Header Ads

Cổ phiếu VND – Cơ hội đầu tư hấp dẫn

CTCP Chứng Khoán VNDirect (HOSE: VND) – Cơ hội đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh thị trường chứng khoán phục hồi và bứt phá khi nâng hạng thị trường chứng khoán

1. Tổng quan doanh nghiệp

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (HOSE: VND), thành lập năm 2006, nhanh chóng khẳng định vị thế hàng đầu tại Việt Nam với sứ mệnh "Phụng sự Sức khỏe tài chính, Bảo an thịnh vượng và Điều kiện tiếp cận hệ sinh thái đầu tư toàn diện, tin cậy và cực kỳ đơn giản". Với thế mạnh trong các mảng môi giới chứng khoán khách hàng cá nhân, tư vấn tài chính, và quản lý tài sản.

Mô hình kinh doanh ngành Chứng khoán, Mô hình kinh doanh VNDIRECT

Hình 1: Mô hình kinh doanh ngành Chứng khoán, bao gồm VNDIRECT

Khả năng cạnh tranh

➢ Vốn điều lệ: 15.223 tỷ đồng, vị thế TOP 4 công ty chứng khoán có Vốn điều lệ lớn nhất (dẫn đầu là SSI, tiếp theo là TCBS, VPBankS, VND).
➢ Công nghệ & dịch vụ khách hàng: Đầu tư mạnh vào nền tảng giao dịch trực tuyến giúp thu hút nhà đầu tư trẻ, mang lại trải nghiệm giao dịch vượt trội.
➢ Cơ cấu sở hữu: Tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện tại của VND là 12.5%, không có tỷ lệ sở hữu của nhà nước, cho thấy sự phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tư nhân.
VNDIRECT có hệ sinh thái tài chính rộng lớn, kết hợp với các đối tác như PTI và IPAAM để cung cấp các dịch vụ bảo lãnh phát hành và quản lý tài sản, tăng cường tính cạnh tranh.

Lãnh đạo doanh nghiệp trung thực và có đầu tư tài sản: Bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT VNDIRECT

➢ Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, Bà Phạm Minh Hương từng giữ vị trí Giám đốc Kinh doanh Vốn và Tài chính tại Citibank N.A, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngân hàng. Bà là một trong những người sáng lập Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, biến công ty từ một môi giới nhỏ thành một trong những định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam.
➢ Là cổ đông sáng lập VNDIRECT, bà Hương mang đến tầm nhìn xây dựng một công ty công nghệ tài chính hiện đại. Dưới sự dẫn dắt của bà, VNDIRECT đã vượt qua nhiều thách thức, khẳng định vị thế là một trong những công ty chứng khoán uy tín nhất trong dịch vụ khách hàng cá nhân. Với tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn, bà đã có những đóng góp lớn cho cộng đồng tài chính Việt Nam. Bà chính thức giữ chức Chủ tịch HĐQT VNDIRECT từ ngày 18/09/2023.


2. Phân tích môi trường vĩ mô

➢ Nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau những thách thức của đại dịch và biến động toàn cầu, với dự báo tăng trưởng GDP khoảng 6.8% - 7% trong năm 2024 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư 10/2024). Đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao trong khu vực, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những thách thức lớn như lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị kéo dài, và sự chậm lại của các nền kinh tế lớn.
➢ Chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ tiếp tục hỗ trợ sự ổn định kinh tế.
➢ Lạm phát ổn định ở mức thấp và dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào các ngành sản xuất. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, điều này có thể thu hút dòng vốn ngoại lớn, hỗ trợ sự phát triển của các công ty chứng khoán, bao gồm VNDIRECT.


3. Phân tích ngành chứng khoán

Tình hình chung

➢ Ngành chứng khoán Việt Nam đối mặt với sự biến động lớn trong năm 2024 do biến động về dòng vốn và sự điều chỉnh của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, với sự mở rộng thị trường ngày càng lớn và sự gia tăng của nhà đầu tư cá nhân, ngành chứng khoán tiếp tục phát triển mạnh mẽ dù có sự cạnh tranh gay gắt. VNDIRECT là một trong những công ty dẫn đầu về nền tảng giao dịch và phát sinh, với vị trí vững chắc trên thị trường.
➢ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng hạng thị trường từ “cận biên” lên “mới nổi” cùng là động lực lớn cho sự phát triển ngành chứng khoán. Việc nâng hạng sẽ thu hút dòng vốn ngoại đáng kể, tạo cú hích cho thị trường trong dài hạn. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam cần cải thiện các vấn đề liên quan đến hệ thống giao dịch, sự minh bạch và quản trị doanh nghiệp.

Sự phát triển của nhà đầu tư cá nhân

 Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam đạt 8.86 triệu, tương đương 8.8% dân số. Sự bùng nổ này có dấu ấn đặc biệt từ thế hệ GenZ. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho nền kinh tế.

 Nhà đầu tư GenZ đầy nhiệt huyết và thường học hỏi rất nhanh. Có thể ban đầu các bạn chưa có kiến thức và kinh nghiệm tài chính nhưng với sự ưa chuộng và thành thạo về công nghệ của thế hệ GenZ, họ có thể tiếp cận thị trường đầu tư rất nhanh nhờ nền tảng công nghệ tiên tiến.

 Mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào 2025 và 11 triệu vào 2030, tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức và thu hút đầu tư nước ngoài.

hống kê số lượng tài khoản NĐT cá nhân trong nước mở, tăng trưởng mạnh mẽ từ tháng 3/2018 đến 9/2024

Hình 2: Thống kê số lượng tài khoản NĐT cá nhân trong nước mở, tăng trưởng mạnh mẽ từ tháng 3/2018 đến 9/2024


4. Phân tích vi mô doanh nghiệp

Tình hình tài chính

 Vốn hóa và thanh khoản: VNDIRECT hiện có vốn hóa thị trường khoảng 23.139 tỷ đồng, thể hiện quy mô lớn so với nhiều công ty cùng ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Giao dịch trung bình hàng ngày của công ty đạt 396 tỷ đồng, cho thấy tính thanh khoản cao và sức hấp dẫn của cổ phiếu VND với nhà đầu tư.

 Chỉ số tài chính: Tỷ lệ P/E của VND là 9.6 lầnP/B1.3 lần, thấp hơn so với mặt bằng chung ngành dịch vụ tài chính. Điều này phản ánh rằng cổ phiếu VND đang được định giá hợp lý, mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn khi thị trường có xu hướng tăng trưởng.

 Dòng tiền: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và tự doanh đóng góp lớn vào lợi nhuận của công ty, đặc biệt là từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Lợi nhuận từ FVTPL trong năm 2023 đạt 2.307 tỷ đồng, chiếm 52.83% tổng lợi nhuận hoạt động.

Khả năng sinh lời

 Lợi nhuận năm 2023: Đạt lợi nhuận trước thuế 2.482 tỷ đồng, thể hiện khả năng sinh lời mạnh mẽ. Tỷ suất lợi nhuận gộp duy trì ở mức ổn định, trong khi tỷ suất lợi nhuận ròng (ROE) đạt 13.04%, cho thấy hiệu suất sinh lời cao trên vốn chủ sở hữu. Đây là mức sinh lời ấn tượng trong bối cảnh thị trường biến động, giúp VNDIRECT duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường chứng khoán.

 Mục tiêu lợi nhuận 2024: Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.525 tỷ đồng, với kỳ vọng tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ margin nhưng dự kiến doanh thu từ thị trường vốn và môi giới chứng khoán sẽ giảm.

 EBITDA: Chỉ số EBITDA trong các quý gần đây duy trì ổn định, cho thấy hiệu quả quản lý chi phí và hoạt động kinh doanh. EBITDA ổn định cũng giúp công ty vượt qua các khó khăn ngắn hạn và giữ vững lợi thế tài chính so với các đối thủ.

Lợi nhuận trước thuế của VNDIRECT giai đoạn 15 năm (từ năm 2010 đến 2023, và kế hoạch năm 2024)

Hình 3: Lợi nhuận trước thuế của VNDIRECT giai đoạn 15 năm (từ năm 2010 đến 2023, và kế hoạch năm 2024)

Quản lý rủi ro

 Quản lý nợ vay: Tỷ lệ nợ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu của VNDIRECT là 60.04%, giảm nhẹ so với kỳ trước. Điều này cho thấy công ty đã quản lý tốt các khoản vay ký quỹ, không bị áp lực tài chính quá lớn khi thị trường có biến động. Hệ số nợ ở mức an toàn giúp công ty giảm thiểu rủi ro về thanh khoản và đảm bảo khả năng chi trả trong dài hạn.

 Đòn bẩy tài chính: Công ty duy trì tỷ lệ đòn bẩy hợp lý giữa nợ ngắn hạn và nợ dài hạn, giúp cân bằng được các rủi ro liên quan đến lãi suất và điều kiện thị trường. Tỷ lệ vay ngắn hạn và dài hạn được kiểm soát tốt, không gây áp lực tài chính lớn trong những giai đoạn thị trường kém thuận lợi.

 Rủi ro thị trường: Với mảng tự doanh và phái sinh đóng góp lớn vào lợi nhuận, VNDIRECT đối mặt với rủi ro thị trường cao hơn so với các công ty khác chỉ tập trung vào môi giới. Tuy nhiên, với khả năng phân tích thị trường mạnh và chiến lược quản lý danh mục đầu tư tốt, công ty đã giảm thiểu rủi ro này, đồng thời tận dụng được các cơ hội đầu tư khi thị trường biến động.

Nhìn chung, VNDIRECT có nền tảng tài chính vững chắc, khả năng sinh lời cao, và chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả, giúp công ty duy trì tăng trưởng ổn định trong dài hạn.


5. Triển vọng tương lai

Cơ hội từ nâng hạng thị trường mới nổi

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi mang lại nhiều cơ hội cho VNDIRECT:

 Dòng vốn khối ngoại: Nguồn vốn từ nước ngoài sẽ gia tăng, thúc đẩy xu hướng tăng giá bền vững cho thị trường và cổ phiếu, tạo cơ hội cho VNDIRECT thu lợi từ phí dịch vụ.

 Hấp dẫn đầu tư: Các quỹ đầu tư nước ngoài có khả năng đổ vào thị trường, mở ra cơ hội cho VNDIRECT cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư quốc tế từ tư vấn đến giao dịch.

 Cạnh tranh gia tăng: Sự xuất hiện của nhiều công ty chứng khoán quốc tế tạo áp lực cạnh tranh lớn hơn.

 Phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự để đáp ứng nhu cầu mới.

Tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh thông qua việc gia tăng vốn từ phát hành cổ phiếu

 Rủi ro tín dụng thấp: Các công ty chứng khoán lớn như VNDIRECT có khả năng quản trị rủi ro tốt trong hoạt động cho vay ký quỹ, với khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu có tính thanh khoản cao và tỷ lệ đòn bẩy giới hạn.

 Hỗ trợ tăng trưởng: Nghiệp vụ ký quỹ là động lực chính tạo ra lợi nhuận từ khách hàng cá nhân, ít bị ảnh hưởng bởi lãi suất, rất hấp dẫn cho các công ty chứng khoán.

 Tăng vốn hợp lý: Việc tăng vốn trong năm 2024 từ 12.178 tỷ đồng lên 15.223 tỷ đồng, giúp công ty chuẩn bị cho nhu cầu vốn lớn hơn từ cho vay ký quỹ, gia tăng sức cạnh tranh và giữ vị thế TOP 4 công ty chứng khoán có Vốn điều lệ lớn nhất.

 Tuy nhiên có rủi ro phụ thuộc vào khách hàng cá nhân: Tập trung vào khách hàng cá nhân có thể gây hạn chế, do nhu cầu vay ký quỹ phụ thuộc vào biến động thị trường, dẫn đến tăng nhu cầu huy động vốn và phát hành cổ phiếu. Điều này có thể gây thừa vốn khi thị trường giảm, ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Biến động ROE khi nhu cầu vay ký quỹ giảm, thu nhập từ lãi vay cũng giảm, trong khi vốn chủ sở hữu không đổi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ROE.


6. Khó khăn hiện tại và tương lai

Rủi ro liên quan đến trái phiếu Trung Nam

 VNDirect đang nắm giữ một khối lượng lớn trái phiếu của Trung Nam, dẫn đến lo ngại cho nhà đầu tư. Những tin đồn về vấn đề pháp lý và khả năng thanh khoản của Trung Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu VND.

 Tuy nhiên, lãnh đạo VNDIRECT khẳng định rằng rủi ro tài chính từ trái phiếu Trung Nam không lớn, vì phần lớn dự án điện của Trung Nam đã đi vào hoạt động và có dòng tiền ổn định, cùng với tài sản đảm bảo cho các khoản trái phiếu này. Rủi ro pháp lý chủ yếu xuất phát từ tin đồn và không ảnh hưởng đến các dự án có dòng tiền.

Hệ quả từ sự cố hệ thống đã qua

 Cuộc tấn công mạng vào ngày 24/3/2024 đã làm gián đoạn hệ thống của VNDIRECT trong 2 tuần, gây ảnh hưởng đến uy tín công ty. Tin tặc đã mã hóa dữ liệu và yêu cầu tiền chuộc, khiến VNDIRECT phải chịu chi phí khôi phục và bảo vệ dữ liệu khách hàng. Điều này cho thấy vấn đề an ninh mạng cần được chú trọng hơn trong tương lai.

 Hệ quả là thị phần môi giới và lượng tiền gửi của VNDirect giảm so với đầu năm 2024, đồng thời làm gia tăng chi phí quản lý, chủ yếu do chi phí giải quyết sự cố.

Phân tích xu hướng "Zero phí" (miễn phí giao dịch)

 Ảnh hưởng đến thị phần và cạnh tranh: Tham gia vào xu hướng "Zero phí" có thể giúp VNDirect thu hút thêm nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhạy cảm với phí giao dịch. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra cạnh tranh khốc liệt với các công ty lớn như SSI và TCBS, yêu cầu VNDIRECT cải thiện dịch vụ và sản phẩm để duy trì lợi thế.

 Tác động đến lợi nhuận: Việc giảm hoặc miễn phí giao dịch có thể làm giảm doanh thu từ phí môi giới, ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn. VNDirect cần tái cơ cấu mô hình kinh doanh và tìm kiếm nguồn thu từ dịch vụ giá trị gia tăng như quản lý tài sản, cung cấp dữ liệu tài chính, hoặc sản phẩm tài chính phái sinh để bù đắp cho lợi nhuận giảm.

 Khả năng ứng phó của VNDIRECT: VNDIRECT đã thể hiện khả năng linh hoạt trong việc đa dạng hóa nguồn thu nhập. Công ty có thể đẩy mạnh các dịch vụ tài chính như giao dịch margin, quản lý quỹ, và tư vấn doanh nghiệp. Đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số cũng sẽ giúp VNDirect cải thiện hiệu quả và duy trì sức cạnh tranh.


7. Phân tích kỹ thuật

 Biến động giá: Cổ phiếu VND đang giao dịch quanh 14.800 - 15.200 đồng, với các tín hiệu kỹ thuật từ MA (Moving Average) cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn. Chỉ số RSI và MACD cũng cho thấy sự hỗ trợ tăng giá ngắn hạn, dù thị trường vẫn còn biến động. Diễn biến giá ngắn hạn hình thành mô hình đáy sau cao hơn đáy trước, nhịp tăng giá mới khi vượt qua kháng cự 15.500 đồng. Khả năng cổ phiếu VND sẽ có sự phục hồi mạnh khi dòng tiền nước ngoài quay trở lại thị trường.

 Kháng cự và hỗ trợ: Vùng kháng cự gần nhất là 15.500 đồng, trong khi vùng hỗ trợ mạnh là 14.300 đồng, tạo điều kiện cho việc tích lũy cổ phiếu trong giai đoạn này.

Đồ thị giá cổ phiếu VND

Hình 4: Đồ thị ngày giá chứng khoán VND từ tháng 4/2023 đến 15/10/2024, dữ liệu FData, phần mềm AmiBroker


8. Khuyến nghị đầu tư

 Đánh giá tổng thể: Với mức P/E là 9.6 và P/B là 1.3, cổ phiếu VND đang được định giá thấp hơn so với trung bình ngành tài chính P/E = 15.8, tạo ra tiềm năng tăng trưởng trong tương lai nếu điều kiện kinh doanh tiếp tục thuận lợi.

 Định giá cổ phiếu: theo P/E 19.056 đồng/cổ phiếu, theo P/B 22.512 đồng/cổ phiếu. Trung bình hai mức giá này, giá trị hợp lý cho cổ phiếu VND là 20.784 đồng nếu thị trường tiếp tục phục hồi.

 Rủi ro: Cổ phiếu VND vẫn đối mặt với rủi ro từ biến động của thị trường chứng khoán và nhu cầu vay ký quỹ, đặc biệt trong các giai đoạn điều chỉnh thị trường. Tuy nhiên, chiến lược quản lý rủi ro của công ty giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực từ các yếu tố này.


9. Kết luận đầu tư

 VNDIRECT là một trong những công ty chứng khoán TOP đầu ngành chứng khoán, với chiến lược mở rộng và có tiềm năng tăng trưởng dài hạn dựa trên việc tăng vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh.

 Sự cố tấn công mạng và rủi ro từ trái phiếu Trung Nam ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đều đã tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu VND, doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, và được xem như “Siêu nhân gặp nạn là cơ hội vàng” cho các nhà đầu tư. VNDIRECT đã thực hiện các biện pháp tăng vốn và cải thiện dịch vụ để khôi phục vị thế trên thị trường đứng TOP 4 về vốn điều lệ.

 Cổ phiếu VND phù hợp với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro trung bình đến cao, muốn tận dụng cơ hội mua cổ phiếu doanh nghiệp lớn với giá rẻ với kỳ vọng sự tăng trưởng của thị trường tài chính và tiềm năng nâng hạng thị trường của Việt Nam.

 Cổ phiếu VND đã tạo đáy và đang hình thành xu hướng tăng giá. Nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy cổ phiếu VND quanh vùng giá 14.500 – 15.000 đồng/cổ phiếu, với mục tiêu chinh phục lần lượt các ngưỡng kháng cự 16.800 – 18.400 – 21.000 đồng khi thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phục hồi và mở rộng. Sử dụng ngưỡng hỗ trợ 14.300 đồng làm mốc dừng lỗ nếu giá giảm dưới ngưỡng này.

 Ý kiến tư vấn đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư ra quyết định (quan trọng):

Mã cổ phiếu

Sàn giao dịch

Giá mua

Giá mục tiêu

Thời gian nắm giữ

Mức cắt lỗ

VND

HOSE

14.5 – 15

16.8 – 18.4 – 21

6 – 12 tháng

Bán dừng lỗ khi thủng ngưỡng hỗ trợ 14.3


Dương Trọng Vinh
Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI
Được tạo bởi Blogger.