Header Ads

Ngành Dịch vụ tài chính - Kỳ vọng vào một số sản phẩm mới và nâng hạng thị trường giúp giao dịch khởi sắc hơn

Ngành Dịch vụ tài chính, Chứng khoán SSI, SSI Vietnam
NGÀNH DỊCH VỤ TÀI CHÍNH CHỨNG KHOÁN
Kỳ vọng vào một số sản phẩm mới như Chứng quyền có bảo đảm (CW), Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ và câu chuyện nâng hạng được kỳ vọng giúp thị trường giao dịch khởi sắc hơn.

Thị trường bùng nổ trong năm 2018 đã đặt ra thách thức lớn về tăng trưởng cho ngành Dịch vụ tài chính trong năm nay. Trong Q1/2019, VN-Index phục hồi tăng +9,9% so với cuối năm 2018, thấp hơn mức tăng +19,3% của Q1/2018. Mặc dù có sự phục hồi về điểm số, thanh khoản quý này rơi về mức thấp nhất trong 8 quý, giảm -45% yoy trong tương quan so sánh với mức đỉnh của Q1/2018.
Thị trường khó khăn gây sức ép lên các CTCK phải tăng sức cạnh tranh bằng cách tăng vốn, đưa ra sản phẩm mới, cải thiện hạ tầng công nghệ và cung cấp các giải pháp hỗ trợ thông minh. Bên cạnh đó, từ ngày 15/2, Bộ Tài chính đã bỏ mức sàn 0,15% phí môi giới chứng khoán cho phép các công ty cạnh tranh về giá, kéo theo nhiều thay đổi trong hoạt động của ngành.

Tổng doanh thu toàn ngành giảm -22,3% so với Q1/2018, chủ yếu do doanh thu hoạt động môi giới giảm -49,7% trong khi các hoạt động chính khác giảm nhẹ hơn. Chi phí hoạt động kinh doanh cũng giảm tương ứng -27%, tuy nhiên chi phí tài chính (+22,6%) và chi phí quản lý (+19,2%) đều tăng khiến LNST toàn ngành giảm mạnh -35,3% so với cùng kỳ.

Ngành Dịch vụ tài chính - Kỳ vọng vào một số sản phẩm mới và nâng hạng thị trường giúp giao dịch khởi sắc hơn

Hoạt động môi giới chịu nhiều ảnh hưởng nhất trong bối cảnh thị trường trầm lắng. Tổng doanh thu từ hoạt động này giảm -49,7% yoy, riêng Top 20 CTCK giảm -52%. Tổng giá trị giao dịch thị trường cơ sở giảm -45,4%, trong khi giao dịch phái sinh tăng gấp 4 lần cùng kỳ. Hơn nữa, phí môi giới có xu hướng giảm sau quyết định bỏ mức sàn của Bộ Tài chính đã kéo doanh thu mảng này giảm nhanh hơn. Tỷ lệ Doanh thu môi giới/ tổng giá trị giao dịch thị trường giảm từ 0,39% trong năm 2018 xuống 0,36% trong Q1/2019. Trong khi đó, chi phí mảng này chỉ giảm -22,8% khiến LNTT giảm mạnh -78,4% đạt 215 tỷ đồng. LNTT mảng này của các CTCK đều giảm mạnh như SSI -85%, HCM -74%, VCI -91%, VND -37%, một số còn chuyển từ lãi sang lỗ như VPBS, MASC, SHS, MBS. Riêng TCBS có lãi tăng +8,7% đạt 22,1 tỷ đồng nhờ hoạt động thiên về mảng trái phiếu.

Các CTCK duy trì hoạt động cho vay với tổng giá trị các khoản cho vay và phải thu đạt 50.5 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, riêng các khoản cho vay margin đạt 48,5 nghìn tỷ đồng. Ngoại trừ SSI, VCI, VND, SHS có dư nợ cho vay margin giảm nhẹ, phần lớn các CTCK đều tăng cho vay margin so với cuối năm 2018, đang chú ý, MASC tăng 1.077 tỷ đồng, HCM tăng 602 tỷ đồng, MSI tăng 736 tỷ đồng. 5 CTCK có dư nợ cho vay margin lớn nhất là SSI (5.841 tỷ), MASC (4.498 tỷ), HCM (3.745 tỷ), MBS (2.467 tỷ), VND (2.445 tỷ). Hoạt động này mang về khoản lãi 1.295 tỷ đồng cho các CTCK, giảm nhẹ -4,4% yoy. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, đây trở thành nguồn thu ổn định và lớn nhất của các CTCK, chiếm 66% tổng LNTT.

Hoạt động đầu tư được các CTCK đẩy mạnh với tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính tăng +4,5% so với cuối năm 2018 đạt 103,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chứng khoán kinh doanh FVTPL tăng +7,7%, AFS tăng +9,7% trong khi các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn HTM giảm -4,1%. So với cùng kỳ năm 2018, cơ cấu các khoản mục đầu tư không thay đổi nhiều. Lãi ròng từ các khoản đầu tư tài chính đạt 1.597 tỷ đồng, giảm nhẹ -6% so với Q1/201, là kết quả khá tích cực khi VN-Index chỉ tăng 9,9% trong Q1/2019 so với mức tăng 19,3% trong Q1/2018. Một số công ty đạt tăng trưởng tốt như VND +97%, VPBS +50%, VCI +46%, ngược lại HCM -75%, SHS -38%, riêng MBS chuyển từ lãi 76 tỷ thành lỗ 27 tỷ đồng.

Hoạt động tư vấn tài chính khá mờ nhạt với tổng doanh thu chỉ đạt 120 tỷ đồng, -12,2% yoy. Trong đó, riêng VPBS chiếm gần 50% với doanh thu đạt 57,15 tỷ đồng cùng một vài công ty có hoạt động đáng kể như SSI, MBS, TVS với doanh thu từ 8 – 15 tỷ đồng. Mảng này mang về 52.3 tỷ lãi cho các CTCK, riêng VPBS lãi 55,6 tỷ, SSI, MBS, TVS lãi khiêm tốn còn các CTCK khác phần lớn chịu lỗ.

Chi phí tài chính tăng 22.6% đạt 636 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 19,2% lên 694 tỷ đồng khiến tổng LNST của các CTCK giảm 35,3% xuống mức 1.579 tỷ đồng. Tỷ suất LNST giảm từ mức 36,9% xuống 30,7%. VCI vươn lên trở thành CTCK có LNST lớn nhất với 202,5 tỷ đồng, nhờ kết quả đầu tư tài chính tích cực bên cạnh việc tiết giảm các khoản chi phí quản lý, chi phí tài chính, tuy vậy LNST của VCI vẫn giảm -39% yoy. TCBS đạt tăng trưởng ấn tượng +128% đạt 168,8 tỷ đồng LNST nhờ lãi từ hoạt động đầu tư tăng 180%. Sau khi tăng vốn điều lệ gấp 5 lần, MSI đạt tăng trưởng +92% nhưng vẫn còn khá khiêm tốn với LNST 20 tỷ đồng. MASC và VPBS cũng tăng vốn điều lệ gấp hơn 2 lần trong năm vừa qua nhưng kết quả chưa được phản ánh vào lợi nhuận. Còn lại phần lớn các CTCK đều có tăng trưởng âm như SSI -52%, HCM -75%, VND -36%, SHS -56%, VPBS -30%.

Áp lực tăng trưởng trong Q2 sẽ giảm bớt do TTCK bắt đầu sụt giảm từ Q2/2018. Kỳ vọng vào một số sản phẩm mới như Chứng quyền có bảo đảm (CW), Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ và câu chuyện nâng hạng được kỳ vọng giúp thị trường giao dịch khởi sắc hơn. Tuy vậy, tâm lý nhà đâu tư vẫn yếu khi rủi ro từ bên ngoài còn rất lớn ảnh hưởng tới dòng tiền vào thị trường. 

Ngành Dịch vụ tài chính
Dương Trọng Vinh

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.