Header Ads

Chứng khoán hậu covid-19 và triển vọng các ngành. Cổ phiếu cần quan tâm!

Trong 3 tháng vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ có thể so sánh với khủng hoảng kinh tế năm 2007-2008. Thị trường chứng khoán đang phản ánh kịch bản tiêu cực cho nền kinh tế Việt Nam 2020 khi mà dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nhìn lại lịch sử, cứ khoảng 10-12 năm một lần, một đợt suy thoái hoặc khủng hoảng lại xảy ra, nó là một điều tất yếu trong một chu kỳ lặp lại không thể tránh khỏi và dịch Covid-19 chỉ là tác nhân hay sự kiện để kích hoạt cho khủng hoảng mà thôi. Với niềm tin rằng dịch bệnh rồi sẽ hết, thế giới rồi sẽ bình ổn trở lại, em xin gửi đến Quý nhà đầu tư series bài viết: 

CHỨNG KHOÁN HẬU COVID-19 VÀ TRIỂN VỌNG CÁC NGÀNH
Bao gồm 2 phần:
I/ Nhận định diễn biến thị trường trong giai đoạn tháng 4/2020
II/ Phân tích các nhóm ngành sau khi hết đại dịch Covid-19

I/ Nhận định diễn biến thị trường trong giai đoạn tháng 4/2020
Với những nhà đầu tư lướt sóng nhiều kinh nghiệm và nhạy cảm với thị trường thì cú hồi này là cơ hội để tranh thủ kiếm lời ngắn hạn vì nhiều cổ phiếu đã giảm hơn 50% so với giá trước tết âm lịch. Ngược lại với nhà đầu tư lỡ ôm cổ phiếu giá cao thì đây là cơ hội đảo hàng (mua thêm giá thấp và bán ra khi giá hồi lên) hoặc canh giá hồi lên cao bán cắt lỗ giữ tiền.
Dự báo xu hướng Vnindex
Dự báo xu hướng Vnindex
II/ Phân tích các nhóm ngành sau khi hết đại dịch Covid-19
Xin lưu ý, các nhận xét dưới đây mang tính tổng quan dài hạn do đó có thể không trùng khớp với diễn biến giá của cổ phiếu trong ngắn hạn.

STT - NGÀNH - CỔ PHIẾU ĐẠI DIỆN - DỰ BÁO SAU KHI HẾT DỊCH - PHÂN TÍCH NGÀNH

(1) HÀNG KHÔNG: HVN, VJC, ACV, AST
 Sau khi hết dịch: TÍCH CỰC
• Các doanh nghiệp ngành hàng không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lượng khách sụt giảm mạnh. Mọi tuyến bay quốc tế đều bị dừng hoạt động và tuyến bay nội địa cũng bị hạn chế.
• Tuy nhiên sau khi hết dịch, ngành hàng không được dự báo hưởng lợi nhờ giá dầu ở mức thấp, các gói kích cầu từ chính phủ và nhu cầu đi lại tăng mạnh.

(2) DU LỊCH & GIẢI TRÍ: VTR, DSN
 Sau khi hết dịch: TÍCH CỰC
• Ngành dịch vụ du lịch bị tác động rất lớn bởi lượng khách du lịch sụt giảm tại 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc. Cụ thể, trong tháng 2, lượng khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc đến Việt Nam lần lượt giảm 62% và 16%.
• Ngành du lịch được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh ngay sau khi virus bị khống chế. Bên cạnh đó hoạt động vui chơi giải trí cũng sẽ nhanh chóng phục hồi

(3) NGÂN HÀNG: VCB, BID, CTG, ACB, MBB
 Sau khi hết dịch: HỒI PHỤC CHẬM
• Để hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng (theo chỉ thị của NHNN) phải giảm lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ cộng với tăng trưởng tín dụng thấp tác động tới lợi nhuận trong ngắn hạn
• Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao trong trung và dài hạn nếu bệnh dịch kéo dài

(4) BẤT ĐỘNG SẢN: VHM, VRE, DXG, NLG, PDR, NVL
 Sau khi hết dịch: HỒI PHỤC CHẬM
• Ngành bất động sản bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhu cầu thuê văn phòng, bất động sản nghỉ dưỡng và condotel sụt giảm, nhu cầu mua nhà, căn hộ hoặc nhu cầu đầu tư BĐS cũng giảm theo
• Trong trung và dài hạn, sự dư thừa về nguồn cung bất động sản trong nhiều phân khúc có nguy cơ xảy ra. Sau dịch chủ yếu nhu cầu BĐS cho thuê sẽ hồi phục trước.

(5) CHỨNG KHOÁN: SSI, HCM, VND
 Sau khi hết dịch: HỒI PHỤC CHẬM
• Giá cổ phiếu giảm sâu trong dịch Covid-19 có thể khiến các công ty chứng khoán sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, cũng như gia tăng rủi ro trong hoạt động cho vay margin. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giá cổ phiếu được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ.
• Triển vọng ngành chứng khoán được đánh giá ở mức trung lập trong trung và dài hạn do cạnh tranh gay gắt giữa các công ty chứng khoán nội và các công ty chứng khoán ngoại, vượt trội về quy mô và tiềm lực tài chính, trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến khó lường.

(6) BẢO HIỂM: BVH, BMI
 Sau khi hết dịch: ỔN ĐỊNH 
• Doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải tăng chi phí bồi thường nếu dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu Chính Phủ duy trì thấp tác động tiêu cực đến lợi nhuận của ngành.
• Tuy nhiên trong nền kinh tế biến động, rủi ro tăng cao thì nhu cầu bảo hiểm lại được kích thích, kỳ vọng sau khi dịch qua, ngành bảo hiểm sẽ ổn định trở lại.

(7) CẢNG BIỂN: GMD
 Sau khi hết dịch: TÍCH CỰC 
• Các hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc bị ảnh hưởng tiêu cực do tiêu dùng chậm lại
• Triển vọng ngành cảng biển được đánh giá tiêu cực do cung vượt cầu và nhu cầu hoạt động thương mại trên toàn thế giới giảm.

(8) KHU CÔNG NGHIỆP: NTC, SIP, BCM, KBC
 Sau khi hết dịch: TÍCH CỰC 
• Dịch bệnh làm giao thương toàn cầu ngưng trệ nên ngắn hạn các khu công nghiệp bị ảnh hưởng do it khách thuê mới.
• Tuy nhiên sau dịch bệnh xu hướng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp ra ngoài Trung Quốc theo hướng phi tập trung sẽ càng được đẩy mạnh trong đó Việt Nam, Ấn Độ, … sẽ là những nước được hưởng lợi nhờ làn sóng này.

(9) CAO SU: PHR, DPR, GVR
 Sau khi hết dịch: TIÊU CỰC 
• Dịch covid-19 tác động tiêu cực đến nhu cầu nhập khẩu cao su từ Trung Quốc, thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 60% tỷ trọng.
• Trong khi hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn thì triển vọng ngành cao su lại đến từ hoạt động thanh lý gỗ cây cao su và phát triển bất động sản khu công nghiệp.

(10) XÂY DỰNG: CTD, HBC
 Sau khi hết dịch: HỒI PHỤC CHẬM
• Ngành xây dựng bị ảnh hưởng liên đới với ngành BĐS do dịch bệnh. Nhu cầu xây dựng từ dân dụng đến các dự án đầu tư công sẽ suy giảm.
• Sau dịch cần một khoảng thời gian khá lâu để hồi phục tuỳ vào tình hình kinh tế và chu kỳ ngành BĐS

(11) THÉP: HPG, HSG
 Sau khi hết dịch: TIÊU CỰC
• Dịch Covid-19 tác động đến ngành thép ở cả chiều sản xuất và tiêu thụ. Về sản xuất, giá một số nguyên liệu sản xuất thép lại có xu hướng tăng do hạn chế nguồn cung từ Trung Quốc, như than cốc, quặng sắt, than điện cực, gạch chịu lửa… Về tiêu thụ, nhiều công trình xây dựng trong nước, ngoài nước sử dụng thép bị trì trệ, khiến cho nhu cầu sử dụng thép sụt giảm.
• Sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp thép sẽ phải đối mặt với tình trạng tồn kho ở mức cao, và áp lực cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc tràn sang hậu dịch COVID-19.

(12) XI MĂNG: HT1
 Sau khi hết dịch: TIÊU CỰC 
• Dịch Covid-19 khiến cho tiêu thụ xi măng ở thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc giảm mạnh.
• Triển vọng ngành xi măng được đánh giá trung lập do nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng trưởng thấp. Trong đó, xây dựng cơ sở hạ tầng triển khai chậm, bất động sản có dấu hiệu chững lại, và xây dựng nhà dân tăng nhẹ.

(13) THUỶ SẢN: VHC, FMC, MPC
 Sau khi hết dịch: TÍCH CỰC 
• Dịch Covid-19 gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, EU và Mỹ đều là những thị trường lớn nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.
• Sau dịch thế giới mở cửa giao thương trở lại thì doanh thu ngành thuỷ sản cũng sẽ nhanh chóng phục hồi sau 3 - 6 tháng.

(14) DỆT MAY: TCM, TNG
 Sau khi hết dịch: TÍCH CỰC 
• Nguồn cung nguyên vật liệu của ngành bị ảnh hưởng do vẫn phải nhập khẩu gần 90% vải các loại từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và 80% sợi từ Mỹ, Tây Phi, Ấn Độ. Các đơn hàng đi EU, Mỹ hầu hết đều bị đứng (EU, Mỹ là 2 thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam).
• Sau dịch thế giới mở cửa giao thương trở lại thì doanh thu ngành dệt may cũng sẽ nhanh chóng phục hồi sau 3 - 6 tháng.

(15) BÁN LẺ: MWG, PNJ
 Sau khi hết dịch: ỔN ĐỊNH 
• Doanh số tại các cửa hàng bán lẻ có thể giảm do người dân hạn chế đến các nơi công cộng để tránh khả năng bị lây nhiễm. Tuy nhiên, hoạt động mua sắm online, giao hàng, chuyển phát có thể gia tăng. Đồng thời các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm cầu do thu nhập người dân giảm.
• Triển vọng trung và dài hạn của ngành bán lẻ được dự báo tích cực, do được hưởng lợi từ sư tăng thêm của tầng lớp trung lưu và nhu cầu tiêu thụ tăng. Sau dịch thu nhập người dân ổn định lại thì nhu cầu mua sắm cũng sẽ tăng trở lại.

(16) CÔNG NGHỆ THÔNG TIN: FPT
 Sau khi hết dịch: TÍCH CỰC 
• Trong ngắn hạn, dịch bệnh ảnh hưởng đến vận hành kinh tế toàn cầu, các đơn hàng mới về công nghệ thông tin, phần mềm có thể không tăng trưởng mạnh
• Dù vậy, đại dịch lại là một liều thuốc kích thích nền kinh tế số và chuyển đổi công nghệ diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Nền kinh tế online sẽ càng phát triển mạnh mẽ sau dịch bệnh kéo theo nhu cầu về các phần mềm lẫn phần cứng công nghệ thông tin sẽ càng tăng trưởng hơn nữa

(17) DƯỢC PHẨM: DHG, IMP
 Sau khi hết dịch: ỔN ĐỊNH 
• Các doanh nghiệp ngành dược phẩm được kỳ vọng hưởng lợi khi nhu cầu tiêu thụ về thuốc của người dân tăng lên trong ngắn hạn. Tuy nhiên nguồn cung nguyên vật liệu của ngành có thể bị ảnh hưởng do 80-90% nguyên liệu phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
• Sau dịch nhu cầu về dược phẩm sẽ trở lại mức bình thường và tăng trưởng ổn định theo quy mô dân số.

(18) THỰC PHẨM - TIÊU DÙNG: VNM, MSN
 Sau khi hết dịch: ỔN ĐỊNH 
• Trong ngắn hạn người dân có tâm lý mua hàng tích trữ nên doanh thu các mặt hàng tiêu dùng có thể tăng đột biến trong ngắn hạn. Tuy nhiên về trung và dài hạn thì sau dịch, nhu cầu này sẽ cân bằng trở lại. Ví dụ một người có thể mua tích trữ 20 kg gạo, 2 thùng mì trong 1 tháng nhưng không thể ăn nhiều hơn gấp đôi mức bình thường được.
• Sức tiêu thụ vẫn chủ yếu đến từ sự gia tăng thu nhập mà dịch bệnh lại làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm và thu nhập người dân giảm nên nhìn chung cũng sẽ có tác động xấu đếu ngành tiêu dùng. Do đó ngành tiêu dùng nhìn tổng quan chỉ ở mức ổn định.

(19) DẦU KHÍ: GAS, PLX, PVS, PVD
 Sau khi hết dịch: TIÊU CỰC 
• Ngành dầu khí phải đối phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm. Giá dầu giảm do 2 nguyên nhân chính: 1) chiến tranh dầu mỏ giữa Nga và khối OPEC. 2) dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng ngành hàng không và vận tải làm giảm mức tiêu thụ dầu.
• Triển vọng ngành dầu khí được đánh giá ở mức tiêu cực do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng giá dầu tăng mạnh trở lại nhờ vào việc OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay xảy ra các sự kiện bất khả kháng như nhà máy dầu tại Arab Saudi bị tấn công, hay xung đột Mỹ-Iran leo thang.

(20) ĐIỆN: PPC, NT2, POW, VSH
 Sau khi hết dịch: ỔN ĐỊNH
• Các doanh nghiệp ngành điện khí được hưởng lợi do giá dầu giảm. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế rằng giá khí do PVN kiểm soát chứ không phải giá thả nổi theo thị trường nên chỉ hưởng lợi một phần. Mặt khác, Việt Nam đang thiếu nguồn cung khí do các mỏ cũ trữ lượng không còn nhiều trong khi mỏ mới như Cá Voi Xanh chưa triển khai được, đồng thời các mỏ mới khai thác xa bờ sẽ tốn chi phí cao hơn. Về thuỷ điện thì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, theo chuyên gia dự báo 2020 vẫn là một năm nắng nóng nhiều do hiện tượng El Nino gây khó khăn cho các doanh nghiệp thuỷ điện.
• Dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế do đó để bình ổn vĩ mô, nhà nước năm nay sẽ cố gắng kiềm giá điện. Nhìn chung ngành điện ở mức ổn định.

(21) NƯỚC: BWE, TDM
 Sau khi hết dịch: ỔN ĐỊNH
• Doanh nghiệp ngành nước gần như không bị ảnh hưởng gì bởi dịch Covid-19.
• Sự gia tăng dân số đều hàng năm và sự mở rộng các khu dân cư, khu công nghiệp là căn bản cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành nước.

Thị trường chứng khoán luôn có sự dự đoán và phản ánh sự kỳ vọng tương lai. Do đó khi nền kinh tế xấu, giá cổ phiếu giảm sâu hơn mức giá trị thật, ngược lại khi kinh tế hồi phục giá cổ phiếu cũng sẽ tăng nhanh và nhiều hơn cả mức giá trị thực. Và chính điều này sẽ tạo ra cơ hội cho những nhà đầu tư biết chọn đúng thời cơ. 

Vào giai đoạn này, nhà đầu tư nên sử dụng ít margin hoặc không margin vì thị trường có những biến động bất thường và còn nhiều tiềm ẩn rủi ro.

Rất mong những thông tin này sẽ hữu ích cho mục tiêu đầu tư của Quý nhà đầu tư. Mong rằng đại dịch sẽ nhanh chóng qua đi và xin chúc anh chị cùng gia đình nhiều sức khoẻ, bình an.
Nguồn: Sưu tầm


Mục quảng cáo: Nhà đầu tư có nhu cầu xin liên hệ qua Mr. Vinh - Zalo/iMess: 0975271089 để được hỗ trợ về lãi suất margin tại SSI là 9%/năm.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.