Header Ads

'Thoái vốn đang chậm kế hoạch nhưng không thể vội mà mất hiệu quả'

Thoái vốn, đấu giá, IPO
Vừa qua, thương vụ bán 57,71% vốn Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex) của SCIC đấu giá thành công, với giá trị trúng thầu gần 7.400 tỷ đồng, vượt kỳ vọng ban đầu gần 2.000 tỷ đồng. Con số này chỉ kém đợt thoái vốn tại Vinamilk (hơn 9.000 tỷ đồng), Sabeco (110.000 tỷ đồng) và vượt xa so với kết quả đấu giá cổ phần Vinaconex năm 2017.
Bên lề buổi đấu giá, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC chia sẻ, để đạt được kết quả này, SCIC đã kết hợp với các bên tư vấn, rút kinh nghiệm từ đợt đấu giá trước và thay đổi phương thức đấu giá.
Thoái vốn đang chậm kế hoạch nhưng không thể vội mà mất hiệu quả - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC
Theo ông Thành, một số ý kiến cho rằng nên bán từng lượng nhỏ để thị trường hấp thụ, tuy nhiên phương thức này không hiệu quả. Bán trọn lô với lượng lớn cổ phần (trên 51%) sẽ thu hút nhà đầu tư hơn khi họ có thể đảm bảo quyền chi phối doanh nghiệp và tham gia vào quá trình kiểm soát quản trị.
Ông Thành cũng cho rằng, không có công thức thành công trong thoái vốn tại các doanh nghiệp. Mỗi đơn vị cần lựa chọn cách thức phù hợp. Hơn 12 năm hoạt động, SCIC đã quản lý và bán vốn tại 900 doanh nghiệp, mỗi lần đều tùy thuộc vào thị trường, bán thăm dò để chọn phương án tốt nhất tối đa hóa giá trị cho Nhà nước.
Thoái vốn đang chậm kế hoạch nhưng không thể vội mà mất hiệu quả
Liên quan đến tiến trình thoái vốn Nhà nước thời gian qua, ông Thành cho biết, SCIC đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát kiểm tra lại. SCIC mong muốn các đơn vị đẩy nhanh bàn giao vốn về Tổng công ty. Với những kinh nghiệm từ đợt thoái vốn vừa qua, SCIC tự tin có thể thực hiện việc bán vốn với hiệu quả cao. Thực tế, kết quả mà SCIC mang lại trong những đợt thoái vốn đều cao hơn mức trung bình của thị trường, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách.
Báo cáo của Bộ Tài chính đề cập, bán vốn và cổ phần hóa có thể không đạt mục tiêu 2018. Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ít nhất 85 doanh nghiệp phải được cổ phần hóa, trong đó TP HCM phải thực hiện 39 đơn vị, Hà Nội 14 đơn vị. Tuy nhiên sau 9 tháng, cả hai thành phố này đều chưa triển khai được doanh nghiệp nào.
Với hoạt động thoái vốn, theo kế hoạch, năm 2017 sẽ thoái vốn Nhà nước tại 135 doanh nghiệp và năm 2018 là 181 đơn vị. Tuy nhiên, đến nay chỉ thực hiện được 31 đơn vị gồm 13 đơn vị trong năm trước và 18 đơn vị trong năm nay.
Thoái vốn đang chậm kế hoạch nhưng không thể vội mà mất hiệu quả - Ảnh 2.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tiến độ thoái vốn cổ phần hóa và bán vốn còn chậm do nhiều nguyên nhân trong đó có việc một số Bộ, ngành địa phương, tập đoàn… chưa thực sự nghiêm túc triển khai. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần vướng khâu về định giá tài sản và xác định quyền sở hữu đất nhất là những vị trí đắc địa. Vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất do UBND địa phương thực hiện chậm kéo dài thời gian.
Mặt khác, ông Tiến cũng cho rằng, dù việc thoái vốn đang chậm kế hoạch nhưng cũng không thể đẩy nhanh bằng mọi giá mà cần phải đạt được hiệu quả. Nguồn thu từ thoái vốn về mà không dùng sẽ lãng phí nguồn lực.
“Như trường hợp ta thoái vốn để làm sân bay Long Thành là tốt, nhưng nếu không làm Long Thành mà thoái vốn rồi để đấy thì không ổn, đấy là một trong những bài toán về việc sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước. Không phải cứ thoái là tốt”, ông Tiến cho biết.
Năm 2017 SCIC thoái vốn tại Sabeco là rất tốt, đóng góp được rất nhiều cho ngân sách nhưng ở thời điểm hiện tại cần cân nhắc để đạt được hiệu quả tốt nhất cho vốn Nhà nước. “Lộ trình thoái vốn phải đưa ra thì mới thực hiện được, nhưng một khi thực hiện thì phải hiệu quả”, ông Tiến chia sẻ. Một số đợt bán vốn gần đây trên thị trường đều được kiểm soát chặt và thu được kết quả cao hơn giá trị sổ sách của doanh nghiệp.
Theo Lê Hải
 Người đồng hành

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.