Header Ads

Danh mục đầu tư là yếu tố chiến thắng và chuỗi đầu tư OTC

(NDH) Thực tế, chúng ta đang trong một Chu kỳ “May mắn” trong đầu tư tại một quốc gia tăng trưởng mạnh và đang thu hút nhiều dòng vốn cũng như sự chú ý của Thế giới.

Các nhà đầu tư riêng lẻ đều tự hỏi mình hay những người xung quanh vì sao thị trường tăng cao nhất trong 10 năm qua, với vốn hóa từ chỉ chiếm 5% GDP vào năm 2006 đã tăng trưởng cho đến nay hơn 63% GDP vào thời điểm hiện tại, nhưng tài khoản đầu tư cá nhân vẫn không đạt mức tăng trưởng bằng thị trường hay phổ biến hơn là vẫn đang âm.
Xem xét dữ liệu lớn hơn từ những nhà quản lý tiền chuyên nghiệp, chúng ta sẽ thấy rằng các quỹ đang đạt mức lợi nhuận vượt trội thị trường cho dù họ thuộc loại quản lý chủ động hay bị động (ETFs):
VN-Index từ đầu năm đến nay tăng 24,68%. Trong khi đó, Quỹ VFMVF1 tăng trưởng 25,41%. Quỹ VFMVF4 tăng 27,14%. VEIL (Dragon Capital) tăng 38,55% (tính theo USD). VEF (Dragon Capital) tăng 25,14%. VOF (Vinacapital) tăng 16,15% (tính theo USD). VEOF ( Vinacapital) tăng 13,3%. SSISCA tăng 22,91%. Quỹ ETF (E1VFVN30): tăng 35,36%.
Động thái gần nhất tuần qua: khối ngoại mua mạnh chứng chỉ quỹ E1VFN30 chuyên bám sát chỉ số VN30 do VFM phát hành với giá trị mua ròng là hơn 230 tỷ.
Câu trả lời có phần nào sáng tỏ hơn khi xem xét chi tiết vào các thành phần Top 10 nắm giữ của các quỹ lớn nhất, họ nắm giữ :
- Hơn 50% là cổ phiếu vốn hóa lớn, tăng trưởng như: MWG, VNM, ACB, MBB, FPT, VJC, ACV, HPG, VNM, VPB
- Cổ phiếu thuộc ngành: Ngân hàng (ACB, MBB, VPB, MBB) và Tiêu dùng (MWG,VJC,FPT)
Như vậy, các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp, họ tin tưởng rằng nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng GDP phù hợp với mục tiêu của Chính phủ cùng sẽ giúp thị trường chứng khoán khởi sắc do vậy, những cổ phiếu vốn hóa lớn bao gồm Ngân hàng, Tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhất trong khi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.
Đúng như vậy, thực tế, chúng ta đang trong một Chu kỳ “May mắn” trong đầu tư tại một quốc gia tăng trưởng mạnh và đang thu hút nhiều dòng vốn cũng như sự chú ý của Thế giới:

1) Kinh tế ổn định và đang tăng trưởng: GDP dự báo vượt mục tiêu của chính phủ năm nay hơn 6,7%, tiền Đồng và Lạm phát tiếp tục ổn định đồng thời chính phủ chuyển dịch sự tập trung sang khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển.

2) Thực thi việc cổ phần hóa lần đầu ra công chúng (IPO) các doanh nghiệp nhà nước: đã đạt được 34/44 công ty theo kế hoạch IPO, mục tiêu năm 2018 là 64 công ty, 2019 là 18 công ty, trong đó có những Tổng công ty lớn: Mobifone, TCT Giấy Việt Nam, Vinacafe, VN Post..

3) Quá trình nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn MSCI đang diễn ra:
Các tổ chức phân hạng thị trường và đánh giá thị trường như MSCI, Pitch Ratings.. đang nghiên cứu thị trường Việt Nam để chuẩn bị cho bước tiến nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên (FM) lên Thị trường mới nổi (EM). Điểm sơ lược về MSCI như sau:
Tổng số tài sản mà các nhà quản lý quỹ chủ động và bị động bám sát theo chỉ số MSCI vào cuối năm 2016 là hơn 11 ngàn tỷ USD trong đó chỉ có 14 tỷ USD bám sát chỉ số Frontier Market, điều này có nghĩa, số tiền đầu tư vào các quốc gia cận biên đang rất nhỏ nhoi so với khu vực thị trường phát triển và thị trường mới nổi.

Khu vực ASEAN, duy nhất Việt Nam đang tiến đến đáp ứng những tiêu chuẩn nâng hạng của thị trường EM vào năm 2019. Hiện tại đang có Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailands.

4) Các sản phẩm tài chính mở rộng giúp nhiều thành phần hơn gia nhập thị trường: Phái sinh (Covered Warrants), thị trường Trái phiếu tương lai..

5) Tiêu dùng tăng trưởng mạnh và tiếp tục duy trì tốc độ này:
Cơ cấu dịch chuyển chi tiêu nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh ở khu vực nông thôn đang là yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này.

Những yếu tố “mềm” khác:
1) Thế giới đang chú ý đến Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam từ 6-11/11. APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương tham dự với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị. Liên minh APEC đại diện cho 39% dân số thế giới, 57% GDP toàn cầu và 47% thương mại thế giới. Điều này sẽ làm cho giới đầu tư tài chính thế giới sẽ được hiểu biết hơn về Việt Nam thông qua truyền thông cũng như các doanh nghiệp đại diện của từng quốc gia tham dự diễn đàn này. Sự kiện này gợi nhớ đến thời kỳ trước khi Thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ vào năm 2006 khi tổng thống Bush thăm Việt Nam, lần này chúng ta có Trump và Putin đại diện cho hai cường quốc của thế giới đều tham dự.
2) Một trong những ý tưởng cuối cùng bài phát biểu của đại diện ngân hàng Quốc Tế IFC, ngài Kyle F. Kelhofer tại SSI Gateway 2017 về cơ hội của Việt Nam đó chính là các doanh nghiệp Việt Nam còn đang rất trẻ vì vậy đây đang là cơ hội mua cho các nhà đầu tư toàn cầu theo ngành và tài chính (Business is “young”: buying early). Thực vậy, Việt Nam gia nhập WTO vào cuối năm 2006, từ đó các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu có tiền đề để phát triển nên tuổi trung bình của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK trung bình quanh 10 tuổi, rất mới để các công ty toàn cầu thâu tóm nhằm phát triển thị trường có dân số 100 triệu dân.
Những yếu tố trên sẽ làm cho Nhà đầu tư cá nhân phải trở nên tích cực hơn nếu muốn thu được lợi nhuận trên thị trường chứng khoán:
- Họ phải cạnh tranh với các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp, có lợi thế về thông tin, chính sách, tiếp cận doanh nghiệp cũng như làm việc trực tiếp với dòng tiền đầu tư lớn.
- Họ phải xây dựng danh mục đầu tư phù hợp với từng giai đoạn của thị trường tương tự như các tiếp cận của các quỹ. Phân bổ vào các ngành được ưa chuộng vào thời điểm vốn hóa thị trường mở rộng là ngành Ngân hàng, Tiêu dùng và các ngành liên quan đến số hóa. Không chỉ đầu tư vào một, hai mã có “thông tin riêng” mà chỉ giới hạn một số tiền nhất định còn lại phải tuân thủ chiến lược đầu tư phù hợp với mình
- Linh hoạt hơn trong cách tiếp cận thị trường: không chỉ đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, nhà đầu tư phải tiếp cận với một chuỗi đầu tư (như bên dưới) thì mới tạo ra được lợi nhuận cho danh mục đầu tư.
Công ty phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) --> Cổ phiếu giao dịch OTC --> Book Bulding – giai đoạn trước niêm yết --> Niêm yết.
Các cổ phiếu OTC tiềm năng trong giai đoạn này là: VincomRetail, HDBank, TienPhongBank, Techcombank…

Suy nghĩ sau cùng:
Bán đồng USD, Mua ETF
Với luận cứ rằng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp sẽ vào mạnh thị trường Việt Nam trong quá trình trước khi nâng hạng cùng với dự trữ USD tăng cao mức kỷ lục lên đến 42 tỷ USD ( theo NHNN ngày 3/7) thì đồng USD sẽ tiếp tục ổn định trong năm tiếp theo, trong khi thị trường chứng khoán hưởng lợi từ làn sóng này. Mua quỹ mô phỏng chỉ số là hành động hợp lý để kiếm lợi tức. Hiện tại đang có 2 ETF bám sát chỉ số thị trường là E1VFVN30 của quỹ VFM và FUESSV50 ETF của SSI Asset Management bám sát chỉ số VNX50.
Tác giả bài viết:
Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6
CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.