Header Ads

CHỈ TIÊU KINH TẾ ĐỀ RA TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

Có thể nói, hiếm có nơi nào trên thế giới như tại VN, khi quốc gia này một mực khăng khăng thuyết phục quốc tế công nhận "VN là một nền kinh tế thị trường tự do theo đặc thù VN". Trong hệ thống phát triển kinh tế, người ta hay hô hào như "trong năm 2016, sản lượng GDP của VN phải đạt ngần ấy phần trăm theo mục tiêu đề ra", hay, "từ nay đến năm 2020, nền kinh tế VN, cơ bản là nền kinh tế công nghiệp, rồi đến năm 2050, VN phải là nền kinh tế lớn thứ mười mấy, hay vượt mặt nền kinh tế Hàn Quốc",....

Thật sáo rỗng và đáng chê trách, các chỉ tiêu đề ra chủ yếu là 5 năm phải như thế này thế kia, đó là hành vi vô trách nhiệm và hạ cánh an toàn của quan chức đề ra mục tiêu ấy, khi họ vẽ ra "mọi thứ không có thật" đến hết nhiệm kỳ thì chối bỏ trách nhiệm.

Trên thế giới làm gì có khái niệm tăng trưởng GDP theo chỉ tiêu đề ra. Thay vì tập trung phát triển kinh tế bằng đo lường sự thành công trong các điều khoản tiêu chí đề ra như chất lượng của sản lượng kinh tế, thu nhập gia đình, tạo thêm việc làm mới, hoặc môi trường, giáo dục tốt hơn,...

Nếu nói phải tăng trưởng GDP đạt thành tích như vậy theo chỉ tiêu đề ra có lẽ khối kinh tế khu vực đồng EUR, Mỹ, Nga, hay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nên sang VN học tập thay vì tiếp tục sử dụng chính sách kinh tế "Abenomics" để đạt mục tiêu tăng trưởng "không biết bao giờ có kết quả".

Trong nền kinh tế thị trường, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) định nghĩa là khi đà tăng trưởng của tổng sản quốc nội (GDP) suy giảm trong hai quý liên tiếp, nôm na là 6 tháng. Thì người ta bắt đầu điều chỉnh tăng trưởng GDP và tung ra các biện pháp kích thích kinh tế, hay hạ dự báo tăng trưởng GDP. Trong khi tại Mỹ, họ có định nghĩa và khảo sát khác, không theo định nghĩa của IMF, vì xưa nay giới phân tích kinh tế tại Mỹ đều xem thường các tổ chức này, thực chất vẫn do Mỹ lập ra và Mỹ không kiểm soát nó nữa mà giao cho Âu châu quản lý.

Tại Mỹ thì có một cơ quan nghiên cứu tư nhân National Bureau of Economic Research (NBER), họ chuyên khảo sát và phân tích các chu kỳ kinh tế.

Cụ thể, họ định nghĩa kinh tế bị yếu đi là khi tổng sản lượng quốc nội (GDP) sút giảm trong hai quý liên tục, sự sút giảm này được phân tích ở các yếu tố như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, lương bổng bị giảm sút không tăng, hay số lượng hàng hóa bán lẻ giảm sút,...


Ở VN thì chả biết đâu là khi kinh tế bị suy yếu để điều chỉnh nhằm tung ra các biện pháp ứng phó, thay vì người ta quanh năm cho nhau "uống nước đường" ca tụng nào là "VN là công xưởng thế giới thay thế TQ", hay "VN là điểm đến hấp dẫn giới đầu tư, cũng như VN có mức tăng trưởng tốt nhất Á châu và thế giới,...". Đây là công thức đơn giản đưa những người đương nhiệm hạ cánh an toàn và đẩy nền kinh tế VN rơi xuống vực tụt hậu, vì thực tế đối với nền kinh tế VN, thật đáng nguy hiểm nhất là người ta không tìm ra cái yếu cái xấu để mà tránh.
Phương Thơ, Morgan Stanley (NYSE: MS)

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.