Header Ads

Dậy sóng trào lưu cổ phiếu hồi sinh nhờ thâu tóm

Trào lưu mua bán sáp nhập (M&A) chưa bao giờ hết nóng và dường như đang trở nên mạnh mẽ hơn trên thị trường chứng khoán hiện nay. Đi kèm với M&A thì thị giá cổ phiếu đơn vị được mua cũng từng bước lên đỉnh, điều này tạo ra một sự hứng khởi đối với nhà đầu tư - những người muốn ăn theo con sóng này.

Nhà đầu tư mong chờ thâu tóm diễn ra để hưởng lợi về giá cũng như hiệu ứng tái cơ cấu hậu thâu tóm.

Giá cổ phiếu thăng hoa cùng quá trình thâu tóm
Chắc hẳn nhiều nhà đầu tư vẫn còn nhớ cú lột xác đầy ngoại mục của SHN vào năm 2015. Từ một đơn vị suýt hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, sau một năm dưới bàn tay nặn nhào của Tập đoàn Geleximco thì SHN đã nhanh chóng có khoản lãi khủng giúp xóa sạch lỗ lũy kế.
Có thể nói rằng nếu không có Geleximco sẽ không có SHN của ngày hôm nay. Lợi nhuận năm 2015 của SHN chủ yếu đến từ việc đầu tư nhiều dự án cùng Geleximco như hợp tác xây dựng dự án sân Golf Hòa Bình – Geleximco trị giá 103 tỷ đồng, đầu tư dự án Gemek Tower II trị giá 177.3 tỷ đồng, sàn giao dịch bất động sản Hanic thực hiện tư vấn và phân phối các căn hộ thuộc dự án bất động sản (BĐS) do Geleximco làm chủ đầu tư, và đặc biệt là thương vụ mua bán chớp nhoáng cổ phần CTCP Sapa Hưng Yên cùng CTCP Tân Hoàng Cầu đem lại lãi hàng trăm tỷ trong vỏn vẹn 2 tuần.
Đồng thời diễn biến giá cổ phiếu SHN cũng kích thích nhà đầu tư không kém, từ mức giá cốc trà đá 2,000 đồng hay 3,000 đồng vào tháng 4/2015 bất ngờ tăng vọt lên trên 20,000 đồng trong 3 tháng sau đó trước thông tin Geleximco tham gia làm nhà đầu tư chiến lược. Hiện nay, thị giá SHN đang khá ổn định ở khoảng 11,000 – 13,000 đồng.
Hay diễn biến cổ phiếu của Đầu tư Căn nhà mơ ước (HOSE: DRH) cũng rất hứng thú, chỉ vỏn vẹn trong vòng 6 tháng, từ mức giá 6,000 đồng cổ phiếu DRH đã nhảy vọt lên trên 30,000 đồng, gấp 5 lần. Chất  xúc tác làm nên điều này có lẽ là một nhóm cổ đông mới giấu mặt có tiềm lực tài chính tiến hành thâu tóm để tái cơ cấu lại Công ty. Dàn lãnh đạo DRH gần như đã thay toàn bộ, phương hướng hoạt động cũng thay mới như thực hiện mua lại hàng loạt dự án quy mô lớn và M&A doanh nghiệp phù hợp.
Nhựa Tân Phú (HNX: TPP) có thị giá cổ phiếu tăng hơn gấp đôi từ 13,000 đồng lên mức 28,000 đồng từ tháng 9/2015 đến nay. Đi cùng với đó là hoạt động thoái vốn từ cổ đông nội bộ và đến ĐHĐCĐ thường niên 2016 thì kẻ đi thâu tóm - Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP) đã chính thức xuất hiện.
Ngủ đông trong một thời gian dài, bất ngờ trong 10 phiên giao dịch từ 28/03 đến 08/04/2016, cổ phiếu PTM của Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Ô tô PTM tăng 157% từ mức 5,300 đồng lên 13,600 đồng/cp với thanh khoản tăng hơn gấp đôi thời gian trước. Nguyên nhân được hé lộ chính là việc Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh – Haxaco (HAX) thâu tóm bằng hình thức hoán đổi cổ phần.
Theo dấu M&A
Việc kiếm được tỷ suất sinh lời tính bằng lần khi săn đúng cổ phiếu của doanh nghiệp có “game” thâu tóm khiến cho nhiều nhà đầu tư hưng phấn và cùng ngóng trông, dõi theo chuyển động của các ông lớn chuyên đi thâu tóm để đón đầu cũng như hưởng lợi từ sự tái cơ cấu doanh nghiệp hậu thâu tóm.
Trên thị trường hiện nay, Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) là một đơn vị nổi tiếng với những thương vụ M&A lớn để thực hiện chiến lược mở rộng đầu tư ở nhiều lĩnh vực như bán lẻ, y tế, giáo dục, nông nghiệp… tạo hệ sinh thái, mang đến dịch vụ đẳng cấp cho khách hàng. Cổ phiếu của những đơn vị có VIC tham gia như Công ty TNHH MTV Sách Việt Nam (SAVINA), Công ty TNHH Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) hay Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) đều có bước tăng mạnh.
Bên cạnh đó, vấn đề cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt làm cho trào lưu mua bán sáp nhập để mở rộng thị phần, tạo lợi thế cạnh tranh trong ngành nhựa nóng từ năm trước đến năm nay. Hiện đã lộ diện hai cặp là Nhựa Đồng Nai mua Nhựa Tân Phú, Nhựa Đà Nẵng sáp nhập vào Nhựa Bình Minh.
Hay doanh nghiệp mới đổi chủ DRH đang nhăm nhe một đơn vị khoáng sản SCIC mới thoái vốn là Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) khi đã chi gần 100 tỷ sở hữu 10% vốn tại đây. Đồng thời, sức nóng của KSB càng nhân lên khi Chủ tịch Gỗ Trường Thành - ông Võ Trường Thành vào HĐQT từ ngày 04/04 vừa qua sau khi “gả cưới” Gỗ Trường Thành về cho Vingroup.
Ngoài ra, có một thực tế là cả lãnh đạo và cổ đông của phần đa doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm chi phối đều mong muốn nhà nước thoái vốn để tư nhân vào. Bởi đa phần các doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn đều rất khó tăng vốn để mở rộng quy mô, Cấp nước Chợ Lớn (CLW) là một ví dụ, bao năm trong báo cáo HĐQT gửi cổ đông luôn kèm theo câu khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là vấn đề huy động vốn nên mức vốn góp chủ sở hữu từ năm 2008 đến nay vẫn là 130 tỷ đồng (trong đó nhà nước sở hữu 51% vốn). Việc không huy động được vốn từ cổ đông trong khi vay thì không có tài sản thế chấp kiến CLW rất khó đầu tư. Ngược lại, những đơn vị tư nhân lại rất tham vọng với kế hoạch mở rộng và sẵn sàng mua lại nếu nhà nước thoái vốn. Ví như Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) có định hướng M&A các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nước bao gồm nhà máy nước, mạng phân phối và xử lý nước thải. Cơ điện lạnh (REE) cũng đã và đang nhăm nhe mở rộng trong lĩnh vực điện, nước./.
Mỹ Hà - Vietstock

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.