Header Ads

VIC - Rạng danh năm châu bốn biển, hấp dẫn cho đầu tư dài hạn và lướt sóng

Rạng danh năm châu bốn biển

Trên thị trường chứng khoán, cách đơn giản nhất để nếm bốn chữ hào quang rực rỡ là tham chiến tại nhóm cổ phiếu nhà bác Vượng (VIC, VHM, VRE…). Người thành công tại nhóm quái thai lai quái vật này chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn kẻ nhẹ thì mất một cánh tay, nặng thì đi nghỉ mát vĩnh viễn thì nhiều vô số kể.

Đồ thị tuần diễn biễn giá cổ phiếu VIC
Đồ thị tuần diễn biễn giá cổ phiếu VIC, chân sóng lớn!

Hơn 16 năm chinh chiến trên thị trường nhưng người viết cũng chưa thực sự hiểu rõ sự vận động của nhóm VIC, VHM, VRE… Để kiếm tiền tại những cổ phiếu này chắc có một cách duy nhất đó là mua vào và ôm tới chết. Muốn đánh nhanh thắng nhanh, mua theo xu thế tăng giá cổ phiếu là điều quá khó, dường như là bất khả thi.

Một phần khó khăn trong việc đầu tư cổ phiếu VIC là do sự phức tạp trong phân tích và định giá doanh nghiệp. Những phương pháp định giá cơ bản như chỉ số PE, PB… đều vô dụng. Mấy khác niệm RNAV hay chiết khấu dòng tiền… cũng vứt sọt rác.

Vingroup (VIC) được xác định là tập đoàn đa ngành nhưng chủ lực mang tiền về vẫn là cậu cả trong gia phả - mảng bất động sản (VHM). Ngược lại, Vinfast (VFS) là đứa con út được cưng chiều hết mực, được kỳ vọng sẽ vinh quy bái tổ thì vẫn đốt tiền là chính.

Nói một cách dễ hiểu, muốn định giá VIC thì bóc tách doanh nghiệp thành hai mảng kinh doanh chính là bất động sản (VHM, VRE…) và xe hơi (VFS).

VIC luôn là gã khổng lồ độc tôn trong ngành bất động sản Việt Nam, sau nhiều năm nữa cũng không một ông lớn nào đủ sức nhăm nhe vị thế này. VIC đang sở hữu 67% cổ phần của VHM, riêng khoản này cũng có giá trị gần 7 tỉ USD. Cộng thêm sở hữu tại các công ty con khác thì định giá mảng bất động sản của VIC xứng đáng con số 10 tỉ USD.

Cậu út quý tử VFS đốt tiền với tốc độ chóng mặt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu VIC giảm thê thảm trong thời gian qua và chưa bằng một nửa lúc đỉnh cao.

Nhưng cậu út quý tử đang mấp mé cơ hội làm rạng danh gia tộc, dự kiến năm 2023 VFS sẽ được xướng tên trên bảng vàng của thị trường chứng khoán Mỹ với định giá 23 tỉ mỹ kim. Con số khổng lồ này cao hơn gấp đôi vốn hoá của VIC, thậm chí vượt qua cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam là VCB.

Hãng xe hơi thuần điện có giá trị vốn hoá lớn thứ 3 thế giới là một thành tích vô tiền khoáng hậu của VFS - mới chỉ thành lập 5 năm. Con số 23 tỉ USD có được duy trì hay sẽ giảm ngay khi niêm yết là câu chuyện hồi sau sẽ rõ, bây giờ hãy cứ vui vẻ và hài lòng. VIC sở hữu 50% cổ phần VFS, tương đương 11.5 tỉ USD.

Túm cái váy lại, cổ phần tại VFS trị giá hơn 10 tỉ USD, cùng với đó là mảng bất động sản cũng không thua kém con số này. Cộng giá trị cổ phần tại hai đứa con của VIC sẽ là 20 tỉ USD. Trong khi vốn hoá thị trường lúc này của VIC chỉ có 9 tỉ USD.

Đứng trên góc độ phân tích cơ bản và định giá thì cổ phiếu VIC khá là rẻ, rất hấp dẫn bởi mức giá 50 hiện nay chưa bằng ½ so với ước tính giá trị thật. Nếu là một cổ đông vĩnh viễn thì đây là thời điểm vô cùng tuyệt vời để mua VIC cho mục đích đầu tư dài hạn.

Về mặt kỹ thuật, xu thế trung hạn của cổ phiếu VIC đang là tiêu cực nhưng có chút dấu hiệu tạo đáy. Vùng hỗ trợ quanh 50 khả năng sẽ trụ vững trước sóng gió và khi tạo đáy xong tại vùng này sẽ là cơ hội tham chiến cho những ai ưa thích lướt sóng với mục tiêu tăng giá lên 70 hoặc hơn, đồng nghĩa tỉ suất lợi nhuận gần 50% trong thời gian ngắn.

Kết luận: đánh bạc với người giàu nhất Việt Nam là một ý kiến không tồi chút nào. Vùng giá 50 của cổ phiếu VIC hấp dẫn cho đầu tư dài hạn và cả lướt sóng.
Tác giả: CSG Tuyền

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.