Header Ads

Nhiều ngân hàng sẽ lên sàn trong năm 2020

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán chịu tác động không nhỏ từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

13 ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán năm 2020, là cơ hội mua đầu tư trên thị trường OTC

Theo phân tích của SSI Research, thị trường chứng khoán tháng đầu năm trải qua hai giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn 1 là khoảng thời gian trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ số tích lũy đi lên; giai đoạn 2 giảm điểm nhanh, lấy đi toàn bộ giá trị tích lũy cả năm trước đó do ảnh hưởng của COVID-19. Nhưng ở giai đoạn nào, nhóm cổ phiếu ngân hàng đều thể hiện vai trò trụ cột đối với thị trường và là một trong những cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất.

Giai đoạn trước kỳ nghỉ lễ, có 3 nhân tố chính hỗ trợ VN-Index tăng điểm bao gồm thông tin tích cực của nhóm ngân hàng, dòng vốn khối ngoại và kết quả kinh doanh quý IV/2019. Trong nhóm ngân hàng, cổ phiếu BID, CTG, VPB tăng điểm mạnh và nằm trong top các cổ phiếu hỗ trợ lớn nhất cho VN-Index. Tổng giá trị vốn hóa của lĩnh vực ngân hàng đạt hơn 1.04 triệu tỷ đồng vào ngày 22/1, tăng 8,6% so với thời điểm cuối năm 2019.

Bước sang giai đoạn 2, là giai đoạn sau tết, thị trường giảm mạnh do tác động từ COVID-19 nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ được sự ổn định như STB tăng tới 11,2% so với tuần trước và tăng 8,57% so với cùng kỳ tháng trước. Tương tự, VPB còn tăng trưởng 6% so với tuần trước, và tăng tới hơn 22% so với cùng kỳ tháng trước... 

Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn khó khăn vừa qua được ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Trung tâm phân tích CTCK PSI nhận định là do ngân hàng tăng trưởng tốt. Năm 2019, ngân hàng thuộc top 4 nhóm ngành cơ bản có kết quả kinh doanh tốt nhất. Hoạt động ngân hàng được chấn chỉnh mạnh mẽ, quyết liệt hơn từ phía Chính phủ cũng như NHNN.

Ngân hàng cũng là một trong số ít lĩnh vực được các nhà đầu tư ngoại quan tâm như BIDV đã tìm được cổ đông chiến lược lớn đến từ ngân hàng của Hàn Quốc, hay như ngân hàng quy mô nhỏ hơn như PvCombank, OCB... cũng đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Chưa kể câu chuyện giảm tỷ lệ sở hữu chéo được triển khai quyết liệt trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II.

Tất cả điều này tạo sức hấp dẫn hơn cho nhóm cổ phiếu ngân hàng và thể hiện qua việc giá cổ phiếu tăng, thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư tham gia đầu tư và là điểm sáng đầu tư từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, liệu đây là thời điểm phù hợp để các ngân hàng thực hiện lên sàn. Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, đến hết năm 2020, toàn bộ các NHTM sẽ phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức (sàn UPCoM). Tuy nhiên, theo thống kê đến thời điểm hiện tại mới có 17 trong tổng số 31 NHTM tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên cả ba sàn giao dịch chứng khoán.

Ngoại trừ DongABank nằm trong diện kiểm soát đặc biệt, cổ phiếu bị cấm chuyển nhượng thì theo đề án trên, 13 ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Đó là, ABBank, BaoVietBank, MSB, Nam A Bank, OCB, PGBank, PVcomBank, Saigonbank, SeABank, SCB, VietABank, Kienlongbank và VietCapital Bank. Trong nhóm này, MSB tiên phong đưa cổ phiếu lên sàn. MSB đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE).

OCB cũng đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, trong năm 2020, OCB sẽ lên sàn; nhưng có thể vào giai đoạn cuối quý III hoặc sang quý IV/2020. Hiện tại, ngân hàng đang ưu tiên việc hoàn tất bán cổ phần cho các cổ đông nước ngoài.

“Đây là những cổ đông lớn đầu tư dài hạn. Thời điểm hiện giá, thị trường chứng khoán thuận lợi như giá bán cũng sẽ tốt hơn. Ngân hàng dự kiến giá bán cổ phần cho cổ đông trên khá cao nên ngân hàng sẽ ưu tiên thực hiện trước. Hồ sơ thủ tục ngân hàng đã trình lên NHNN. Dự kiến, cổ đông nước ngoài sẽ sở hữu khoảng 25% cổ phần của OCB”, ông Tùng tiết lộ và khẳng định, trong năm 2020, chắc chắn OCB không lỡ hẹn lên sàn.

Thời điểm sau này ngân hàng lên sàn, nếu thị trường thuận lợi là điều tốt cho ngân hàng. Nhưng dù không thực sự thuận lợi, ngân hàng vẫn thực hiện niêm yết lên sàn. Vì ngân hàng xác định đây là mục tiêu lâu dài nhằm tăng sự minh bạch, thanh khoản của cổ phiếu để dễ gọi vốn đầu tư hơn. Và đối với ngân hàng quan trọng nhất là tăng trưởng và hoạt động an toàn phục vụ khách hàng tốt nhất, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho cổ đông.

Tựu chung lại là năm 2020, các ngân hàng buộc phải lên sàn và khả năng thành công là khá sáng, song thời điểm nào, theo ông Khánh tùy vào kế hoạch chiến lược của từng ngân hàng. Có thể là quý II, nhưng thường các ngân hàng chọn quý III, IV là thời điểm lên sàn, ít có ngân hàng nào thực hiện lên sàn vào quý I.

“Đồng ý là thời điểm này giá cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết khá khởi sắc, là điểm sáng thị trường. Tuy nhiên đối với nhiều DN họ phải đợi thị trường tốt, chứ không chỉ vì một vài cổ phiếu riêng lẻ. DN niêm yết còn phụ thuộc vào nhà tư vấn, nhà đầu tư, cổ đông chiến lược, cổ đông lớn sẵn sàng giải ngân mua cổ phiếu khi họ thực hiện niêm yết… Do vậy, thời điểm hiện tại chưa phải là thời điểm phù hợp để các ngân hàng lên sàn”, ông Khánh nhận định thêm. 

Đánh giá tiềm năng cổ phiếu ngân hàng khá tích cực nhưng, theo ông Khánh, giá cổ phiếu ngân hàng lên sàn dù có hưởng lợi từ thị trường chứng khoán thì cũng có sự phân hóa. Không phải ngân hàng nào lên sàn cũng được giá tốt. Giá cổ phiếu ngân hàng tùy thuộc vào triển vọng, chất lượng tài sản của từng ngân hàng. “Đối với ngân hàng tốt thì giá cổ phiếu vẫn được giá, nhưng ngân hàng yếu hơn, không hấp dẫn được nhà đầu tư  thì giá sẽ không được tốt”, vị này lưu ý.

Nguyễn Vũ - Thời báo Ngân hàng

https://thoibaonganhang.vn/nhieu-ngan-hang-se-len-san-trong-nam-2020-97965.html

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.