố khiến doanh nghiệp nhiều năm tăng trưởng chậm và nền kinh tế Việt Nam đình trệ. Nó thể hiện năng lực yếu kém của Ban lãnh đạo doanh nghiệp hoặc việc lưu giữ tiền mặt giúp một số cá nhân đạt được lợi ích khác chứ không chỉ đầu tư tài sản để mang về lợi ích cho cổ đông chính là nhà nước. Các cá nhân đấu giá công ty với giá rẻ đến hiện tại cũng đã thu về một nguồn lợi nhuận khá lớn và nếu cải thiện hoạt động kinh doanh, giá trị đầu tư này có thể tăng lên nhiều lần trong các năm tiếp theo.
VinaPharm là cơ hội đầu tư vào một cổ phiếu giá rẻ hơn rất nhiều so với tài sản dù ở mức giá hiện nay trên thị trường OTC là 20.000 đồng/cp. Ngoài ra, đây còn là một cơ hội cực lớn để kiếm về những khoản lợi nhuận lên đến vài trăm % trong vài năm tới nếu doanh nghiệp thay đổi ban lãnh đạo, tư duy quản lý, và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hiện tại.

Loạt cổ phiếu niêm yết tiềm năng
ACB, STB cổ phiếu ngân hàng tiềm năng
ACB và STB là 2 ngân hàng tư nhân duy nhất trong tốp năm ngân hàng có quy mô vốn, mạng lưới, chất lượng dịch vụ và chất lượng tài sản tốt nhất hiện nay, mặc dù họ công bố những khoản nợ xấu rất đáng kể. Tuy nhiên đây là vấn đề thường gặp của các ngân hàng khi các ngân hàng có đặc thù kinh doanh nguồn vốn tín dụng hơn 10 lần tài sản doanh nghiệp.
Ngân hàng có đặc thù khác hoàn toàn với các ngành nghề kinh doanh khác nên nó không có tính chất đầu tư để kỳ vọng vào lợi nhuận bởi với tỷ lệ NIM (biên lợi nhuận ròng) khoảng 3%, trong đó 1-1,5% cho chi phí và rủi ro tín dụng. Các ngân hàng kinh doanh hiệu quả chỉ có thể đem về lợi nhuận từ 10-15%/năm. Trong tình hình lạm phát thực khoảng 5% và chênh lệch tỷ giá mỗi năm từ 3-5%. Đây không phải khoản đầu tư hấp dẫn đối với nguồn vốn ngoại cũng như vốn của các nhà đầu tư cá nhân. Giá trị doanh nghiệp chỉ nằm ở mức ngang với BV như giá hiện tại là hợp lý với tài sản thực có.
Tuy nhiên ngân hàng luôn có sức hấp dẫn riêng (Money in the Banks) với việc quản lý một nguồn tín dụng rất lớn của xã hội, với 2 ngân hàng này là 200-300 ngàn tỷ trên vốn ở mức 1 tỷ USD. Các cá nhân và tổ chức là cổ đông lớn có những lợi ích được tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn này. Bởi vậy giá trị về mạng lưới và nguồn vốn của các ngân hàng nói chung và 2 ngân hàng tư nhân này nói riêng giúp giá trị của cổ phiếu có thể lên đến 1,5 đến 2 lần BV. Đặc biệt sau rủi ro về nợ xấu đang được giải quyết và dự phòng dần trong các năm vừa qua, cổ phiếu ngành ngân hàng có thể lên giá mạnh với 2 ngân hàng này có thể tăng thêm 20% nữa với ACB và 100% với STB. Ngoài ra dòng lợi nhuận hằng năm cũng đóng góp vào việc tăng giá trị của các cổ phiếu ngân hàng.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát - HPG
Nhiều nhà đầu tư nắm giữ HPG đã thu được lợi nhuận gấp nhiều lần trong 4 năm qua, riêng năm 2016 khoảng 100%. Bởi nguồn lợi nhuận của HPG duy trì ở mức trên dưới 30%/năm và đặc biệt 41% trong năm 2016 sau khi trừ đi các quỹ không thuộc cổ đông. Đặc biệt do tính chất ngành HPG vẫn được giao dịch ở mức giá thấp với P/B quanh mức 2 lần trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chỉ cần duy trì lợi nhuận 30%/năm không cần tăng trưởng về giá so với giá trị, tài sản của nhà đầu tư cũng tăng từ 15-20% mỗi năm không tính đến chênh lệch biến động giá.
Cổ phiếu HPG đã đi ngang trong suốt khoảng thời gian từ tháng 9/2016 đến thời điểm hiện tại và giá đang có xu hướng tăng vượt mức đỉnh trong tháng 9/2016 sau khi chia cổ tức. Mặc dù từ khi đó đến nay, Công ty đã kiếm về thêm hơn 3 ngàn tỷ đồng. Những lo ngại về sự pha loãng cổ phiếu và phát hành tăng vốn nhằm phục vụ phát triển dự án thép Dung Quất trong thời gian vừa qua là tính chất của thị trường tài chính giúp nhà đầu tư sáng suốt kiếm thêm những khoản lợi nhuận.
HPG đã tăng 11,3% kể từ ngày 28/3 và tăng khoảng 22,8% so với mức đáy trong 6 tháng qua.
HPG vẫn được định giá rẻ hơn 30-50% giá trị doanh nghiệp và vẫn là cơ hội đầu tư giá trị giúp nhà đầu tư thu về từ 20-50% lợi nhuận trong 1 năm tới nếu không có biến động bất ngờ từ thị trường thép thế giới. Tuy nhiên, HPG hiện đang cơ cấu tài sản ra nhiều ngành nghề khác nhau và đều là các ngành nghề đem về nguồn lợi nhuận tốt như BĐS, điện lạnh, nội thất, nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi khi VCSH đã vượt mức 1 tỷ USD và tài sản thực vượt mức 2 tỷ USD.
CTCP Tập đoàn Hòa Sen - HSG
Tương tự HPG, HSG là doanh nghiệp dẫn đầu một ngành nghề với khoảng 32% thị phần ngành tôn mạ. Xét về tính ổn định, HSG không thể so sánh với HPG trong hoạt động kinh doanh các năm gần đây. HSG có lợi thế hơn HPG về dư địa tăng trưởng khi nguồn VCSH hiện tại chỉ ở mức 4.000 tỷ bằng 1/5 HPG, tuy nhiên nhờ sử dụng đòn bẩy tài chính tốt, HSG đã có mức doanh thu gần chạm 1 tỷ USD và biên lợi nhuận cao hơn trong năm 2016.
HSG vẫn là một doanh nghiệp tốt và tăng trưởng nhanh với thị phần cao trong ngành, mạng lưới phân phối rộng và hiệu quả. HSG được định giá giao dịch rẻ hơn 30-50% giá trị doanh nghiệp hiện tại. Tuy nhiên vẫn chứa đựng những rủi ro ngắn hạn về giá cùng với ngành thép. Nhà đầu tư cần có khả năng cơ cấu danh mục đầu tư để kiểm soát rủi ro khi đầu tư vào 2 doanh nghiệp đầu ngành này.
CTCP Thương mại XNK Thiên Nam - TNA
Sau khi thoái vốn nhà nước và chuyển thành công ty tư nhân, TNA đã có sự tăng trưởng về lợi nhuận và doanh thu thần kỳ trong 3 năm qua. Tương tự giá trị cổ phiếu đã tăng khoảng 400% đến mức đỉnh trong năm 2016. Tuy nhiên hiện tại giá cp đang giao dịch ở mức 61.700 đồng/cp, giảm khoảng 25% sau hai đợt chia cổ tức bằng tiền. Với BV 38.000 đồng/cp và biên lợi nhuận khoảng 37%, đây là cơ hội đầu tư lý tưởng cho nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng và nắm giữ dài hạn.
CTCP CNG Việt Nam có lợi thế kinh doanh mạnh
CNG chiếm lĩnh thị trường phân phối khí CNG do nguồn cung gần như độc quyền từ GAS. Khí CNG là khí dành cho các nhu cầu nhiệt cao, ít gây ô nhiễm môi trường chi phí rẻ và tiện lợi cho sử dụng, bảo quản. Đặc biệt dùng cho các nhà máy cần nhiều năng lượng nhiệt trong các khu công nghiệp. Công ty có hiệu quả kinh doanh vốn rất tốt trong nhiều năm liền, biên lợi nhuận đạt từ 25-35%/năm. Năm 2016, PGS đã chuyển nhượng 56% cổ phần CNG sang cho GAS. Việc nắm giữ trực tiếp CNG giúp đóng góp lợi nhuận thêm cho GAS trong lúc tổng công ty đang gặp khó khăn bởi giá dầu lao dốc. Đồng thời khi GAS trở thành công ty mẹ, CNG cũng được đảm bảo hơn về nguồn cung khí và nguồn lực phát triển trong dài hạn.
Gần đây CNG đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận khá khiêm tốn với 100 tỷ đồng năm 2017. Tuy nhiên, kế hoạch và khả năng thực hiện của các doanh nghiệp nhà nước là hai điều hoàn toàn khác nhau. Tâm lý bi quan cùng với thanh khoản cổ phiếu không đáng kể (đa số nhà đầu tư nắm giữ dài hạn) giá cổ phiếu CNG đã điều chỉnh từ mức trên 40.000 đồng/cp xuống 32.200 đồng/cp và có xu hướng chững lại, điều chỉnh 24%. Đây là cơ hội giá trị để mua vào và nắm giữ cổ phiếu này với kỳ vọng lợi nhuận năm trên 20%.
CTCP Cát Lợi - CLC
CLC kinh doanh lĩnh vực in bao bì thuốc lá đầu lọc là công ty con của tổng công ty thuốc lá Việt Nam. CLC chiếm hơn 50% thị phần in bao bì thuốc lá đầu lọc trong nước. Đồng thời CLC có khối tài sản hiện hữu lớn hơn nhiều lần vốn CSH với quỹ đất tại các nhà máy và các máy móc, thiết bị đều được khấu hao nhanh, vẫn còn khả năng sử dụng nhiều năm khi đã khấu hao xong tài sản.
CTCP Cao su Sao Vàng - SRC
SRC hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực săm lốp, đặc biệt là săm lốp xe đạp và xe máy. Trong 3 doanh nghiệp ngành săm lốp thuộc tập đoàn hóa chất, SRC là doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn và chỉ chiếm 5-8% thị phần. SRC đã giảm 46% sau khi chia thưởng bằng cổ phiếu 40% trong tháng 10/2016. Định giá hợp lý 22-24.000 đồng/cp. SRC là cơ hội đầu tư lý tưởng cho năm 2017.
CTCP Tasco - HUT doanh nghiệp tăng trưởng mạnh năm 2017, 2018
HUT là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS và xây dựng. Nhiều nhà đầu tư chắc vẫn còn ám ảnh với kết quả kinh doanh tệ hại của HUT mấy năm gần đây khiến giá cổ phiếu có lúc chỉ còn 7-8.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, sau khi từ bỏ nhiều dự án đắc địa tại Thành phố HCM và chuyển về đầu tư tại phía Bắc, HUT tham gia vào các công trình BOT. Năm 2016 là khởi đầu cho những thắng lợi của HUT với kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng. Năm 2017-2018 các dự án BOT bắt đầu đi vào hoạt động và đóng góp dòng tiền, trong khi đó tiếp tục triển khai thêm các dự án BĐS cùng đà ấm lên của thị trường chung. HUT được định giá hợp lý trên 20.000 đồng/cp cao hơn 44,9% thị giá hiện tại trên thị trường.
CTCP Licogi 16 - LCG doanh nghiệp cơ cấu tài chính tốt
Cùng chung hoạn nạn với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS và xây dựng trong các năm gần đây. LCG có kết quả kinh doanh khá bết bát với việc lỗ liên tiếp trong 2012, 2013, lời 4,7 tỷ 2014, lời 15 tỷ 2015. Tuy nhiên, LCG là doanh nghiệp có tài sản thực không giống như các doanh nghiệp khác trên sàn giao dịch dưới mệnh giá. LCG từng phát hành 20 triệu cp cho đối tác chiến lược năm 2014 với giá 7.500 đồng/cp và có lợi nhuận tới 238 tỷ năm 2010, 154 tỷ năm 2011.
Hiện LCG có vốn CSH 794 tỷ đồng, tương đương với 13.700 đồng/cp. Mặt khác, các tài sản BĐS của LCG nhiều năm qua tuy không đóng góp lợi nhuận trong các năm gần đây nhưng đã có giá trị tăng lên nhiều so với giá vốn, thậm chí là nhiều lần. Các dự án LCG triển khai cũng bắt đầu ghi nhận lợi nhuận. LCG đang tập trung khai thác quỹ đất hiện hữu và đầu tư vào các dự án BOT có mức độ rủi ro thấp.
LCG dự kiến sẽ chia cổ tức trong năm 2017 và xóa âm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Định giá hợp lý của LCG là 15.000 đồng/cp cao hơn 82% so với thị giá 8.240 đồng/cp trên thị trường.

Nguyễn Ngọc Linh/Chuyên viên môi giới Phòng 6, CTCP Chứng khoán Sài Gòn

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.