Header Ads

Câu chuyện có thực về Quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán

Tài khoản chứng khoán thua lỗ nặng vì không biết quản trị rủi ro, quản trị danh mục đầu tư
Một câu chuyện có thật:
Một nhà đầu tư có 1 tỷ đồng. Nhờ có kiến thức và kinh nghiệm, cộng sự may mắn khi tham gia đúng thời điểm, đã nhân tài khoản của mình lên 2 tỷ chỉ trong vòng 9 tháng. Sau một thời gian dài mua bán, lần này cũng như mọi lần, anh ta quyết định bán hết những chứng khoán trong tài khoản để chốt lợi nhuận. Trong đầu anh ta đã có ý tưởng sẽ tạm nghỉ không chơi nữa. Nhưng với 2 tỷ này thì làm được gì? Mua đất cũng phải 3 hay 4 tỷ. Rồi bất chợt anh ta thấy một cơ hội rất ngon ăn ở một cổ phiếu. Với kinh nghiệm và kiến thức của mình, anh ta biết không thể nào sai được. Anh ta quyết định làm một cú chót trước khi nghỉ tết. Anh ta quyết định all in vào cổ phiếu đó, sử dụng cả margin 1.3 mà công ty chứng khoán cấp cho anh ta. Tổng cộng anh ta đầu tư vào cổ phiếu đó là 6 tỷ với sự chắc mẩm rằng: lần này ta sẽ nhân tài khoản từ 2 tỷ lên 4 tỷ. Rồi đùng một cái thị trường sập, vì cổ phiếu anh ta mới mua phải chờ 3 ngày mới về tài khoản, anh ta không thể cắt lỗ kịp và đành nhìn cổ phiếu của anh ta giảm 3 phiên liên tiếp. Tới khi chứng khoán về tài khoản của anh ta, cổ phiếu đã giảm 20%, công ty chứng khoán yêu cầu cắt margin và anh ta buộc phải bán. Từ tài khoản 2 tỷ, giờ đây anh chỉ còn đúng 800 triệu. Bao nhiêu lời lãi 9 tháng đi tong trong chỉ 3 ngày. Điên cuồng vì sự mất mát đó. Anh ta quyết định tiếp tục mua bán liên tục để mong gỡ lại. Không may lần này thị trường chứng khoán (TTCK) vào nhịp downtrend. Tài khoản của anh ta cứ vơi dần vơi dần và chỉ còn 400 triệu. Tiếp tục đau đớn nhìn tài khoản bốc hơi. Anh ta vắt óc suy nghĩ phải tìm cách nào đó gỡ lại thật nhanh. Anh ta nghĩ tới chứng khoán phái sinh và quyết định tham gia. Sau một thời gian tài khoản anh ta cũng khá lên được một chút. Nhưng vẫn với bản tính nôn nóng và sử dụng đòn bẩy tối đa. Điều gì đến cũng đến, chứng khoán phái sinh đã tiếp tục bào mòn tài khoản anh ta xuống chỉ còn 100 triệu và anh ta quyết định đầu hàng rút lui khỏi TTCK.

Câu chuyện này có quen thuộc không các bạn? 
Với những người tham gia lâu năm trên TTCK và trải qua nhiều cú sốc giống như những phiên giảm 75 điểm trong ngày hôm qua thì chắc hẳn không lạ. TTCK luôn có những cú sốc bất ngờ mà nếu ta không có kế hoạch đối phó, sớm muộn ta cũng phải trả giá cho điều đó.
Vậy câu chuyện này rút ra cho chúng ta điều gì? Rút ra rằng TTCK khó chơi, đầy cạm bẫy và chơi chỉ mất tiền? Không phải! TTCK luôn là một mỏ vàng, điều quan trọng là phải có phương pháp đúng để đào nó.

Nhiều người hẳn cũng nhận ra anh ta sai ở đâu đúng không? Sự quá tự tin sau một thời gian dài chiến thắng, nôn nóng và sai ở cách giải ngân đã giết chết anh ta dù kiến thức, kinh nghiệm về cổ phiếu của anh ta không phải là ít.

Ở TTCK không thể nói trước được ai là người giỏi. Để đánh giá một người giỏi không thể đánh giá trong một thời gian ngắn được mà cần phải đánh giá anh ta qua một cả một chu kỳ lên và xuống của thị trường. Người nào giữ được nhiều tiền nhất sau một chu kỳ người đó ắt là người giỏi!

Kinh nghiệm không phải là yếu tố quyết định khi tham gia TTCK mà chính là phương pháp, tính cách và thói quen đầu tư. Với một phương pháp sai và một thói quen xấu thì càng giao dịch lâu năm người đó càng thua nhiều.

Phương pháp đúng thế nào thì tuỳ mỗi người sẽ tìm ra cho mình một cách tốt nhất. Thói quen thì phải rèn luyện và quan trọng nhất là phải biết cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro bằng cách luôn luôn có một kế hoạch phòng bị những điều xấu nhất có thể xảy ra.

P/s: Hình minh họa là một ví dụ về một tài khoản vô tình trở thành nhà đầu tư dài hạn khi bỏ quên tài khoản. Đầu tư dài hạn cũng có 2 mặt của nó: Nếu đúng sẽ được như HPG lời hơn 400%. Nhưng nếu sai cũng sẽ giống như những cp khác, lỗ 80-90%- tức bay hết tài khoản!
Theo Hoàng Tiến SSI

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.