Header Ads

Ông Nguyễn Duy Hưng: 15 năm tới tương lai còn tốt hơn nhiều

(NDH) Lòng tin sẽ quyết định sự thành bại của TTCK. Những người làm ăn chộp giật sẽ không thể phát triển trường tồn, mọi người đừng nghĩ việc mình làm khác điều mình nói mà người khác sẽ tin, thị trường rất sòng phẳng, ai làm gì sớm muộn gì thị trường cũng biết.

Đồng hành với TTCK từ những ngày đầu và là người vận hành CTCK tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn, CTCK lớn nhất trị trường hiện tại đã có những trao đổi với phóng viên NDH về quá trình phát triển của TTCK trong suốt 20 năm qua.
Nhớ lại giai đoạn năm 1997, ông Hưng nghĩ rằng thời điểm đó điều cần nhất ở Việt Nam là làm sao huy động được nguồn vốn càng nhiều càng tốt. Đã từng có thời gian làm việc ở bộ phận phê duyệt đầu tư tại UBND tỉnh Khánh Hoà, ông Hưng hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của dòng vốn nước ngoài.
Thời điểm này ông Lê Văn Châu, Chủ tịch UBCK đầu tiên và cũng là “mẹ đẻ” của TTCK Việt Nam đã đi rất nhiều nơi để nghiên cứu vào TTCK và tìm kiếm thành phần tư nhân tham gia TTCK. Thời điểm đó ông Châu đã mời gọi rất nhiều nhưng chỉ duy nhất ông Nguyễn Duy Hưng tham gia. Những ngày lang thang ở Thái Lan để tìm hiểu về cách vận hành của thị trường, ông Hưng đã phải mày mò từ những thứ đơn giản nhất như bảng điện tử làm thế nào, dùng phần mềm gì...
Những năm tháng đồng cam cộng khổ với TTCK khiến ông Hưng giờ đây được mệnh danh là “ông trùm chứng khoán”. Mỗi phát biểu, mỗi hành động của ông Hưng đều được giới truyền thông săn đón. Bản thân SSI đã có sự phát triển thần tốc trong 16 năm đi vào vận hành, từ một CTCK có vốn điều lệ 6 tỷ đồng, giờ đây vốn điều lệ của SSI đã lên đến 4.800 tỷ, với tổng tài sản hơn 13.500 tỷ, thị phần môi giới dẫn đầu cả hai sàn.

20 năm nhìn lại
Là ông chủ của CTCK tư nhân đầu tiên thành lập tại Việt Nam, sau 16 năm vận hành và 20 năm ra đời TTCK, ông có cho rằng TTCK ở thời điểm hiện tại đúng như kỳ vọng của ông thời gian đầu khi bắt tay vào xây dựng thị trường không?
Tôi là một trong số hiếm người bên ngoài được ông Lê Văn Châu, Chủ tịch UBCK đầu tiên của Việt Nam mời tham gia thị trường từ những ngày đầu. Có những lúc hai thầy trò đi nghiên cứu ở Thái Lan đã tưởng tượng câu chuyện thị trường 20 năm tới nhưng không ai có thể hình dung ra thị trường có thể đạt được thành quả như ngày hôm nay. Vốn hóa thị trường đã đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương 35% GDP. Chúng ta có thể huy động được cả tỷ USD trên TTCK còn trước đây, để huy động được vài triệu USD ở Việt Nam rất khó, thậm chí phải qua rất nhiều cấp quan trọng mới được phê duyệt.
Trong những ngày đầu bắt tay vào làm, chưa ai tưởng tượng được việc vận hành TTCK như thế nào, làm thế nào để nhà đầu tư có thể hiểu và tham gia. Trước đây, mọi người nghĩ rằng TTCK là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, để thuyết phục được người dân tham gia và các công ty niêm yết là cả một quá trình.
20 năm qua, mặc dù sự hiểu biết và thói quen của người dân chưa đạt được đến mức coi TTCK là nơi giữ tiền nhưng đâu đấy, nhà đầu tư đã quen với sự vận hành của TTCK và coi đó là một kênh đầu tư. Đến khi nào mọi người nhận thức được TTCK không chỉ là kênh kiếm tiền mà còn là nơi giữ tiền để tăng giá trị tài sản thì lúc đó TTCK mới phát triển.
Một điều quan trọng nữa, bất cứ ngành nghề nào nguồn nhân lực cũng là quan trọng nhất. Chúng ta đã đào tạo được nguồn lực vốn dĩ trước đây chỉ biết kiến thức trên sách vở, mang vận hành trong thị trường. Phải công nhận rằng, nguồn nhân lực của TTCK ngày hôm nay đã là một trời một vực so với thời điểm trước. Bây giờ khi đi tuyển nhân sự cho ngành chứng khoán không còn biên giới giữa nước ngoài và trong nước nữa.
Nếu nhìn lại quãng thời gian qua, ông ấn tượng với giai đoạn nào nhất?
Điều SSI làm được nhiều nhất và cũng được Chính phủ ghi nhận, bản thân tôi cũng cho rằng mình đã đóng góp việc thúc đẩy TTCK phát triển là giai đoạn cổ phần hóa các nhà máy điện (giai đoạn 2006-2007). Lúc đó thị trường có rất nhiều nhà máy điện có giá trị tài sản rất lớn, rất tiếc quá trình CPH bị chặn lại vì sợ mất tài sản quốc gia. Nếu lúc đó đẩy mạnh câu chuyện hơn để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thì hiện tại, chúng ta không lo lắng nhiều về vốn làm nhiều nhà máy điện.
Những thương vụ cơ bản về thu xếp vốn hàng năm đều có bóng dáng của SSI. Chúng tôi là một thành phần của thị trường nên không thể đi ra ngoài phạm vi thị trường, nhưng bản thân tôi cho rằng những gì SSI đã kết nối vốn cho thị trường tốt so với tốc độ phát triển chung của TTCK VN.
Ở thời điểm hiện tại câu chuyện đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Việc SCIC thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Dược Hậu Giang, FPT hay Bộ Công Thương thoái vốn tại Sabeco, Habeco, ông đánh giá sẽ tác động ra sao đến thị trường?
Câu chuyện này chúng ta đã nhắc đến nhiều. Ở các mô hình kinh tế, nhà nước quan tâm hơn đến đa dạng hóa sở hữu các ngành mà nhà nước chi phối. Việc bán cổ phần tại các công ty không cần chi phối ngoài việc thu về những khoản thặng dư khổng lồ còn giúp nhà nước tạo ra các công ty phát triển bền vững hơn. Nếu mọi thứ được minh bạch hóa và có chiến lược rõ ràng, dòng vốn mới sẽ giúp các công ty tăng trưởng nhiều hơn. Chỉ cần các công ty lớn tăng trưởng 20% mỗi năm thì chúng ta đã có thể kỳ vọng tạo ra các công ty có thương hiệu quốc gia nhưng tầm cỡ quốc tế. Điều này cũng sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đóng nhiều thuế cho nhà nước và giúp tăng trưởng GDP. Ở thời điểm hiện tại mặc dù nhà nước sở hữu nhiều tài sản nhưng trong số đó có nhiều công ty kinh doanh không hiệu quả, cổ tức được chia trên vốn chủ sở hữu thấp.
Với TTCK, có nhiều hàng hóa chất lượng và phát triển bền vững niêm yết sẽ giúp hấp dẫn nguồn vốn hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tăng cường độ minh bạch và hạn chế lợi ích nhóm.
Những thông điệp của Chính phủ thời gian gần đây đang ủng hộ thị trường chứng khoán. Đã có những chỉ đạo về việc bán cổ phần nhà nước theo nguyên lý thị trường và đẩy mạnh niêm yết. Chúng ta biết rằng để TTCK phát triển thì mọi thứ cần minh bạch và phải triển đúng theo nguyên lí thị trường, thông điệp của Thủ tướng vừa nói ra đi theo con đường đó và chúng ta phải tin vào những gì Chính phủ làm.
Trả lời báo Đầu tư chứng khoán cách đây 6 năm, ông đã từng nói điều cốt yếu nhất của thị trường là tính minh bạch và chỉ sự thật mới mang lại giá trị. Nhưng rất nhiều năm trôi qua thị trường vẫn còn rất nhiều trường hợp công ty lừa đảo nhà đầu tư, tăng vốn ồ ạt thậm chí khai khống trong báo cáo tài chính khiến nhà đầu tư phải gửi đơn đi kiện. Ông đánh giá việc này như thế nào?
Ngay cả tại các TTCK phát triển như Mỹ, Anh, Singapore với các tội danh bị phạt lên tới hàng tỷ USD mà đâu đó vẫn tồn tại yếu tố lừa đảo. Đó là sự sinh tồn của quá trình phát triển, cái này không thể triệt tiêu hoàn toàn được hết. Điều quan trọng là chúng ta phải kiểm soát để làm sao tỷ trọng của cái tốt cao hơn cái xấu thôi.
Ở các nước khác, TTCK có trước sau đó UBCK có sau, UBCK ra đời để định hướng và kiểm soát để tránh méo mó trên thị trường. Ở nước ta UBCK có trước, với chức năng vừa xây dựng vừa kiểm soát. Mười mấy năm qua chúng ta đã đặt việc phát triển thị trường lên trên. Điều này là hợp lý bởi khi đó thị trường của chúng ta còn quá nhỏ, nhưng như thế đã kéo theo nhiều hệ lụy khi có nhiều CTCK tự đào thải, nhiều trường hợp thiếu minh bạch, vàng thau lẫn lộn, có hiện tượng đội làm giá này đội làm giá kia. ..
Khi thị trường đã phát triển đến một độ nhất định thì chúng ta phải nghĩ đến việc phải làm sao cho thị trường thêm minh bạch hơn, phần kiểm soát phần định hướng ưu tiên hơn so với phần phát triển. Mặc dù vẫn phải lưu ý việc phát triển vì thị trường vẫn quá nhỏ nhưng nếu không kiểm soát tốt thị trường sẽ chết yếu, phải củng cố lại để cho phần chính đạo lớn lên, tà đạo nhỏ đi Khi đó mặt bằng chất lượng hàng hóa trên thị trường mới tốt hơn được.
Vậy làm thế nào để nhà đầu tư có thể tránh việc không bị lừa trên TTCK thưa ông?
Mọi người hãy nhìn lại lịch sử. Mười mấy năm thôi nhưng lịch sử đã chứng minh những công ty phát triển bền vững sẽ mãi trường tồn, những công ty chụp giật đâu đấy sẽ tự đào thải. Tất nhiên mỗi người có nhận thức khác nhau và lòng tin khác nhau, không có công thức chung cho tất cả mọi người. Mọi thứ đều có thống kê lịch sử, công ty có thống kê lịch sử, doanh nhân có thống kê lịch sử, cộng với phân tích báo cáo research ngành, cộng với kết luận của các công ty kiểm toán, định mức tín nhiệm ngân hàng sẽ giúp cho NĐT có cái nhìn chuẩn mực hơn về các công ty mà NĐT quan tâm, nhưng tất nhiên không gì có thể bảo đảm tuyệt đối.
Lòng tin sẽ quyết định sự thành bại của TTCK. Những người làm ăn chộp giật sẽ không thể phát triển trường tồn. Mọi người đừng nghĩ việc mình làm khác điều mình nói mà người khác sẽ tin, thị trường rất sòng phẳng và công bằng, ai làm gì ai như thế nào sớm muộn gì thị trường cũng biết.
Tương lai tươi sáng
Ông có nhiều cơ hội tiếp xúc với NĐT nước ngoài, quan điểm của họ vào thị trường TTCK Việt Nam như thế nào thưa ông?
Không có quan điểm về thị trường cho mãi mãi. Có lúc chúng ta mở cửa cho dòng vốn vào ồ ạt, đẩy giá tài sản lên cao, sau đó lại đến thời kỳ nguội lạnh khi các thị trường khu vực hấp dẫn hơn. Nhưng ở thời điểm hiện tại NĐT nước ngoài đánh giá TTCK Việt Nam có nhiều ưu thế nhất, sau vài năm Myanmar không phải giấc mơ vàng, Indonesia, Thái Lan, Phillipiné có những vấn đề nội tại của họ …Việt Nam là thị trường ít xấu nhất trong khu vực nên trong cạnh tranh có nhiều lợi thế hơn.
Ông cho rằng thời điểm này NĐT đã sẵn sàng cho các công cụ mới chưa? Khi chúng ta áp dụng các sản phẩm rất thô sơ như T+2 đã có một số CTCK bị đào thải vì họ chuẩn bị không kịp hạ tầng cho quy trình thanh toán?
UBCK điều tiết, còn hãy để thị trường tự phát triển, với các sản phẩm mới chỉ cần 10% các công ty có thể thực hiện được thì cho thí điểm làm trước, sau đó tháo van dần dần, bắt các công ty khác tự nâng cấp lên. Vì để 100% các công ty thực hiện được là rất khó, hoặc là phải hạ chuẩn mà điều này hoàn toàn không nên làm.
Tốt nhất nên đưa dần các sản phẩm ra, sau đó công bố thông tin minh bạch, để nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm với các quyết định của mình, như xổ số mặc dù 5 ăn 5 thua nhưng vẫn có nhiều người mua tại sao có những sản phẩm như phái sinh lại ko được?
Ông kỳ vọng TTCK thời gian tới như thế nào?
Không một quốc gia nào phát triển nếu không có TTCK, nhu cầu vốn tại Việt Nam vô cùng lớn. Thị trường có quy mô tăng trưởng cao và đó là cơ hội cho TTCK Việt Nam. Nếu cách đây 15 năm tương lại chứng khoán còn mù mờ thì 15 năm tới tương lai còn tốt hơn nhiều.
Ông luôn ủng hộ quan điểm nới room 100%, liệu có bao giờ ông nghĩ đến trường hợp mình sẽ rút ra khỏi ngành chứng khoán chỉ tập trung phát triển nông nghiệp không?
Ai biết được tương lai ra sao nhưng trong đầu tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đấy và không có chủ trương đấy.
Xin cảm ơn ông.
Phương Mai - NDH.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.