Điều gì đã làm cho vàng rơi xuống đáy?
Sự thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ khiến cho giá vàng liên tục thủng đáy trong suốt nhiều năm và quá trình này khó có thể chấm dứt trong ngắn hạn.
Có 6 đồng ngoại
tệ lưu hành rộng trên thế giới được chọn ra để tính giá trị đồng USD qua chỉ số
USDX hoặc US Dollar Index (DXY) bắt đầu ở mức chuẩn 100 vào tháng 3 năm 1973,
gồm: đồng Euro (EUR), Yên Nhật (JPY), Bảng Anh (GBP), đôla Canada (CAD), Krona Thụy Điển (SEK) và Franc
Thụy Sĩ (CHF).
![]() |
Tương quan giá vàng và chỉ số US Dollar Index (Nguồn: VietstockUpdater) |
Đối với Eurozone
thì Ngân hàng Trung ương Âu châu (ECB) đang duy trì lãi suất gần số không là
0.05%, lãi suất liên ngân hàng thì âm 0.02%. Lãi suất "Fed Funds
Rate" do Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang và Ủy ban Thị trường mở
Liên bang (FOMC) duy trì ở mức 0.25%. Nhật thì lãi suất chính thức của BoJ duy
trì ở mức 0%, lãi suất liên ngân hàng là 0.1%. Thụy Sĩ thì Ngân hàng Trung ương
Thụy Sĩ (SNB) cắt hạ lãi suất dưới số âm đến 75 điểm cơ bản, tức -0.75%, lãi
suất liên ngân hàng âm 1.01%. Thụy Điển duy trì lãi suất âm 0.35%, lãi suất
liên ngân hàng cũng âm 0.21%. Tại Canada, Bank of Canada duy trì lãi suất ở mức
0.5%, lãi suất liên ngân hàng 0.75%. Tại Vương quốc Anh, Ngân hàng Anh có hoạt
động độc lập và các quyết định về lãi suất được thực hiện bởi Ủy ban Chính sách
tiền tệ (MPC). Lãi suất chính thức của Ngân
hàng Anh hiện ở mức 0.5%, lãi suất liên ngân hàng 0.55%.
Từ kết quả thống
kê sơ lược trên, rõ ràng vàng không có lực hỗ trợ nâng đỡ bên dưới, tức là thế
giới ngày nay đang chứng kiến sự giảm phát chứ không phải lạm phát. Hiểu theo
thuật ngữ kinh tế thì thế giới đang khuyến khích chi tiêu hơn để thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế; hoặc mua cổ phiếu, trái phiếu thay vì cất giữ tài sản bằng vàng
mà không sinh lời.
Giá vàng cũng là
một chỉ số tốt để đánh giá sức khỏe lành mạnh của nền kinh tế Mỹ và gắn liền
với sự tăng giảm của chỉ số công nghiệp Dow Jones (DJIA). Giá vàng cao là khi
nền kinh tế Mỹ suy yếu và không lành mạnh. Lý do là các nhà đầu tư đã rời bỏ
trái phiếu, cổ phiếu để đầu tư vào vàng khi họ muốn bảo vệ các khoản đầu tư của
họ trước một cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ hay lạm phát trên bình diện toàn cầu.
Khi giá vàng giảm thì điều này thường có nghĩa là nền kinh tế Mỹ lành mạnh. Bởi
vì các nhà đầu tư đã rời bỏ vàng, để tìm kiếm các khoản đầu tư khác hấp dẫn hơn
như cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản,...
Vào ngày
05/09/2011, bong bóng tài sản của vàng xảy ra khi vàng đạt kỷ lục mọi thời đại
là 1,895 USD/oz. Điều này có nguyên nhân từ báo cáo tỷ lệ thất nghiệp tăng cao
tại Mỹ, cũng như đang diễn ra cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng Euro và kéo
dài sự không chắc chắn xung quanh việc Mỹ rơi vào khủng hoảng "debt
ceiling" (trần nợ), Medicaid và Obamacare...
Thực tế, nếu bạn
là nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, có thể thấy vàng tăng giá mạnh vào năm 2011 có
nhiều lý do của nó. Cụ thể, trong tháng 04/2011 khi cơ quan thẩm đình tài chính
Standard & Poor's (S&P) hạ thấp định mức trái phiếu dài hạn và ngắn hạn của chính
quyền Mỹ. Cụ thể, Standard & Poor's hạ một nấc trái phiếu dài hạn của Mỹ, tuy vẫn duy trì
ở loại "AAA" đáng tin nhất, nhưng từ "stable - ổn định"
xuống "negative - tiêu cực", đồng thời trái phiếu ngắn hạn của Mỹ
cũng bị hạ tới cấp gọi là "A-1+". Việc này khiến lợi suất trái phiếu
của Mỹ vọt lên trời, gây rúng động các thị trường tài chính và chứng khoán thế
giới, khi chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones từ 12,810.54 điểm trong
tháng 04/2011 rơi xuống 11,934.58 điểm trong tháng 06/2011. Các nhà đầu tư đổ
xô vào vàng, đẩy giá vàng tăng không ngừng nghỉ. Kinh nghiệm cho thấy rằng, khi
thị trường chứng khoán Mỹ tăng thì giá vàng giảm và ngược lại.
Đã thế, trong
tháng 08/2011, Standard & Poor's lần đầu tiên tước mất tín nhiệm "AAA" của Mỹ
xuống còn "AA+". Chỉ số công nghiệp Dow Jones rơi xuống đáy thấp nhất
trong tháng 09/2011 khi còn 10.771,48 điểm, và cũng là mức thấp nhất trong năm.
Việc này khiến các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu và cổ phiếu để mua vàng như
là hầm trú ẩn an toàn để bảo vệ tài sản của họ, nên đã đẩy giá vàng tăng kỷ lục
lên mức 1,895 USD/oz trong tháng 09/2011.
Khi kinh tế Mỹ
hồi phục, vàng rơi xuống đáy, chỉ số công nghiệp Dow Jones có lúc đạt đỉnh cao
nhất mọi thời đại trong phiên giao dịch ngày 19/05/2015 ở mức 18,312.39 điểm,
từ đó đẩy giá vàng rơi thẳng đứng xuống dưới ngưỡng tâm lý là 1,200 USD/oz.
Sự gia tăng giá
vàng đến mức cao kỷ lục 1,895 USD/oz trong tháng 09/2011 là kết quả của cuộc
suy thoái tồi tệ nhất của nền kinh tế Mỹ kể từ cuộc đại khủng hoảng 1929. Bây
giờ mọi thứ đã ổn định, giá vàng sẽ quay trở lại mức lịch sử của nó, dưới 1,000
USD/oz.
Một kinh nghiệm
cho thấy, giá vàng thường bật tăng mạnh sau một đợt điều chỉnh của thị trường
chứng khoán Mỹ kéo dài khoảng 20 ngày. Tuy nhiên, sau đó, giá vàng có xu hướng
mất giá trị tương đối so với các cổ phiếu khi thị trường chứng khoán hồi phục.
Bây giờ, khi cơn ác mộng sụt giá chứng khoán đã qua, dòng tiền di chuyển trở
lại vào trái phiếu, cổ phiếu và vàng đã không còn là một kênh đầu tư được ưa
chuộng nữa.
Thứ nữa, vàng
thường có xu hướng là không tương quan với các tài sản khác. Điều này có nghĩa
là nó không đi lên khi các loại tài sản khác giảm. Nghĩa là không có một mối
quan hệ nghịch đảo, như cổ phiếu và trái phiếu tương tác với nhau. Điều này đặc
biệt đúng trong cộng đồng đầu tư, khi lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của
Mỹ tăng vọt lên trên 3.50%. Thay vào đó, vàng là phản ánh của rất nhiều cảm xúc
đầu tư khác nhau. Đây là một lý do để coi vàng như là một phần của danh mục đầu
tư được đa dạng hoá toàn cầu ngày nay. Dù vàng hiện nay đang bị "ghẻ lạnh"
nhưng nó vẫn được tìm thấy trong rổ dự trữ tài sản của các ngân hàng trung ương
các nước trên thế giới.
Người dân Việt
Nam có truyền thống tích trữ vàng khá nhiều từ xưa đến nay. Hiếm tổ chức nghiên
cứu nào biết được vàng trong dân được định giá bao nhiêu tỷ USD nhưng con số
này được cho là rất lớn. Đó là điều đáng tiếc khi khối tài sản đóng băng này
đang ngủ yên và không được đem ra đầu tư sinh lời vì nhiều lý do.
BÌNH LUẬN