Những vấn đề pháp lý liên quan việc hoàn trả tiền cho nhà đầu tư mua trái phiếu Tân Hoàng Minh
(Pháp lý) - Sau quyết định huỷ 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, đến nay tập đoàn này đã nộp 2.100 tỷ vào tài khoản tạm giữ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) tại Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên chưa một nhà đầu tư nào được nhận lại tiền, điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư rất lo lắng. Xung quanh vụ việc này, Phóng viên tạp chí Pháp lý đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng).
Luật sư Lê Cao – Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) |
2.100 tỉ đồng là vật chứng của vụ án?
Phóng viên: Liên quan đến vụ huỷ 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trong buổi làm việc với 11 đại diện nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh vào ngày 22/6 mới đây, ông Vũ Văn Luyện, Phó tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh, cho biết tập đoàn thu hồi được 2.100 tỉ đồng, số tiền này đã được Tân Hoàng Minh nộp vào tài khoản tạm giữ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) tại Kho bạc Nhà nước, chưa thể trả cho nhà đầu tư. Luật sư có thể cho biết trong tố tụng, khoản tiền nói trên được xác định là khoản tiền gì?
Luật sư Lê Cao: Vấn đề mấu chốt của câu chuyện trả lại tiền cho các nhà đầu tư trái phiếu của Tân Hoàng Minh lúc này liên quan đến hoạt động tố tụng của một vụ án hình sự. Theo đó, số tiền mà Tân Hoàng Minh dùng để trả lại cho các nhà đầu tư trái phiếu cần được đánh giá xem đó là khoản tiền gì trong tố tụng, khi đó mới có thể xem xét các trình tự thủ tục mà nhà đầu tư nhận được tiền theo quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 5-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị liên quan. Như vậy, có thể hiểu ông Đỗ Anh Dũng và các nghi can đang bị áp dụng Điều 174 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra xử lý.
Nếu các nhà đầu tư trái phiếu được xem là bị hại trong vụ án hình sự này, thì họ đang có tư cách tố tụng là người bị hại trong vụ án, số tiền họ bị chiếm đoạt được xem là vật chứng của vụ án. Do đó, Tân Hoàng Minh mang một số tiền nộp cho C03 được xem là để đảm bảo việc trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại cho các bị hại.
Hơn nữa, những khoản tiền mà Tân Hoàng Minh giao nộp cho C03 vào thời điểm đang điều tra vụ án này có ý nghĩa quan trọng, mấu chốt trong việc giải quyết vụ án, bởi lẽ việc giải quyết vụ án không chỉ là trừng trị các bị cáo bằng những hình phạt mà còn có ý nghĩa thu hồi được tài sản bị lừa đảo cho các bị hại.
Do đó, chiếu theo ý nghĩa đó thì các khoản tiền mà Tân Hoàng Minh nộp cho C03 được xem là vật chứng của vụ án theo quy định tại Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Đó cũng là các khoản tiền được dùng để cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng khi áp dụng các biện pháp tư pháp theo Điều 46, Điều 48 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Như vậy, số tiền mà Tân Hoàng Minh đang nộp vào C03 được xem là tài sản đang được luân chuyển và có “địa vị” pháp lý trong hoạt động tố tụng của một vụ án, tài sản đó phải được xử lý giải quyết trên cơ sở hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, tài sản đó không còn là tài sản chủ động để Tân Hoàng Minh tự hoàn trả cho các nhà đầu tư.
Ông Vũ Văn Luyện - Phó tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh làm việc với nhà đầu tư vào ngày 22-6 tại trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh |
Phóng viên: Vậy nếu khoản tiền Tân Hoàng Minh nộp cho C03 được xem là vật chứng, là tiền để cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp tư pháp trong vụ án, thì khi nào nhà đầu tư mới nhận được, thưa luật sư?
Luật sư Lê Cao: Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự.
Đối với vụ án có yếu tố chiếm đoạt tài sản như với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu xác định các nhà đầu tư là bị hại và số tiền mà các nhà đầu tư đã mua trái phiếu là tiền mà các bị can chiếm đoạt thì như đã nói việc xử lý hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại cho các bị hại phải được giải quyết trong quá trình tố tụng hình sự của vụ án.
Chỉ trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Khi vụ án hình sự đang được giải quyết theo các trình tự tố tụng thì việc xử lý vật chứng tùy từng giai đoạn mà thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác nhau quyết định.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử.
Như vậy, việc xử lý số tiền mà Tân Hoàng Minh nộp vào C03, số tiền này được xem là vật chứng vì có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án, do đó trừ trường hợp vụ án được đình chỉ ở các giai đoạn khác nhau nêu trên, còn nếu vụ án được đưa ra xét xử thì Hội đồng xét xử mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định. Khi đó, khi xét xử vụ án, Hội đồng xét xử mới xét xem tiền đó sẽ trả cho những bị hại nào, bao nhiêu tiền. Bởi về nguyên tắc hiện nay đang điều tra, chưa có kết luận cuối cùng, chưa có phán quyết cuối cùng đối với vụ án, không thể tùy tiện dùng số tiền đó chia cho các nhà đầu tư được, vì chưa thể kết luận có bao nhiêu nhà đầu tư là bị hại, rồi mỗi nhà đầu tư bị chiếm đoạt bao nhiêu, ai chiếm đoạt và trách nhiệm pháp lý liên quan như thế nào để có thể giải quyết.
Phóng viên: Như vậy số tiền mà Tân Hoàng Minh nộp vào C03 có thể bị treo ở kho bạc Nhà nước thêm thời gian nữa, trong khi nhiều nhà đầu tư đang rất lo lắng vì chưa thể thu hồi được, có cách gì để xử lý nhanh hơn không?
Luật sư Lê Cao: Hiện nay có thông tin cho thấy Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang đề xuất hướng chi trả theo một cách thức chủ động nhanh hơn, theo đó khi số tiền chuyển vào tài khoản tạm giữ của C03 mở tại Kho bạc Nhà nước đạt từ 10% trở lên trên tổng số dư nợ của 9 đợt phát hành trái phiếu thì Tân Hoàng Minh sẽ phối hợp cùng C03 bắt đầu trả cho các nhà đầu tư. Tỷ lệ chi trả được Tân Hoàng Minh đề xuất là “đồng đều tương ứng”.
Như vậy, Tân Hoàng Minh muốn cùng C03 có các giải pháp để trả tiền sớm cho nhà đầu tư, thế nhưng theo chúng tôi về mặt pháp lý sẽ rất vướng và C03 chắc sẽ rất khó “phối hợp” với doanh nghiệp để thực hiện, bởi những lý do sau:
Một là, nếu xem số tiền Tân Hoàng Minh nộp cho C03 là tiền để hoàn trả cho các bị hại, xác định đó là tiền đã “chiếm đoạt” nay trả lại cho các bị hại trong vụ án thì việc quyết trả cho ai, tỷ lệ, số tiền bao nhiêu phải do Hội đồng xét xử quyết định, vụ án đang điều tra, không bị đình chỉ nên theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự mà tôi chỉ ra ở trên Cơ quan điều tra không thể tự mình đứng ra phối hợp với Tân Hoàng Minh để phân chia cho các nhà đầu tư.
Hai là, hiện chưa biết số tiền sẽ thu hồi được là bao nhiêu, chưa xác minh làm rõ được các bị hại và mỗi bị hại bị chiếm đoạt bao nhiêu tiền, do đó nếu xác định không đúng thì hoạt động chi trả trước khi xét xử này dễ dẫn đến sai sót, không đảm bảo công bằng cho các bị hại.
Có một khả năng khác, là Tân Hoàng Minh nếu có đầy đủ nguồn tiền cũng có thể tự nguyện và tự mình chi trả lại cho các nhà đầu tư các khoản tiền mà nhà đầu tư đã bỏ ra mua trái phiếu. Khi đó, với sự tự chủ động này, tiền chưa được đưa vào nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng, tiền đó là tài sản hợp pháp của doanh nghiệp, được thực hiện giao dịch hợp pháp trả lại cho các nhà đầu tư thì mới có thể nhanh chóng hoàn trả mà không phải qua các bước chờ đợi.
Nhà đầu tư có thể phải chờ đợi thời gian để được trả tiền
Phóng viên: Luật sư có thể đánh giá về khả năng nhà đầu tư có thể lấy lại tiền sớm?
Luật sư Lê Cao: Đối với các vấn đề pháp lý của vụ án, hiện các bị can đang được điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động điều tra đang diễn ra, nếu xác định các khoản tiền Tân Hoàng Minh huy động của những nhà đầu tư là tiền bị chiếm đoạt thì việc các nguồn Tân Hoàng Minh nộp cho C03 để xử lý buộc phải thực hiện theo trình tự luật định mà tôi đã nêu ở phần trên, theo đó, Hội đồng xét xử là cơ quan cuối cùng quyết định việc xử lý số tiền đó như thế nào, cho ai và bao nhiêu. Nếu theo trình tự đó, thì khi này vụ án đang vẫn giai đoạn điều tra, rồi truy tố, xét xử sơ thẩm, có thể có phúc thẩm nên thời gian mà các nhà đầu tư còn phải chờ đợi không hề ngắn, nó còn có thể kéo dài bởi đây là vụ án phức tạp, có thể phát sinh nhiều tình huống pháp lý tố tụng trong quá trình điều tra.
Có một vấn đề đáng lưu ý ở chỗ, ban đầu việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu với tổng giá trị 10.030 tỉ đồng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là một hoạt động hành chính, nhưng sau đó vụ việc chuyển sang thành vụ án hình sự với các hoạt động điều tra được triển khai, trong khi quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không kèm theo giải pháp cụ thể để nhà đầu tư có thể nhận được lại tiền, thì đến nay khi đã gắn vào một vụ án hình sự thì việc nhận lại tiền phải tuân thủ theo các quy trình tố tụng hình sự.
Đây là một vụ án với nhiều vấn đề pháp lý rất đáng lưu ý, việc xử lý nguồn tiền Tân Hoàng Minh trả lại cho các nhà đầu tư chắc chắn là những vấn đề không đơn giản, do đó vụ án không thể dễ dàng khép lại sớm do đó việc các nhà đầu tư phải chờ đợi thời gian nữa là hoàn toàn có thể xảy ra.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Luật sư!
Văn Chiến ( thực hiện)
Nguồn bài viết: Phaply.net.vn
Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề pháp lý liên quan việc hoàn trả tiền cho nhà đầu tư mua trái phiếu Tân Hoàng Minh" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).
BÌNH LUẬN