Header Ads

Nợ công Brazil và Việt Nam

Nợ công Brazil và Việt Nam
NỢ CÔNG BRAZIL VÀ VIỆT NAM
Brazil, từ một nền kinh tế đang trỗi dậy hung hãn, là quốc gia có sản lượng kinh tế lớn nhất Châu Mỹ Latinh đang đứng trên bờ vực tồi tệ, là quốc gia trong khối "BRICS" gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi. Năm 2011, Brazil có sản lượng kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, mấp mé trên dưới 2.615,19 tỷ USD, cũng là nước lớn lớn thứ 2 trong khối BRICS, sau TQ, và ngôi vị thứ 2 này của Brazil đã rơi vào tay Ấn Độ.

Brazil là quốc gia phát triển kinh tế giống VN, là quốc gia có "rừng vàng biển bạc", nhưng diện tích rộng lớn đến 8.514.877 km², lớn gần gấp 26 lần lãnh thổ VN. Trong năm 2014, sản lượng kinh tế GDP của Brazil là 2.346,12 tỷ USD (sụt giảm 269 tỷ USD so với năm 2011), tức chiếm 3,78% sản lượng GDP của nền kinh tế thế giới. Dự kiến sản lượng GDP của Brazil trong năm 2015 chỉ vào khoảng 1,9 ngàn tỷ USD, điều đó có nghĩa là Brazil rơi xuống hạng 8, chỉ xếp trên Italy, Canada, nhưng đứng sau Mỹ, TQ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ấn Độ.

Mới đây khi cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor's, Fitch vừa hạ điểm tín nhiệm của Brazil trong thời gian ngắn đến 2 lần. Các chỉ số an toàn về nợ công của quốc gia này đang từ BBB đã bị giáng xuống hạng BBB-, vì món nợ công không ngừng phình ra. Trong động thái mới nhất Standard & Poor's hạ thấp điểm an toàn nợ công của quốc gia này BBB- xuống mức BB+ (tiêu cực).

Năng suất trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ của Brazil nay đã vọt lên 15,89% (tăng 0,48%). Ta nên nhớ trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ thường được gọi tắt là trái phiếu chủ quyền. Năng suất theo yêu cầu của các nhà đầu tư để vay vốn cho chính phủ Brazil, nó phản ánh kỳ vọng lạm phát và khả năng các khoản nợ sẽ được hoàn trả của Brazil là cực kỳ nguy hiểm. Các nhà đầu tư tăng lãi suất lên tất cả các khoản vay tư nhân, đẩy lãi suất vay bằng đồng nội tệ tăng theo.

Tỷ lệ lạm phát tại Brazil tăng lên 9,49%. Lãi suất chỉ đạo cao ngất ngưởng lên đến 14,25%. Hiện nay lãi suất cho vay của ngân hàng là tỷ giá bình quân của lãi được tính vào các khoản vay của các ngân hàng thương mại cho các cá nhân và các công ty, doanh nghiệp tư nhân tăng lên 62,26% thì làm sao mà tồn tại và có lời được.

Nguyên nhân vì đâu? Công thức đơn giản. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở Brazil khả quan nhất là 2,60% trong quý thứ 2 của năm 2015, quý thứ 3 còn tồi tệ hơn. Trong hơn 9 tháng đầu năm nay, đơn vị tiền tệ của Brazil (BRL) đã mất 36,8 % trị giá so với đồng USD. Tính từ cuối năm 2012 cho đến hết tháng 10/2015, đồng nội tệ BRL của Brazil đã mất 65% giá trị của nó so với đồng USD. Điều này, nếu xuất khẩu của Brazil suy yếu đi, công thức đơn giản đưa Brazil giống Argentina như trước đây, bởi đồng nội tệ mất giá dẫn đến sực tiêu thụ nội địa kém thì lấy đâu là lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế, trong khi nợ nước ngoài của Brazil là rất nguy hiểm. Giống như Brazil, hiện nay VN bắt đầu đi vay bằng ngoại tệ trên thị trường tài chính quốc tế đầy chuyên môn và nghiệp vụ đầu tư, nếu chuyên gia kinh tế VN không hiểu được những cạm bẫy này thì rất nguy hiểm.

Nền kinh tế Brazil dựa vào xuất khẩu, nguyên liệu thô, xuất khẩu ngô, thịt bò, sắt, đồng, quặng và xe hơi, dầu thô, cà phê, bông vải, các sản phẩm thực phẩm, nhiên liệu và chất bôi trơn, và các thiết bị di động gia công,... Brazil phụ thuộc nặng vào thị trường Trung Quốc chiếm đến 18,7% của tổng kim ngạch xuất khẩu. Nay kinh tế TQ suy yếu càng dẩy quốc gia này đến suy thoái vì xuất khẩu gặp khó khăn.

Trong năm 2014, nợ chính phủ như theo phần trăm của GDP của Brazil là 58,91%. Tuy nhiên đến hết tháng 10/2015, tỷ lệ nợ công của Brazil đã lên tới 65,30 % tổng sản phẩm nội địa GDP, gần mức trần nguy hiểm mà quốc tế ấn định là 70%, nó hoàn toàn giống những gì đang diễn ra ở VN, khi mức nợ công ngày càng gia tăng. Tuy Brazil may mắn là có kho dự trữ ngoại hối lên đến 362 tỷ USD, dự trữ vàng chỉ có 67 tấn, hiện là rổ tiền duy nhất để trấn an giới đầu tư và để chống chọi khó khăn của quốc gia này, nhưng đáng ngại, các khoản nợ nước ngoài ở Brazil lại lên đến 343,3 tỷ USD trong quý thứ 3 của năm 2015.

Trước ấy, nền kinh tế brazil với dự phóng tăng trưởng ít nhất là 3,0% trong năm 2015 thì bất ngờ đảo chiều sụt xuống số âm, với nhiều lý do như khủng hoảng giảm giá trên thị trường nguyên, nhiên liệu và sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc, vì đây là thị trường bán hàng chính của các nhà sản xuất Brazil khiến nguồn thu ngân sách bị eo hẹp, áp lực trả nợ lớn, là nguyên nhân đẩy kinh tế Brazil sát tới bờ vực sâu.

Khi Brazil tổ chức giải vô định túc cầu 2014 FIFA World Cup, bằng việc tăng chi lãng phí, xây dựng nhiều sân vận động đội vốn kém phẩm chất, xây nhiều hạ tầng cơ sở cho FIFA World Cup trước đây bằng cách vay tiền nước ngoài và tiền ngân sách, bị tham nhũng đục khoét, hay các công trình xây cất hạ tằng giao thông bị đội vốn, giống vài ví dụ điển hình của VN khi dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Dự án này vừa đề xuất tăng vốn lên hơn 868 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu. Đây là những thủ phạm gây ra nợ công lãng phí. Hiện nay dẫn nguồn tờ VnEconomy, với nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ nợ công năm 2015 đã là 61,3% sắp chạm đến mức trần cho phép 65%, đó là không tính nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ bảo hiểm, nợ ngân hàng thương mại, nợ tồn đọng xây dựng cơ bản thì tỷ lệ nợ công đã vượt trần. Đố là rủi ro đáng ngại.

Hiện nay ngoài Brazil, thì các chính phủ khác có xu hướng để đưa vào quá nhiều nợ vì những lợi ích nhóm chi phối.Ta thận trọng, các nhà đầu tư, chủ nợ, họ thường đánh giá mức độ nợ có rủi ro bằng cách so sánh nợ với tổng sản lượng kinh tế của một quốc gia, gọi là tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Họ căn cứ tỷ lệ nợ theo phần trăm trên GDP để đưa ra là làm thế nào quốc gia đó có khả năng có thể trả hết nợ, khi mà nợ trên GDP sắp đụng trần. Nếu các khoản nợ đó đang đến gần một mức độ quan trọng là có rủi ro, các nhà đầu tư thường bắt đầu đặt điều kiện là họ sẽ đòi hỏi một mức lãi suất cao hơn để ngừa rủi ro nhằm hạn chế nước đó đi vay thêm, hoặc nếu có phá sản thì họ còn được tiền lãi cao để vớt vát.

Bởi vì, nợ công tăng cao, nó sẽ tác động đến nợ nước ngoài, đó là vì nếu các khoản lãi suất mà tăng trên các khoản nợ công, các nhà đầu tư, hay chủ nợ họ cũng sẽ tăng lên cho tất cả các khoản nợ tư nhân không khoan nhượng.

Các nhà phân tích kinh tế VN thường không xác định cụ thể một tỷ lệ nợ so với GDP như là chuẩn mực để đánh giá nợ công, và thay vào đó họ tập trung vào tính bền vững của mức nợ. Họ cho rằng, nếu VN vẫn thể tiếp tục trả lãi cho khoản nợ của mình mà không cần cầu viện hay tái cấp vốn hoặc làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế, nó thường được coi là ổn định. Điều đó không có gì sai, nhưng phải thận trọng phản ứng của chủ nợ, và các tổ chức xếp hạng tín dụng Standard and Poor's, Fitch, họ mới là người quản lý các tờ giấy nợ đó và quyết định tăng lãi suất là do họ chứ không phải là phía con nợ hay các chuyên gia kinh tế VN.

Tuy nhiên, cần thận trọng nếu một tỷ lệ nợ quá cao so với GDP, đặc biệt là các khoản nợ bằng ngoại tệ, nó có thể làm cho quốc gia đó khó khăn hơn để trả nợ nước ngoài, và có thể đưa các chủ nợ tìm kiếm lãi suất cao hơn khi cho vay. Nếu một quốc gia không thể trả nợ đúng hạn, và có thể gây ra hoảng loạn trong thị trường trong nước và quốc tế. Khi nợ cao hơn tỷ lệ so với GDP, khả năng nước đi vay này ít có thể đáp ứng nghĩa vụ sẽ trả nợ của mình, và dẫn đến rủi ro vỡ nợ, và lãi suất bằng đồng nội tệ lẫn ngoại tệ sẽ trở lên đắt đỏ hơn bao giờ hết.

Hiện nay, xếp hạng tín dụng Standard and Poor's, Fitch cho Việt Nam ở mức BB-. Moody's xếp hạng nợ có chủ quyền Việt Nam là B1. Nói vắn tắt, việc đánh giá tín dụng được sử dụng bởi các nhà đầu tư khác để đánh giá uy tín khả năng trả nợ của Việt Nam, do đó có ảnh hưởng lớn đến chi phí đi vay của VN rất lớn. Với xếp hạng tín dụng của VN như vậy, nó cho thấy điều kiện kinh tế bất lợi có nhiều khả năng dẫn đến một khả năng suy yếu của nước phát hành giấy nợ có khả năng gặp khó khăn để đáp ứng cam kết tài chính nghĩa vụ trả nợ của VN.

Chẳng hạn, đối với Brazil, xếp hạng tín dụng các chỉ số an toàn về nợ công của quốc gia này mà Standard & Poor's mới giáng cấp từ BBB- xuống BB+. Moody's đánh giá ở mức Baa3 và Fitch cho ở mức BBB-, và giới đầu tư đồng ý nhận tờ trái phiếu của Brazil ở cấp BBB- cho tới cấp BB+, với tiền lời 15,89%, nếu không may Brazil bị giáng cấp tín nhiệm từ BB- cho tới B+, tức bằng mức tín nhiệm của VN, các chủ nợ tăng lãi suất lên các khoản vay. Điều đó chứng tỏ là mục tiêu thanh toán bớt nợ và bội chi ngân sách đã càng đẩy nền kinh tế Brazil vào hố sâu nợ nần bởi món nợ công gia tăng.

Một thí dụ từ cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu vào năm 2009, khi Hy Lạp công bố thâm hụt ngân sách thực tế của nó là 12,9% của Tổng sản phẩm trong nước (GDP), nhiều hơn gấp bốn lần mức giới hạn 3% Ủy quyền của Liên minh châu Âu (EU). Đến năm năm 2012, tỷ lệ nợ của Hy Lạp so với GDP là 175%, một trong những mức cao nhất trên thế giới như trường hợp Hy Lạp phải trả cho các chủ nợ tư nhân đến 25 cent trên một đồng USD khi đi vay trên thị trường tài chính quốc tê. Trên nguyên tắc vay trên thị trường tài chính quốc tế là rất rẻ lãi, và còn có chủ quyền tốt hơn vay ODA, nếu quốc gia đó giữ được mức nợ công vừa phải, vì chủ nợ hay các nhà đầu tư tin rằng quốc gia đó hoàn toàn không có rủi ro trả nợ, nên họ an tâm và cho vay lãi siêu thấp. Thí dụ, nếu Đức vay chỉ trả lãi cỡ 0,52%, Malaysia chỉ cỡ 4,13%, Hàn Quốc là khoảng 2,10%,...vì họ có khả năng trả nợ.

Brazil trước đây được vay với lãi thấp trên thị trường tài chính quốc tế vì nợ công vừa phải, tuy nhiên, vì thấy vay dễ mà không kiểm soát được nợ, dẫn đến món nợ công phình ra và duy ý chí nói là các khoản nợ không đáng ngại là công thức đơn giản dẫn đến chỗ phá sản, thì nay hết nhận được các khoản vay dễ dãi nữa mà còn gồng gánh trả lãi đắt.

(*) Hình minh họa, đồng Real (BRL) của Brazil hiện nay trượt giá rất nặng nề kể từ năm cuối năm 2002, và bây giờ 1 USD = 3,8565 BRL lấy xấp xỉ là 1 USD đổi được 3,85 BRL theo giá thị trường ngoại hối liên ngân hàng hôm thứ Hai. Đồng BRL tăng giá kỷ lục so với đồng USD trong tháng Giêng năm 1993, khi chỉ có 0,01 BRL đổi được 1 USD.
Phương Thơ, Morgan Stanley (NYSE: MS)

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.