Header Ads

Phân kỳ - Lý thuyết và ứng dụng thực tiễn

Phân kỳ - Lý thuyết và ứng dụng thực tiễn
21/07/2015 | 14:57


Phân kỳ (Divergence) là hiện tượng kỹ thuật thường thấy trên thị trường, rất dễ nhận biết và khá hữu dụng nếu dùng đúng cách.


Phân kỳ là gì?
Phân kỳ (Divergence) là tín hiệu xuất hiện khá phổ biến trên thị trường và rất có ý nghĩa  đối với nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật. Phân kỳ có thể chia làm 2 loại là phân kỳ giá lên (bullish divergence) phân kỳ giá xuống (bearish divergence).
Phân kỳ giá lên là hiện tượng giá liên tục giảm và tạo đáy sau thấp hơn đáy trước (Lower Lows), trong khi đó chỉ báo dao động lại tạo đáy sau cao hơn đáy trước (Higher Lows). Đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy xu hướng giảm đang yếu dần và khả năng giá đang hình thành đáy là khá cao.
Phân kỳ giá xuống là hiện tượng giá liên tục tăng và tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước (Higher Highs), trong khi đó chỉ báo dao động lại tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước (Lower Highs). Đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy xu hướng tăng đang yếu dần và khả năng giá đang hình thành đỉnh là khá cao.

Các dạng phân kỳ khác
Phân kỳ nhiều đoạn (ba đoạn, bốn đoạn…) là các biến thể của phân kỳ đơn. Chúng xuất hiện khi các phân kỳ đơn lặp lại liên tiếp. Nếu phân kỳ hình thành càng lâu thì những biến động sau đó của giá sẽ càng mạnh
Ngoài ra, thực tế cũng ghi nhận hiện tượng phân kỳ kép khi nhiều khung thời gian (timeframe) khác nhau đều cho phân kỳ tại một điểm. Phân kỳ kép có độ tin cậy cao hơn phân kỳ đơn.

Những lưu ý khi sử dụng phân kỳ
Phân kỳ vốn được coi là tín hiệu cảnh báo (alert signal). Vì vậy, sự xuất hiện của phân kỳ  trong một xu hướng không đồng nghĩa với việc xu hướng đó sẽ kết thúc. Trái lại, phân kỳ có thể tồn tại trong khoảng thời gian khá lâu trước khi xu hướng thực sự thay đổi. Vì vậy, nhà đầu tư nên xem đây như là tín hiệu cảnh báo và nên kết hợp với các công cụ xác định xu hướng như kháng cự/hỗ trợ, trendline, trung bình động… trước khi đưa ra các quyết định đầu tư để đảm bảo tính chính xác và chắc chắn.
Các phân kỳ giá xuống thường xuất hiện bên dưới các ngưỡng kháng cự mạnh. Tương tự, khi giá chạm những vùng hỗ trợ mạnh thì cũng thường hình thành các phân kỳ giá lên.
Một trong những cách sử dụng phân kỳ khác là có thể kết hợp với sóng Elliott. Đơn cử như trong một sóng hiệu chỉnh Zig-Zag thường phân kỳ sẽ xuất hiện giữa sóng A và sóng C với độ tin cậy khá cao. Ngoài ra, sóng 5 cũng thường xuất hiện phân kỳ với sóng 3 trong chuỗi 5 sóng.

Phân kỳ đang xuất hiện trên thị trường
HNX-Index đang hình thành phân kỳ giá xuống với chỉ báo RSI. Do đây là dạng phân kỳ ba đoạn và hình thành ở khá cao nên độ tin cậy lớn. Nếu trong những phiên tới RSI rơi xuống dưới ngưỡng 50 và PSAR cho tính hiệu bán thì rủi ro ngắn hạn sẽ tăng lên mức cao.
VN-Index cũng có nguy cơ hoàn thành phân kỳ với RSI khi mà chỉ số này duy trì trong vùng overbought trong nhiều phiên gần đây. Nếu vùng kháng cự 635-645 điểm vẫn không bị phá vỡ trong những phiên tới thì phân kỳ giá xuống có nhiều khả năng sẽ xuất hiện và rủi ro cũng sẽ tăng lên mức cao.
Phạm Tấn Phát, Phòng Tư vấn Vietstock

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.