Header Ads

CTD: Với “bước tiến thần tốc”, cổ đông và cán bộ nhân viên được nhận gì?

Năm 2015 khép lại đánh dấu sự thành công lớn của CTCP Xây dựng Cotec - Coteccons (HOSE: CTD) khi lợi nhuận tăng trưởng gấp đôi so với năm trước, EPS dẫn đầu toàn ngành xây dựng niêm yết và trở thành doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Bước sang năm 2016, CTD tiếp tục đưa ra chiến lược phát triển bền vững trên nền tảng gia tăng lợi ích lâu dài của cổ đông Công ty.


“Bước tiến thần tốc”
Gia nhập ngành xây dựng từ năm 2003 với những dự án chủ yếu là nhà máy và một số cao ốc, giá trị mỗi hợp đồng thường trên dưới trăm tỷ. Đến năm 2008, CTD tham gia vào phân khúc dự án du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ, văn phòng và bắt đầu nhận thầu những hợp đồng thầu trên ngàn tỷ. Theo đó, tính đến nay, CTD đã có hơn hàng trăm hợp đồng thầu các công trình từ nhà máy, cao ốc, khu du lịch ở khắp các tỉnh thành tại Việt Nam, tổng giá trị hợp đồng của các dự án ước hơn 60,000 tỷ đồng.
Trong năm 2015, tận dụng sức mạnh của mô hình tổng thầu thiết kế - thi công (D&B) và huy động kịp thời nguồn lực thi công các dự án, CTD đã nắm bắt cơ hội và giành được nhiều dự án lớn tại hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh (chủ yếu từ các dự án lớn như Masteri Thảo Điền, Gold View, Goldmark City, Vinhomes Central Park và Vinhomes Times City Park Hill, Đại Quang Minh … ), giúp doanh thu thuần trong năm đạt 13,670 tỷ đồng, tăng 68% so với thực hiện 2014 và vượt 49% kế hoạch đề ra. Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh mẽ, tăng từ 7.3% lên 8.1%, đạt giá trị khoảng 1,112 tỷ đồng, tăng 100% so với cùng kỳ.
Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được CTD kiểm soát khá tốt khi mức tăng từ chi phí thấp hơn so với mức tăng doanh thu, cải thiện lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 666 tỷ đồng, tăng 103% so với năm trước.
Nhờ kết quả tích cực này, EPS 2015 của CTD đạt 14,770 đồng, đứng đầu trong 108 doanh nghiệp xây dựng đang niêm yết trên cả hai sàn hiện nay. Con số này so với năm 2014 thì đạt mức tăng trưởng gần gấp đôi.

EPS và BVPS của CTD giai đoạn 2012-2015 (Đvt: Đồng)
Tổng kết giai đoạn 2011 – 2015, CTD đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 35%/năm và lợi nhuận 38%/năm. Doanh thu của CTD luôn nằm top đầu trong số các công ty hoạt động cùng lĩnh vực.
Ngoài hiệu quả kinh doanh, một điểm nữa cho thấy CTD có bước tiến thần tốc trong năm 2015 đó là khả năng quản lý dòng tiền. Từ năm 2012, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của CTD luôn duy trì một con số dương nhưng đến năm 2015 thì thực sự bứt phá khi đạt 1,229 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm trước. Lưu chuyển tiền thuần trong năm 2015 nhờ đó đạt hơn 992 tỷ đồng (năm 2013 và 2014 lưu chuyển tiền thuần âm chủ yếu do Công ty đẩy mạnh chi tiêu cho các hoạt động đầu tư).
Và một trong những yếu tố giúp CTD kiểm soát tốt dòng tiền là chính sách thu hồi công nợ được đẩy mạnh với hình thức nghiệm thu theo tháng và yêu cầu chủ đầu tư trả tiền trong vòng 1 tháng. Mặt tích cực khác, CTD không hề sử dụng nợ vay, thay vào đó là các khoản nợ từ phải trả người bán và chi phí phải trả ngắn hạn.

Dòng tiền thuần từ HĐKD của CTD từ 2012-2015 (Đvt: Tỷ đồng)
Đến cuối năm 2015, CTD có số dư tiền mặt và tương đương tiền hơn 1,442 tỷ đồng – một con số đủ lớn để CTD duy trì, mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Bước đi nào cho tương lai?
Những kết quả đạt được 2015 sẽ là bước đệm vô cùng quan trọng để CTD đề ra chỉ tiêu tăng trưởng doanh số và lợi nhuận tối thiểu 20% trong năm 2016, lần lượt đạt 16,500 tỷ và 800 tỷ đồng.
CTD cũng cho biết giá trị các hợp đồng thi công xây dựng đã ký kết chuyển qua các năm tiếp theo khoảng 15,100 tỷ đồng (bao gồm Unicons). Căn cứ tiến độ các hợp đồng, dự kiến khoảng 11,000 tỷ đồng sẽ được thực hiện và ghi nhận trong năm 2016 và 4,100 tỷ đồng trong năm 2017. Giá trị hợp đồng đã ký kết chuyển qua từ năm 2015 gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước, đây là cơ sở vững chắc để Ban điều hành hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh 2016.
Về cơ cấu loại hình xây dựng trong tổng giá trị hợp đồng chuyển tiếp trên đây, loại hình xây dựng ở nhà dân dụng (căn hộ chung cư và nhà ở thấp tầng) vẫn chiếm tỷ trọng cao lên đến 71% tổng giá trị.
Chưa dừng lại đó, CTD đưa ra nhiều mục tiêu lớn để hướng tới mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2017. Mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua M&A hoặc thành lập một số công ty mới trong chuỗi cung ứng liên quan đến ngành xây dựng, nhằm đạt mục tiêu đưa giá trị vốn hóa thị trường năm 2020 tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2015.
Và để thực hiện hóa chiến lược này, CTD dự kiến sẽ phát hành tối đa 14.43 triệu CP cho từ 3-6 đối tác chiến lược với giá chào bán tối thiểu bằng 80% bình quân giá tham chiếu cổ phiếu CTD trong 20 phiên giao dịch liên tiếp gần nhất. Số cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng từ 1 đến 3 năm kể từ ngày chào bán.
Theo đó, tổng số vốn huy động dự kiến khoảng 1,500 - 1,800 tỷ đồng nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, 600-700 tỷ đồng đầu tư trực tiếp hoặc góp vốn hợp tác các dự án xây dựng, bất động sản; 300- 400 tỷ đồng để đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh và quan trọng là CTD dự kiến sẽ chi 600- 700 tỷ đồng, để thành lập công ty mới, hoặc M&A.
CTD đánh giá M&A là quan trọng bởi việc nằm trong chiến lược tương lai với mục tiêu trở thành tập đoàn xây dựng lớn mạnh, năng lực toàn diện (theo hình thức tổng thầu Design & Build). Với vai trò là tổng thầu, CTD dự kiến sẽ thành lập các công ty con trong các lĩnh vực như trang trí nội thất, công trình cơ điện (M&E)… nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Ngoài ra, CTD còn cho biết, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động trong nước; đẩy mạnh phân khúc thực hiện dự án D&B các dự án giá trị trên 1,000 tỷ đồng; song song đó, tập trung đấu thầu các dự án có nguồn vốn đầu tư tốt. Tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có ở phân khúc nhà công nghiệp quy mô lớn, đón đầu dự án đầu tư theo hiệp định TPP.

Cổ đông hưởng lợi, Cán bộ nhân viên được đãi ngộ
Một trong những thông điệp quan trọng được ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch CTD đưa ra tại Báo cáo thường niên 2015 là: “Với bước tiến thần tốc trong năm 2015 và trên cơ sở nền tảng vững chắc đã được xây dựng trong suốt hành trình 11 năm phát triển, CTD sẽ tiếp tục bứt phá để thực hiện thành công kế hoạch năm 2016, đưa Công ty phát triển bền vững, gia tăng lợi ích lâu dài của quý cổ đông”.
Lợi ích của Cổ đông trong một doanh nghiệp sẽ gắn liền với kết quả sản xuất hoạt động kinh doanh. Đối với CTD, sau khi đạt được kết quả 2015 đầy ấn tượng, HĐQT Công ty đã quyết định đề xuất nâng cổ tức 2015 lên con số 55% bằng tiền mặt. Chưa dừng lại ở đó, CTD còn dự kiến sẽ phát hành hơn 16.37 triệu CP cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 3:1.
Với chính sách này, cổ đông CTD đương nhiên sẽ hưởng lợi rất lớn bởi thị giá cổ phiếu CTD hiện nay đang giao dịch quanh mốc 180,000 đồng/CP, gấp 2.5 lần giá trị sổ sách. Đó là chưa kể đến việc nếu cổ đông nào nắm giữ từ đầu năm 2015 đến nay đều hưởng “trái ngọt” khi cổ phiếu CTD có mức tăng hơn 237%.
Cũng phải nói thêm rằng không chỉ lần này CTD mới thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng và trả cổ tức bằng tiền. Ngay sau khi chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phần từ năm 2004, CTD liên tục chia cổ tức đều đặn hàng năm khoảng 20% (riêng năm 2014, 2015 mức chia tăng vượt trội với tỷ lệ là 50% và 55%).

Tỷ lệ chia cổ tức CTD từ năm 2005-2015
Và từ đó đến nay, vốn điều lệ công ty đã tăng khoảng 30 lần so với vốn điều lệ ban đầu qua 10 lần tăng vốn, trong đó có 5 lần phát hành cho cổ đông hiện hữu theo hình thức cổ phiếu thưởng, lần gần đây nhất CTD thực hiện chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu vào tháng 5/2010 với tỷ lệ 67% (3:2). Cán bộ nhân viện cũng được tham gia 5 lần phát hành ESOP qua các đợt tăng vốn.

Những đợt tăng vốn của CTD
Bên cạnh đó, Công ty cũng trình lên phương án phát hành cổ phần theo chương trình ESOP cho các cán bộ nhân viên với tổng số lượng 2,339,540 cp (tương đương 5% lượng cổ phần hiện hành). Trong đó, bao gồm gần 1.2 triệu cp được phát hành với giá 42,000 đồng/cp, thực hiện tiếp phương án được ĐHĐCĐ thường niên 2015 đã thông qua; và gần 1.2 triệu c dự kiến với giá 70,000 đồng/cp. Đây là phần thưởng xứng đáng cho Ban lãnh đạo và Cán bộ nhân viên CTD sau một năm phấn đấu và đạt kết quả vượt trội.
Không những thế, CTD còn đưa ra chính sách khuyến khích Ban điều hành trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, giá trị khuyến khích là 6% tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) thuộc cổ đông công ty mẹ cộng với 20% tính trên giá trị LNST vượt kế hoạch. Hình thức khuyến khích là phát hành cổ phiếu ưu đãi, số lượng phát hành được tính toán trên cơ sở giá trị khuyến khích chia cho giá trị sổ sách thời điểm cuối năm gần nhất theo báo cáo tài chính kiểm toán. Giá phát hành từ 60% đến 100% giá trị sổ sách của cổ phiếu tại báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất thời điểm phát hành.
Với chính sách ESOP mới này, vô hình trung giúp cho CTD giữ chân được người lao động và nâng cao năng suất bởi điều kiện để được tham gia mua cổ phần ESOP bắt buộc phải có thâm niên trên 5 năm và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm. Nhờ đó, CTD chẳng còn phải lo vấn đề rủi ro về nhân sự kế cận và có điều kiện tiếp tục mở cửa để đón thêm nhân tài về xây dựng và phát triển công ty./.
Phương Châu - Vietstock

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.