Header Ads

Standard & Poo's, Moody's, Fitch Ratings thẩm định trái phiếu các nước đi vay bằng ngoại tệ như thế nào?

Vay nợ và việc xếp hạng tín nhiệm
STANDARD & POO’S, MOODY'S, FITCH RATINGS THẨM ĐỊNH TRÁI PHIẾU CÁC NƯỚC ĐI VAY BẰNG NGOẠI TỆ NHƯ THẾ NÀO?

Hầu như bất kể các nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào, để phát triển kinh tế đều đi vay tiền trên thị trường quốc tế, để cho các quốc gia đó có "đòn bẩy tài chính" (financial leverage) để đầu tư vào tăng trưởng kinh tế của họ. Nền kinh tế Việt Nam trước đây được xếp vào nền kinh tế "kém phát triển", nên được nhận ưu đãi vốn vay và vốn tài trợ đến từ các tổ chức định chế quốc tế như IMF, WB, ADB, hay vốn vay ODA song phương của các chính phủ cấp viện, và lãi suất là thấp hơn lãi suất thị trường hoặc không trả lãi, thời gian trả rất lâu, có thể từ 20 năm cho đến 40 năm, nên các khoản vay nợ đó đủ dài để tính toán trả lãi lẫn hoàn vốn khi đáo hạn. Kể từ khi mở cửa từ hơn hai chục năm nay, VN được quốc tế cho vay theo tinh thần viện trợ, với điều kiện ưu đãi, cụ thể là lãi suất hạ, thời gian ân hạn là chỉ trả tiền lời chưa phải trả vốn, được vay dài hạn hơn. Đối với VN, các khoản nợ này gần như đang đi tới việc thanh toán đáo hạn, nhưng vẫn còn thời gian đủ dài nên trước mắt chưa áp lực về trả nợ lớn.

Tuy nhiên, cần thân trọng, khi thu nhập lợi tức quốc dân đã tăng thì loại tín dụng vay ưu đãi có tính chất nâng đỡ này phải giảm thì VN buộc phải gọi vốn trên thị trường tài chính quốc tế để có tiền tài trợ các dự án phát triển kinh tế. Cụ thể, là phải phát hành trái phiếu đi vay, và ta định nghĩa "trái phiếu là một khoản vay", và trả tiền lời theo lãi của thị trường, với lợi suất cao thấp sẽ được quyết định thông qua sự thẩm định của các tổ chức đánh giá tín dụng, lẽ tất nhiên VN sẽ nhờ một số ngân hàng quốc tế có uy tín làm trung gian và mời các công ty tư vấn có kinh nghiệm làm cố vấn cho việc phát hành giấy nợ, tức trái phiếu để vay tiền. Vì vậy, câu hỏi đầu tiên trước khi nhà đầu tư mua một trái phiếu của một doanh nghiệp hay của chính phủ của một quốc gia cần vay tiền mà nhà đầu tư cho vay thì họ sẽ suy tính là khi họ cho vay, họ có đảm bảo là nhận lại được tiền lãi và vốn khi đáo hạn hay không? Khi ấy, nhà đầu tư họ sẽ cần tới các công ty xếp hạng tín dụng để đánh giá trái phiếu doanh nghiệp hay quốc gia đó đi vay.

Nói chung, trên thị trường tài chính này có bốn công ty có đủ uy tín, và chi phối hầu như đến hơn 97% các tờ giấy nợ trái phiếu đang lưu hành trên thị trường tài chính quốc tế, nó bao gồm: Standard & Poor’s, Moody's, Fitch Ratings và AM Best. Cấp bậc xếp hạng trái phiếu có 22 mức xếp hàng, từ AAA cho đến D. Cụ thể Standard & Poor’s, Fitch Ratings xếp hạng cấp bậc cao nhất thì có mã ký hiệu giống nhau là AAA (tương ứng xếp hạng của Moody's là Aaa). Đây là mức đánh giá trái phiếu có mức cao nhất, đáp ứng mạnh mẽ các cam kết tài chính và khả năng trả nợ an toàn nhất nên cũng dễ vay khi phát hành trái phiếu và trả lãi vay thấp nhất.

Xuống tới cấp AA +, AA, AA- (tương ứng Aa1, Aa2, Aa3). Đây cũng là loại rất an toàn, nó cho thấy các công ty, hay chính quyền các quốc gia phát hành trái phiếu có một sự chắc chắn đáp ứng các nghĩa vụ cam kết tài chính của họ về trả nợ tốt. Và xuống thấp hơn là A +, A, A- (A1, A2, A3). Nói gọn lại, những quốc gia nào được xếp hạng trái phiếu từ cấp AAA xuống A, là trái phiếu an toàn không có rủi ro và khi đi vay thì trả tiền lời thấp.

Khi tới loại B là có rủi ro thì cũng từ ba chữ B hoa đi xuống. Cụ thể đối với loại trái phiếu ký hiệu BBB +, BBB, BBB- (tương ứng Baa1, Baa2, Baa3). Những trái phiếu loại này vẫn hoàn toàn có đủ khả năng để đáp ứng các cam kết về nghĩa vụ tài chính trả nợ, nhưng vẫn gặp bất ổn nếu điều kiện kinh tế gặp bất lợi, như tác động của lạm phát, GDP tăng trưởng thấp,...vì kinh tế phụ thuộc vào yếu tố tài nguyên như dầu thô sụt giá chẳng hạn. Đối với trái phiếu BB+, BB, BB- (tương ứng Ba1, Ba2, Ba3), xuống nữa là B +, B, B- (B1, B2, B3). Đây là loại trái phiếu bắt đầu có rủi ro, các nghĩa vụ cam kết về tài chính không chắc chắn. Tới cấp nguy ngập có thể vỡ nợ là loại C, và rủi ro nhất là loại D. Cụ thể là loại trái phiếu ký hiệu CCC +, CCC, CCC- (Caa1, Caa2, Caa3), xuống thấp dần là CC (Ca), C và D, là loại trái phiếu vô giá trị tức "junk bonds", trái phiếu rác.

Điều tồi tệ không may, những quốc gia nào nào bị chấm điểm B thì trái phiếu bị coi là có tính đầu cơ cao là có rủi ro và đi vay trả lãi đắt. Còn loại C cho đến D thì khỏi cần trả lãi hay đi vay nữa. Giữa các mã số A hay B hay C hay D đó, các công ty như Standard & Poor’s, Moody's, Fitch Ratings họ còn đánh "dấu cộng" hay "dấu trừ" để có thang điểm khuyến khích tinh vi hơn, gồm có chừng 22 mức mà còn kèm theo cụm từ nhắc nhở để khuyến cáo như "negative" (tiêu cực), hoặc "stable" (ổn định), hoặc khuyến khích nâng đỡ là "positive" (tích cực).



Hiện nay, trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ thường được gọi tắt là trái phiếu chủ quyền của VN, cũng như năng suất yêu cầu của các nhà đầu tư để vay vốn cho các chính phủ phản ánh kỳ vọng lạm phát và khả năng các khoản nợ sẽ được hoàn trả mà Standard & Poor’s, Fitch Ratings đánh giá ở mức BB- (ổn định), Moody's đánh giá thấp hơn là ở mức B1 (tức B +), và lợi suất trái phiếu của VN hiện được đánh giá ở 7,01%, đây là mức khá cao. Mức thấp kỷ lục 5,99% vào cuối tháng 10/2014, khi đó vào ngày 7/11/2014, Bộ Tài chính VN đã phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ USD, mà theo diễn giải của Bộ Tài chính là: "mức lãi suất cố định 4,8%/năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,125%/năm". Đây là đợt phát hành trái phiếu có mức lợi suất thấp nhất trong các đợt phát hành từ trước đó vào năm 2005, và 2010.

Cụ thể về mức vay năm 2005, đây là lần đầu tiên VN phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ, để huy động vốn 750 triệu USD, vay trong hạn kỳ 10 năm với lợi suất là 7,125% trên thị trường tài chính New York. Lần phát hành trái phiếu quốc tế thứ hai là năm 2010 trên thị trường Singapore để huy động 1 tỷ USD cũng có hạn kỳ 10 năm và lợi suất trái phiêu là 6,755%. Đó chỉ là lý thuyết, trên thực tế nếu chủ nợ thiếu tin tưởng trong việc trả nợ của VN thì họ đòi lợi suất cao hơn, vì thực tế các tờ trái phiếu khi lưu hành trên thị trường thì lợi suất sẽ tăng giảm tùy mức khả tín và độ rủi ro. Giá trái phiếu và lãi suất nó giống như một trò chơi bập bênh, cụ thể, khi lợi suất trái phiếu đi lên, giá trái phiếu đi xuống, và khi lợi suất trái phiếu đi xuống, giá trái phiếu đi lên.

Chẳng hạn, đợt phát hành trái phiếu năm 2010, khi lưu hành trên thị trường tài chính thì lợi suất lại cao hơn, lên tới 6,955% là do mức tin cậy thấp hơn khi đó VN bị lạm phát trên hai con số. Nếu thấy lạm phát của VN mà không giảm xuống, các chủ nợ họ sẽ bán tháo các tờ trái phiếu của VN, hoặc họ sẽ tăng lãi suất lên, nên chả có tờ trái phiếu bằng ngoại tệ nào cố định lãi suất cả.

Thí dụ như xếp hạng tín nhiệm mà Standard & Poor’s, Moody's, Fitch Ratings dành cho nước Đức là ba chữ A hoa là AAA, nên nước Đức nếu bây giờ phát hành trái phiếu vay tiền, loại trái phiếu chính phủ 10 năm thì trả lãi phân lời cực thấp chưa tới 0,75%. Trước đấy vào Tháng 7/2012, cơ quan thẩm định tài chính Moody’s đe dọa hạ điểm tín nhiệm của Đức và của nhiều ngân hàng nước này và nước Đức bị đe dọa mất điểm an toàn nhất là AAA, khiến phân lợi suất phiếu kỳ hạn 10 năm của nước Đức vọt lên 1,79%, tuy vậy, mức lãi vay này là khá thấp rất nhiều so với mức lãi vay của VN phải trả 7,125% trước đây.

Nói chung, để nhanh chóng ước lượng các rủi ro, các công ty như Standard & Poor’s, Moody's, Fitch Ratings thường phải cân nhắc rất kỹ vào các một số yếu tố sau đây:

Cụ thể, họ căn cứ vào các yếu tố như: GDP, tăng trưởng GDP, thị trường chứng khoán, tỷ lệ lạm phát, dân số, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lãi suất, dự trữ ngoại hối, nợ nước ngoài, các khoản cho vay khu vực tư nhân, chỉ số PMI, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nợ chính phủ so với GDP, giá trị ngân sách chính phủ, chi tiêu của chính phủ, cán cân thương mại, tài khoản vãng lai, tài khoản vãng lai so với GDP, thuế suất doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp,.. để thẩm định tương đối chính xác về nền kinh tế nước đó khi họ cân nhắc đánh giá trái phiếu và khả năng trả nợ.

Chẳng hạn như "nợ nước ngoài, nợ chính phủ so với GDP", họ xét quốc gia đó vay nợ trước đấy bao nhiêu và hàng năm hàng tháng phải trả nợ là bao nhiêu tiền, cả vốn lẫn lời. Nói chung, nếu đã mắc nợ nhiều thì sẽ rất khó vay thêm, nếu vay được thì trả lãi đắt vì rủi ro trả nợ thấp.

Trường hợp như "tăng trưởng GDP". Nếu họ xét quốc gia đó hàng năm hàng quý có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao ổn định thì Standard & Poor’s, Moody's, hoặc Fitch thông báo cho các nhà đầu tư muốn mua trái phiếu, tức cho vay, họ sẽ an tâm vì khả năng trả nợ "chưa có rủi ro", nếu thấy tích cực trong dài hạn thì lãi vay sẽ hạ xuống. Tuy nhiên, nếu họ xét thấy tăng trưởng GDP của quốc gia đó thiếu ổn định và đáng nghi, hay tăng trưởng thấp, các cơ quan tín nhiệm sẽ cảnh báo các nhà đầu tư hay chủ nợ họ sẽ gặp rủi ro mất nợ vì khả năng bất ổn định nền kinh tế này. Vì tăng trưởng GDP thấp thì làm thế nào quốc gia đó lấy đâu ra tiền trả nợ.

Đối với việc đánh giá "dự trữ ngoại hối". Họ xét tới yếu tố ngoài việc thanh toán ngoại trái, tức là trả nợ nước ngoài bằng ngoại tệ, thì quốc gia đó còn phải nhập khẩu bao nhiêu, tức là sẽ còn phải chi ra bao nhiêu ngoại tệ so với nguồn dự trữ ngoại tệ sẵn có trong kho dự trữ ngoại hối. Nói chung, ho sẽ đánh giá dự trữ ngoại tệ quốc gia đó còn đủ tài trợ cho mấy tuần hay mấy tháng nhập khẩu, nếu dưới ba tháng là có rủi ro, và khó vay tiền, hoặc nếu đi vay cũng phải trả lãi đắt đỏ.

Về yếu tố "cán cân thương mại", tức họ sẽ đánh giá khả năng xuất khẩu quốc gia đó để có ngoại tệ nhiều hay ít, cũng như phụ thuộc vào sự ổn định của thị trường sẵn có của đối tác, thí dụ như nếu như trường hợp bất ổn kinh tế của TQ hiện nay, cũng như việc TQ phá giá đồng (CNY) của họ thì VN càng khó bán hàng và dễ nhập siêu thì càng rủi ro cao, và càng dễ bị hạ thấp tín nhiệm, vì bị cả rủi ro tín dụng nếu VN phá giá đồng nội tệ (VND) là hết tiền trả nợ vì hay bị nhập siêu, vì bội chi ngân sách, lẫn rủi ro ngoại hối, là phải trả nợ nặng lãi hơn vì tỷ giá đồng nội tệ hay bị trượt giá. Hiệu ứng ngược lại, nếu VN có các thị trường xuất khẩu được đánh ổn định, đối tác xuất khẩu của VN có độ tin cậy cao thì rủi ro càng ít thì dễ đi vay,...Đây chỉ là vài lý do trong hàng trăm lý do mà các cơ quan thẩm định tài chính phân tích và đi đến kết luận cho giới đầu tư cân nhắc khi cho VN hay các quốc gia khác vay tiền.
PTMS

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.