Header Ads

Nếu áp chuẩn niêm yết, chỉ 9 công ty “có tuổi” hội đủ các điều kiện của HNX trong bảng Upcom Premium

(NDH) Phần đông những doanh nghiệp thuộc bảng Premium đều là những doanh nghiệp có vốn điều lệ nhỏ, lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường thấp nên khó hấp dẫn để hút những nhà đầu tư lớn, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Cuối tháng 6/2016, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã chính thức công bố danh sách 86 cổ phiếu thuộc bảng UPCoM Premium.
Theo HNX, những cổ phiếu trong bảng UPCoM Premium là cổ phiếu của các doanh nghiệp được chọn lọc, đáp ứng các tiêu chí về tình hình tài chính và ý thức tuân thủ quy định pháp luật về công bố thông tin trên TTCK, căn cứ trên các tiêu chuẩn định lượng và định tính.
Upcom là thị trường được tổ chức vừa linh hoạt vừa chặt chẽ giúp các nhà đầu tư tránh được rủi ro khi giao dịch trên thị trường OTC. Do đó các chuẩn giao dịch trên thị trường Upcom không giống như chuẩn trên thị trường niêm yết và không bị đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu về công bố thông tin chặt chẽ như niêm yết.
Bài viết này giúp nhà đầu tư thêm một "bước lọc" trong quá trình tìm hiểu các cổ phiếu trên bảng Upcom Premium, nếu đòi hỏi chặt chẽ các yêu cầu của chuẩn niêm yết trên sàn HNX thì chỉ một số ít cổ phiếu này đáp ứng được 100%.
Trong số 84 cổ phiếu được chọn thì đa số là những cổ phiếu có thời gian niêm yết rất ngắn. Lọc ra trong số 84 doanh nghiệp mà HNX công bố được vào bảng UPCoM Premium thì chỉ có 32 doanh nghiệp có thời gian niêm yết trên 5 năm.

Nhóm cổ phiếu từng làm mưa làm gió trên Upcom trong thời gian qua với những đợt sóng tăng giá mạnh được chọn vào bảng Upcom Premium như GEX của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam, VLC của Tổng CTCP Chăn nuôi Việt Nam, cổ phiếu MSR của CTCP Tài Nguyên Masan …cũng chỉ có tuổi đời chưa đến 1 năm niêm yết trên sàn Upcom.
Nhiều quan điểm cho rằng những cổ phiếu có thời gian niêm yết quá ngắn trên sàn không phải là hoàn toàn không minh bạch nhưng chưa tạo được lòng tin ở nhà đầu tư. Đặc biệt là sau khi xảy ra trường hợp cổ phiếu MTM của Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung bị buộc ngừng giao dịch, gây mất mát hàng trăm tỷ đồng thì nhà đầu tư đã có cái nhìn thận trọng hơn.
Một chuyên gia chứng khoán đánh giá nhiều cổ phiếu trên Upcom Premium còn quá mới mẽ và quá ít thông tin để nhà đầu tư nước ngoài có thể tìm hiểu và đầu tư. Trong khi đó, phần đông những doanh nghiệp thuộc bảng Premium đều là những doanh nghiệp có vốn điều lệ nhỏ, lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường thấp nên khó hấp dẫn để hút những nhà đầu tư lớn, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, trong số 32 cổ phiếu niêm yết trên 5 năm thì số cổ phiếu đáp ứng đầy đủ cả 2 điều kiện về định lượng thì lại rất ít mà đa phần chỉ thỏa mãn được 1 trong 2.
Chẳng hạn như những cổ phiếu có vốn điều lệ dưới 120 tỷ đồng, thanh khoản kém nhưng hiệu quả kinh doanh rất cao như PSL của chăn nuôi Phú Sơn, IME của công ty Xây Lắp Công Nghiệp, HDM của Dệt May Huế…lại được chọn.
Trong khi đó, một số cổ phiếu có vốn điều lệ lớn hơn 120 tỷ đồng thì lại không đạt được tiêu chí ROE lớn hơn 5% như cổ phiếu PSB của Sao Mai Bến Đình, SD3 của Sông Đà 3 hay như VHF của Chế biến lương thực Vĩnh Hà.
Do vậy, nếu dựa theo bảng tổng hợp của SSI Retail Research thì chỉ có đúng 9 doanh nghiệp niêm yết trên 5 năm đáp ứng đầy đủ 2 điều kiện về định lượng của HNX theo đúng chuẩn niêm yết đưa ra được chọn vào bảng Upcom Premium.

Trong số 9 công ty này thì công ty có vốn điều lệ lớn nhất là đường sông miền Nam cũng chỉ có vốn điều lệ 671 tỷ đồng, vốn hóa thị trường tương ứng 1.200 tỷ đồng nhưng cổ đông lớn đã nắm tỷ lệ trên 80%.
Hoàng Trung - NDH

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.