Header Ads

Cổ phần hóa Idico: Cuộc đua tay ba

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, 3 nhà đầu tư đã đặt cọc để tham gia đấu gia mua cổ phần, trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (Idico) là Kinh Bắc, Bitexco và Tập đoàn SSG. 
Đấu giá IDICO
Đấu giá IDICO
Không loại trừ khả năng, 3 doanh nghiệp này cũng sẽ tham gia đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Idico diễn ra vào ngày 5/10 tới đây.
Các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Idico khá ngặt nghèo. Theo đó, vốn điều lệ của nhà đầu tư chiến lược phải đạt tối thiểu 2.500 tỷ đồng, hoặc 115 triệu USD đối với nhà đầu tư nước ngoài; vốn chủ sở hữu hợp pháp tối thiểu là 1.500 tỷ đồng, hoặc 68 triệu USD đối với nhà đầu tư nước ngoài vào niên độ tài chính 2016. Trong số 12 nhà đầu tư quan tâm, có 3 nhà đầu tư nói trên đủ điều kiện và hiện nay đã đặt cọc 20% để tham gia đấu giá.
Nguồn tin từ Idico cho biết, có nhiều quỹ đầu tư quan tâm đến IPO tổng công ty này. Hai quỹ đầu tư lớn nhất là Dragon Capital, Vinacapital đều "qua lại" tích cực tìm hiểu thông tin, ngoài ra còn có các tổ chức đầu tư đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hơn 20 công ty chứng khoán trên thị trường đều là đại lý đấu giá cổ phiếu cho Idico. Nếu chào bán thành công 45% cổ phần cho nhà đầu tư và 18,44% cổ phần IPO với giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phần, Công ty sẽ thu về tối thiếu khoảng 3.500 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng giám đốc Idico, Công ty sẽ niêm yết trên sàn TP. HCM ngay sau khi hoàn thành cổ phần hóa theo đúng quy định. Tỷ lệ vốn nhà nước còn lại ở Idico là 36% sẽ do SCIC quản lý. Sau đó, Nhà nước sẽ thoái nốt số vốn và dự kiến đến ngày 31/12/2018 sẽ không còn nắm giữ cổ phần tại Công ty. Đây chính là điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi họ có cơ hội mua để sở hữu chi phối Idico.
Như vậy, không loại trừ khả năng mỗi nhà đầu tư chiến lược đều đặt mua hết toàn bộ 45% cổ phần chào bán. Đồng thời cũng sẽ tham gia đấu giá IPO nhằm đạt được tỷ lệ sở hữu cổ phần cao nhất, tiến tới sở hữu cổ phần chi phối. Câu chuyện tương tự đã từng diễn ra khi cổ phần hóa Vissan. Như vậy, cuộc đấu giá tìm nhà đầu tư chiến lược cho Idico dự kiến là cuộc đấu tay ba. Để sở hữu 45% cổ phần tại đây, các nhà đầu tư cần chuẩn bị tối thiểu 2.500 tỷ đồng, căn cứ theo mức giá khởi điểm IPO là 18.000 đồng/cổ phần.
Với sức nóng đo được từ sự quan tâm của thị trường, nhiều khả năng IPO Idico sẽ thành công ở mức cao hơn giá khởi điểm, bởi hầu hết các tổ chức đầu tư đều đã từng làm việc, đầu tư vào các công ty con, công có vốn góp của Idico trên thị trường chứng khoán từ nhiều năm nay như UIC, HTI, ICN… Chưa kể, nhiều người lao động tại Idico cũng có thể sẽ tham gia đấu giá DN này.
“Ngoài việc mua cổ phần ưu đãi, cá nhân tôi trong khả năng tài chính của mình cũng sẽ tham gia vào đợt IPO sắp tới vì tôi hiểu rõ từng dự án của Công ty”, ông Đạt chia sẻ.
Theo báo cáo tài chính, 6 tháng đầu năm nay, Idico đạt doanh thu hợp nhất 2.760 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 176 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Đạt cho biết, đến thời điểm này, sau 9 tháng, Idico đã hoàn thành kế hoạch năm và cả năm nay dự kiến vượt 40% lợi nhuận mục tiêu. Bên cạnh đó, Idico đã xây dựng kế hoạch kinh doanh trong trung hạn đến năm 2019 ở mức thận trọng nhất, có thể đạt được trong mọi điều kiện.
Về tình hình hoạt động kinh doanh, giai đoạn 2017 - 2019, Idico tiếp tục đầu tư phát triển vào các lĩnh vực điện năng, khu công nghiệp, khu dân cư, giao thông với tổng giá trị đầu tư là 7.127 tỷ đồng.
Trong quỹ đất phát triển khu công nghiệp còn lại, có Khu công nghiệp Hựu Thạnh ở Long An với quy mô hơn 500 hecta đang triển khai giải phóng mặt bằng. Trong khi hơn 400 hecta dự án Khu công nghiệp Phú Mỹ II (mở rộng) nằm ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành phần sang nền, hạ tầng cơ bản đã xong, đang thu hút nhà đầu tư.
Tại mảng điện, Công ty tiến hành đầu tư 4 dự án thủy điện công suất 322 MW, tổng mức đầu tư 7.640 tỷ đồng, gồm thủy điện Srok Phu Miêng, thủy điện Đak Mi 4 (A, B, C).
Ngoài ra, Idico đang thực hiện 7 dự án giao thông: BOT Quốc lộ 2, đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, cải tạo và mở rộng Quốc lộ 51; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương, An Lạc; nút giao thông tại giao lộ Quốc lộ 1 - hương lộ 2, nút giao thông Gò Mây; mở rộng Quốc lộ 1 đoạn An Lạc - Long An... Tổng vốn đầu tư các dự án vào khoảng 12.262 tỷ đồng. Theo ông Đạt đánh giá, các dự án BOT có tỷ suất lợi nhuận không cao, nhưng rủi ro là thấp.                 
Thi Thơ - Thu Hương ĐTCK

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.