Header Ads

Khi tỉ phú Mỹ đem Trung Quốc ra 'hù dọa' cả thế giới

Khi mà giới đầu tư toàn cầu đang bất an thì tỉ phú gốc Do Thái George Soros lại đổ thêm dầu vào lửa bằng lời "hù dọa": một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu dường như sắp lặp lại.
Khi tỉ phú Mỹ đem Trung Quốc ra 'hù dọa' cả thế giới
Ảnh: www.sott.net

Có thể bạn quan tâm
Hai cú ngắt mạch và buộc phải tạm ngưng hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc chỉ trong chưa đầy một tuần đầu năm (4/1 & 7/1/2016), kéo theo sự sa sút của một loạt TTCK quan trọng khác trên thế giới như Mỹ, có vẻ đang báo hiệu một năm đầy sóng gió với kinh tế thế giới...

Lời chúc từ tỉ phú cáo già
Khi mà giới đầu tư toàn cầu đang dần trở nên bất an thì tỉ phú gốc Do Thái George Soros lại đổ thêm dầu vào lửa bằng cách "hù dọa" rằng một cuộc khủng hoảng, tương tự khủng hoảng kinh tế toàn cầu hồi 2008, dường như sắp lặp lại.

Quả thực, khó có một lời chúc mừng năm mới nào “hay ho” hơn từ nhà tỉ phú đầu cơ cáo già này, khi ông đang đeo một cái mặt nạ Trung Quốc để hù dọa cả thế giới.

Với những người quan tâm tới tài chính quốc tế, Goerge Soros không phải là một cái tên quá xa lạ. Nổi tiếng với những cú đầu cơ và áp phe tài chính lớn, nhà tỉ phú gốc Do Thái đang là một trong những người giàu nhất hành tinh, với khối tài sản hiện đã lên tới 27,3 tỉ USD. Không nghi ngờ gì việc Soros là một trong những chuyên gia lớn nhất, sở hữu một sự nhạy cảm tài chính tuyệt vời trên thị trường tài chính toàn cầu hiện nay, nhưng cái cách mà Soros làm giàu khiến cho những phát biểu của nhà đầu cơ này luôn phải đối mặt với sự hoài nghi.

Hầu như không có người nào hoạt động trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ và trên thế giới lại không biết đến châm ngôn kinh doanh nổi tiếng của George Soros: “Không cần biết là đúng hay sai, tôi chỉ cần biết nếu đúng sẽ được bao nhiêu tiền và nếu sai sẽ mất bao nhiêu tiền”. Lợi nhuận được xem là vấn đề hàng đầu quan trọng nhất đối với ông. Đó là điều hết sức bình thường, đặc biệt là với các nhà đầu cơ, nhưng với Soros, vấn đề lại hoàn toàn khác. Vị tỉ phú Mỹ này bắt đầu tạo dựng tên tuổi như một trong những nhà đầu cơ hàng đầu thế giới sau khi dự đoán chính xác sự sụt giá của đồng bảng Anh trong năm 1992, sự kiện đã đem lại cho Soros 1 tỉ USD chỉ trong vòng một tuần.

Nhưng khi Soros nhúng tay vào việc tác động dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, sự kiện đã đem lại cho Soros hàng tỉ USD nhưng bù lại dẫn tới sự sụp đổ về kinh tế của hàng loạt các quốc gia ở châu Á, thì nhà đầu cơ tỷ phú này bị xem là một con cáo già hiểm độc, sẵn sàng phá hoại nền kinh tế một quốc gia miễn là có lợi cho bản thân. Dĩ nhiên, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khủng hoảng tài chính châu Á 1997 phần lớn là do sự bất cẩn trong điều hành kinh tế và tỉ giá của các chính phủ châu Á như Thái Lan hay Indonesia, nhưng vai trò của Soros cũng không hề nhỏ, khi chính nhà đầu cơ này là tác nhân chủ chốt cho sự rút vốn ồ ạt khỏi nền kinh tế các nước châu Á.

Vì thế, dự đoán của George Soros lần này, về nguy cơ một cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hồi 2008, đang bị đánh giá là một lời hù dọa không hơn không kém.

Các chuyên gia đã quá quen với việc Soros chỉ đưa ra những đánh giá thiếu tin cậy mỗi khi phát biểu trước truyền thông, rồi im lặng hành động mỗi khi có gì đó thực sự bất ổn để kiếm lợi. Quan điểm mà vị tỉ phú Mỹ gốc Do Thái đưa ra là sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc hiện nay có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với cấp độ yếu hơn cuộc khủng hoảng hồi 2008.


Năm 2016 chỉ mới diễn ra 1 tuần...

Trên thực tế, sau khi TTCK Trung Quốc ngưng trệ 2 lần chỉ trong một tuần vừa qua đã khiến TTCK Mỹ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Sau khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm hơn 7% trong ngày đầu năm, đến lượt chỉ số Dow Jones giảm hơn 250 điểm, chỉ số S&P 500 cũng giảm 1,3%. Chỉ mới qua 4 phiên giao dịch đầu năm nhưng chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 3% và hầu hết các TTCK mới nổi khác như Hồng Kông, Đài Loan hay Ả Rập Saudi đều suy giảm. Tổng cộng đã có hơn 2.500 tỉ USD vốn hóa bị thổi bay khỏi TTCK toàn cầu sau 4 phiên giao dịch đầu năm.

Hầu hết các chuyên gia dự đoán sự khủng hoảng đột ngột của TTCK Trung Quốc đã tác động đến sự suy yếu của các TTCK toàn cầu, kể cả ở Mỹ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể thì sự trì trệ đột ngột của kinh tế Trung Quốc có thể đem đến một tác động xấu, nhất là trong bối cảnh các nhà đầu tư trên toàn cầu có xu hướng e dè và muốn quan sát kỹ lượng các động thái trên thị trường trong những ngày đầu năm.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, có rất ít khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu như 2008 mà George Soros vừa dự báo.

Hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang không phải đối mặt với nguy cơ lớn nào có thể dẫn đến sụp đổ nền kinh tế, kể cả Trung Quốc. Với khoản dự trữ ngoại hối lên tới hơn 3.300 tỉ USD tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đủ sức ngăn chặn bất cứ một nguy cơ nào, dù là sự mất giá của nhân dân tệ hay cuộc tháo chạy của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Kể cả mắt xích bị cho là yếu nhất trong nền kinh tế Trung Quốc hiện tại là TTCK.

Và cho dù vì một lý do nào đó, Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng giống như cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007, sự kiện dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, một sự lặp lại kịch bản hồi 2008 vẫn không thể xảy ra. Một sự sụp đổ kinh tế của Trung Quốc với vai trò nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể khiến kinh tế toàn cầu tiếp tục rơi vào trạng thái suy trầm, nhưng khủng hoảng thì không.

Năm 2008, khủng hoảng tài chính ở Mỹ lan ra khắp thế giới thông qua sự mất giá của đồng USD và tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Còn với Trung Quốc hiện nay, khi tỉ suất nhân dân tệ trong gói tiền tệ dự trữ chỉ tương đương yen Nhật thì sự sụp đổ của kinh tế Trung Quốc, nếu xảy ra, sẽ chỉ tương đương với cuộc khủng hoảng kinh tế Nhật hồi cuối thập niên 1980 mà thôi. Nhật khi đó cũng là nền kinh tế số hai thế giới và sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế Nhật xảy ra thì kinh tế thế giới bị tác động tương đối ít.

Trên thực tế, việc TTCK Trung Quốc đột ngột trì trệ trong những ngày đầu năm là điều đã được dự tính trước. Sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xếp nhân dân tệ vào giỏ dự trữ, sự suy yếu đồng tiền này là điều đã được dự báo, nhất là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và dòng vốn đầu tư đang tháo chạy. Việc TTCK Trung Quốc đột ngột suy yếu là do tâm lý bất ngờ của các nhà đầu tư khi thấy nhân dân tệ mất giá quá mạnh mà thôi. Nhân dân tệ được dự báo sẽ còn tiếp tục mất giá trong thời gian tới, theo thời gian, các nhà đầu tư sẽ dần ổn định trở lại. Theo tính toán, TTCK Trung Quốc sẽ suy yếu khoảng 30% trong năm nay, kịch bản ngừng giao dịch như đã diễn ra 2 lần trong tuần này sẽ còn lặp lại thêm nhiều lần nữa.

Khi mà năm 2016 diễn ra mới được hơn một tuần thì không nên quá lo lắng về việc cả năm 2016 sẽ diễn ra ra sao, thế giới vẫn còn cả một năm dài phía trước để cố gắng và hy vọng, hơn là tin vào lời hù dọa của một nhà đầu cơ, vốn được đánh giá là chưa từng chứng tỏ một thiện chí đáng kể nào với nền kinh tế thế giới như George Soros.

Hãy cứ mặc kệ vị tỉ phú gốc Do Thái này với con ngáo ộp Trung Quốc của mình.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
==========

Xem thêm: 

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.