Header Ads

Làm gì với tiền thời Covid-19?

(TBKTSG) - Đây là câu hỏi tôi nhận được rất nhiều trong những ngày gần đây. Số là vì tôi hay viết bài trên báo và Facebook của mình về chuyện tiền tệ, cổ phiếu. Nay khi dịch bệnh xảy ra, giá cổ phiếu của thị trường toàn cầu rớt mạnh, giá vàng thì “đỏng đảnh”, người ta quan tâm sức khỏe nhưng cũng quan tâm túi tiền của mình. Thế là nhiều người quay sang hỏi tôi có tiền nên làm gì?
Làm gì với tiền thời Covid-19?
Ảnh: THÀNH HOA
Cổ phiếu, nhà đất hay vàng?
Đầu tiên là rất nhiều bạn bè cùng trang lứa và những anh chị lớn hơn tôi một chút. Họ quan tâm tới cổ phiếu và bất động sản, đơn giản vì họ cũng thỉnh thoảng mua bán những thứ đó. Nay thị trường cổ phiếu Mỹ đã giảm mạnh, chẳng hạn như chỉ số S&P 500 giảm hơn 28%.
Thị trường cổ phiếu Việt Nam cũng giảm khoảng 26% nếu tính theo chỉ số VN-Index theo dữ liệu từ Bloomberg. Nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh hơn nhiều so với thị trường, có những cổ phiếu Mỹ mà tôi quan sát giảm hơn 87%, còn ở Việt Nam thì nhiều cổ phiếu cũng giảm 60-70%. Chỉ số P/E và P/B đều ở mức rất thấp trong lịch sử 10 năm trở lại đây.
Trải qua đợt khủng hoảng 2007-2009, họ nhận ra rằng đây là cơ hội 10 năm có một mà những người đang nắm giữ tiền mặt, có thu nhập tốt cần phải tận dụng để kiếm tiền. Phần lớn những người này là người làm trong các công ty lớn trong và ngoài nước, có thu nhập cao, có kiến thức chung về kinh tế, dù có người chưa hề mua cổ phiếu, không biết làm sao để mở tài khoản cổ phiếu.
Còn dân mua bán cổ phiếu thì không cần nói, nhiều người nếu không bị “kẹt” lại thị trường thì đã chuẩn bị tiền mặt để tận dụng cơ hội quá tốt này.
Hãy chọn kênh đầu tư nào mà bạn hiểu biết nhiều nhất, đừng nên nhảy vào một kênh đầu tư chỉ vì tài sản đó đã giảm nhiều và được cho là sẽ tăng nhanh trở lại.
Ở một góc nhìn khác, nhiều người quan tâm tới thị trường nhà đất hơn. Bất chấp nỗi lo một số dự án bất động sản, căn hộ, thậm chí nhà phố sẽ đóng băng sau năm 2019 với nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp, kiện tụng hay “vỡ trận” condotel, một người bạn làm trong lĩnh vực bất động sản nhắn tôi “quan sát thị trường đất nền nha anh”. Rõ ràng, một kênh đầu tư truyền thống vẫn đang thu hút sự chú ý của người có tiền.
Những người ở tuổi ba mẹ tôi thì từ chối tham gia vào cuộc chơi cổ phiếu - nơi mà một người nhà tôi bảo là “không thể tin được công ty niêm yết, toàn báo cáo không đúng sự thật”. Định kiến của lớp người đầu tư lớn tuổi là vậy, mà một phần là không sai, khi thỉnh thoảng vẫn có những công ty báo lãi thành lỗ hoặc thực hiện những lựa chọn kế toán mà dân đầu tư chứng khoán đều lắc đầu. Những chỉ trích về vài công ty “bán giấy lấy tiền tỉ” không phải là vô căn cứ.
Với họ, mua đất, mua nhà mới là kênh đầu tư chính. Mà thị trường bất động sản công nghiệp và đất nền thì đều đang có “sóng” với những dự đoán về chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sau dịch Covid-19. Trong đó, Việt Nam được xem là điểm đến phù hợp.
Cuối cùng, vàng luôn là lựa chọn của nhiều người dân châu Á, vì tiền ít, tiền nhiều họ đều có thể mua vàng. Tuy đầu cơ vàng đã trở nên khó “kiếm ăn” hơn trước do nhiều can thiệp của Chính phủ trong mấy năm gần đây đối với thị trường vàng, đây vẫn là kênh đầu tư được nhiều người dân quan tâm.
Dù vậy, thị trường vàng trong nước giờ đây đã rất tách biệt so với thị trường vàng quốc tế, và lướt sóng giá vàng giờ đã khó hơn nhiều, nhất là khi giá vàng trong nước đã cao hơn quốc tế gần 5 triệu đồng/lượng. Vàng vẫn sẽ là một phương tiện tích trữ tài sản an toàn, nhưng không phải là một thứ có thể “lướt” và kiếm lợi dễ dàng nữa. Nó không phải là lựa chọn yêu thích của tôi vào lúc này như một kênh đầu tư dài hạn, nhưng với nhiều người, đó vẫn là lựa chọn truyền thống của họ.
Bỏ tiền vào nơi bạn hiểu rõ
Tóm lại, đến lúc này, tôi vẫn chưa trả lời câu hỏi có tiền nên làm gì. Nhưng có lẽ mọi người tìm kiếm một góc nhìn để tham khảo, có thể cùng quan điểm để giúp yên tâm hơn với lựa chọn của mình, hoặc khác quan điểm để cảnh báo về những gì mình đang bỏ qua.
Trước tiên, tôi nghĩ hãy chọn kênh đầu tư nào mà bạn hiểu biết nhiều nhất, đừng nên nhảy vào một kênh đầu tư chỉ vì tài sản đó đã giảm nhiều và được cho là sẽ tăng nhanh trở lại. Cổ phiếu rớt 50% vẫn có thể rớt thêm 50% nữa. Đó là bài học mà nhiều người phải trả học phí khá đắt khi nhảy vào thị trường cổ phiếu “bắt dao rơi” khi chỉ số VN-Index giảm từ trên 900 về 500 điểm trong năm 2008. Mấy tháng sau đó, nó chỉ còn xung quanh 300 điểm.
Hiện tại, tôi quan tâm chủ yếu đến thị trường cổ phiếu, vì nó liên quan đến chuyên môn của tôi và cũng là kênh đầu tư chủ yếu của tôi trong hơn 10 năm qua. Nhưng bạn tôi thì chỉ đầu tư cổ phiếu “cho vui”, tiền của bạn đến chủ yếu từ đất nền. Một người khác trong gia đình tôi thì chuyên về bất động sản công nghiệp. Vậy ai giỏi gì thì làm đó, cơ hội từ dịch Covid-19 chắc chắn chia đều cho nhiều lĩnh vực, và đây không phải lúc bước ra khỏi lĩnh vực sở trường của mình.
Hai ẩn số: đáy của nền kinh tế thực và rủi ro khủng hoảng nợ
Tôi chỉ xin nói thêm về hai vấn đề mà tôi, với tư cách là một người cũng đang lựa chọn nơi đầu tư tiền của mình, quan tâm. Đó là khi nào nền kinh tế thực về đến đáy và rủi ro vỡ nợ.
Bởi vì dù là cổ phiếu, vàng, ngoại tệ, hay đất, xác định thời điểm kinh tế về đến đáy và những rủi ro vỡ nợ chưa hiển thị hết ở thời điểm hiện tại mới có thể giúp xác định được thời điểm đầu tư hợp lý. Ví dụ, nếu đáy nền kinh tế thực là cuối quí 2 thì nhiều người sẽ giải ngân tiền vào cổ phiếu ở trước thời điểm đó vì thị trường cổ phiếu thường “chạy” trước tin vĩ mô.
Trước tiên, nói về đáy của nền kinh tế thực. Nó lại sẽ được quyết định bởi đỉnh của dịch Covid-19. Theo ước tính của một nghiên cứu từ trường Đại học Imperial College của Anh, đỉnh dịch ở Anh có thể nằm ở trong tháng 5, và tương tự là với một số nước châu Âu. Mỹ có thể trễ hơn một chút, nhưng nhiều khả năng là vẫn trong quí 2.
Báo cáo điều chỉnh gần đây của Goldman Sachs dự đoán GDP quí 1 của kinh tế Mỹ sẽ sụt giảm khoảng 6% và sụt giảm cực mạnh khoảng 24% trong quí 2-2020. Theo sau đó là hai đợt hồi phục nhanh, tăng 12% và 10% trong quí 3 và quí 4-2020.
Rủi ro vỡ nợ mới đáng lo
Có một thứ khiến tôi lo ngại hơn. Đó là rủi ro vỡ nợ. Trước tiên, dễ thấy hơn hết là các công ty hàng không, dịch vụ lữ hành và khu vui chơi, mua sắm, giải trí đang bị đóng băng trên phạm vi toàn cầu do chiến lược hạn chế tiếp xúc xã hội đang được áp dụng ở hầu hết các nước. Nhưng khi các nước này mạnh tay hơn, hủy bỏ lễ hội, đóng cửa biên giới, và yêu cầu người dân chỉ ra đường khi thật cần thiết, cả nền kinh tế của họ đều đóng băng, dù ở cấp độ khác nhau.
Lúc này thì không chỉ là chuyện của hàng không và các rạp chiếu phim hay trung tâm thương mại nữa. Lĩnh vực sản xuất cũng bị ảnh hưởng. Cuộc chiến giá dầu cũng góp phần đẩy nhiều công ty dầu đá phiến của Mỹ, vốn vay nợ lớn, vào rủi ro vỡ nợ.
Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng quay đó, thậm chí còn đặc biệt dễ tổn thương vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và phụ thuộc vào xuất khẩu. Khi mà các khách hàng xuất khẩu lớn “ngủ đông”, còn trong nước lại phải tiến hành cách ly diện rộng, rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp trong nền kinh tế là rõ ràng.
Hi vọng vào chính phủ
Tình trạng vỡ nợ này chỉ có thể được giải quyết nếu Chính phủ thật sự can thiệp trực tiếp qua giảm thuế, cấp tín dụng khẩn cấp, hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động phải nghỉ tạm thời hay thậm chí là mua lại trái phiếu của một số công ty.
Với ngành hàng không quốc tế, đã có những kêu gọi quốc hữu hóa một số công ty hàng không lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có một số biện pháp để khuyến khích ngân hàng giãn nợ, tái cấu trúc nợ và tăng cường cho vay ra nền kinh tế, đặc biệt là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nói đơn giản, nếu muốn có một cuộc hồi phục vào quí 3 và 4 khi đỉnh dịch đi qua, doanh nghiệp không thể “chết” trong quí 2. Đó là một lý lẽ vô cùng đơn giản nhưng với nhiều nước, đây là vấn đề có tính chính trị. Doanh nghiệp nào sẽ được hỗ trợ, ai sẽ được cứu? Nợ công sẽ tăng nhưng ai dám cho phép tăng nợ công?
Ở một nền kinh tế có tính kỷ luật ngân sách cao như Đức, chính phủ vừa quyết định phát hành một khoản trái phiếu hơn 150 tỉ euro, hành động được xem là “xé rào” với chính sách tài khóa cực kỳ kỷ luật của nước này.
Nếu ngày càng nhiều nước dám tăng vay nợ, chi ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp và người bị mất việc do dịch Covid-19, có thể một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu sẽ tránh được và tiến trình hồi phục sẽ êm đềm hơn. Nhưng đây là một chủ đề nhạy cảm với tất cả các hệ thống chính trị, do đó, tính thời điểm sẽ vô cùng quan trọng. Nếu chi tiền quá chậm do các thương lượng chính trị kéo dài, doanh nghiệp vẫn sẽ “chết”.
Đây chính là một nhân tố khiến tôi vẫn quyết định lựa chọn tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục đầu tư của mình, mặc dù đã giải ngân vào một vài cổ phiếu đã giảm giá hơn 80% và có nhà đầu tư tổ chức lớn mua vào. Đây có thể là những mục tiêu cho các thương vụ sáp nhập trong tương lai.
Ở thời điểm này, tôi vẫn cho rằng không có gì cần phải vội vã mà chiến thuật giữ tiền mặt vẫn là ưu tiên vì tôi muốn có thể nhanh chóng mua vào những tài sản rất rẻ khi mà triển vọng hồi phục kinh tế rõ ràng hơn.
Đây là cơ hội 10 năm một lần, nhưng nếu không kiên nhẫn, bạn có thể vẫn mua tài sản với giá hơi cao. Gom tài sản giá rẻ cũng phải gom một cách từ từ như trữ hàng mùa dịch vậy. Đây là một cuộc chơi cần lòng kiên nhẫn và chế ngự lòng tham cũng như nỗi sợ mất cơ hội. Nên nhớ, trước mắt có thể vẫn còn một vực sâu khủng hoảng nợ. 
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.