Header Ads

Vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế

Chào các bạn! Trong bài viết này Trọng Vinh sẽ liệt kê những vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế.

Như các bạn đã biết, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế cùng với các hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương, và khu vực trong thời gian qua đòi hỏi các quốc gia phải thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ cao và hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu kể từ ngày 11/07/1998 khai sinh TTCK Việt Nam. Đến nay, TTCK đã trở thành một kênh đầu tư mới, hiệu quả; đồng thời là kênh huy động vốn trung, dài hạn bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế

Thứ nhất, TTCK là một bộ phận quan trọng của thị trường vốn, hoạt động của nó nhằm huy động những nguồn vốn tiết kiệm nhỏ trong xã hội tập trung thành nguồn vốn lớn tài trợ cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và Chính phủ để phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế hay cho các dự án đầu tư. Việc huy động vốn trên TTCK có thể làm tăng vốn tự có của các công ty, giúp họ tránh các khoản vay có chi phí cao cũng như sự kiểm soát chặt chẽ từ các Ngân hàng thương mại.

Thứ hai, TTCK tạo điều kiện cho việc tách bạch giữa sở hữu và quản lý doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn đầu, cổ phần hóa DNNN là một trong những tiền đề cho sự hình thành TTCK ở Việt Nam. Việc cổ phần hóa các tổng công ty, DNNN quy mô lớn với phương thức đấu giá công khai trên Trung tâm giao dịch chứng khoán (GDCK) trước đây, nay là Sở GDCK, đã cung cấp cho TTCK một lượng lớn hàng hoá chất lượng cao; góp phần mở rộng quy mô thị trường, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia; tạo sự phát triển ổn định cho thị trường (do chất lượng cổ phiếu niêm yết tăng lên), hạn chế tình trạng đầu cơ, chi phối giá chứng khoán trên thị trường (nhờ số lượng doanh nghiệp nhiều, quy mô lớn).

Thứ ba, hiệu quả quốc tế hóa TTCK. Việc mở cửa TTCK làm tăng tính lỏng và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này cho phép các công ty có thể huy động nguồn vốn rẻ hơn, tăng cường đầu tư từ nguồn tiết kiệm bên ngoài, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế và mở rộng các cơ hội kinh doanh của các công ty trong nước. Hàn Quốc, Singapore, Thailand, Malaysia là những minh chứng điển hình về việc tận dụng các cơ hội do TTCK mang lại.

Thứ tư, TTCK tạo cơ hội cho Chính phủ huy động các nguồn tài chính mà không áp lực về lạm phát, đồng thời tạo các công cụ cho việc thực hiện chính sách tài chính tiền tệ của chính phủ. Sở dĩ chính sách tiền tệ tác động mạnh đến chứng khoán vì các công ty niêm yết phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng. Tỷ lệ nợ trung bình lên tới trên 50%. Với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ nợ còn lớn hơn rất nhiều, đến 70% – 80%. Vì vậy, khi chính sách tín dụng thay đổi ngay lập tức tác động mạnh đến kinh doanh và lợi nhuận của các doanh nghiệp này. Nếu chính sách nới lỏng, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể vay được vốn, có thể thực hiện dự án, mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó có doanh thu, có lợi nhuận, có thị phần. Ngược lại, chính sách xiết chặt thì doanh nghiệp lại như bị bó chân, bó tay, mất cơ hội làm ăn và khó phát triển.

Thứ năm, TTCK tạo cũng tạo điều kiện để Chính phủ tái cấu trúc nền kinh tế. Đối với đầu tư công, TTCK đã trở thành kênh huy động vốn trọng yếu của Chính phủ. Trong giai đoạn 2010 – 2015, Chính phủ đã huy động gần 715.000 tỷ đồng thông qua các đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ trên TTCK, tăng 18 lần so với giai đoạn 2005 – 2010. Đối với đầu tư của khu vực tư nhân, sự phát triển của TTCK, đặc biệt là tính minh bạch của TTCK đã và đang thu hút các tổ chức phát hành (bên cầu vốn) và NĐT (bên cung vốn). Cùng với sự thông thoáng của hệ thống quy định pháp luật về doanh nghiệp, về đầu tư, thì TTCK với chức năng là kênh lưu chuyển vốn cho khu vực tư nhân sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. TTCK cũng hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Nhờ vào sự phát triển của TTCK, các NHTM huy động được lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu, để đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ theo quy định của NHNN trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống các NHTM.

Ngoài những tác động tích cực trên đây, TTCK cũng có những tác động tiêu cực nhất định. TTCK hoạt động trên cơ sở thông tin hoàn hảo. Song ở các thị trường mới nổi, thông tin được truyền tải tới các NĐT không đầy đủ và không giống nhau. Việc quyết định giá cả, mua bán chứng khoán của các NĐT không dựa trên cơ sở thông tin và xử lý thông tin. Như vậy, giá cả chứng khoán không phản ánh giá trị kinh tế cơ bản của công ty và không trở thành cơ sở để phân phối một cách có hiệu quả các nguồn lực. Một số tiêu cực khác của TTCK như hiện tượng đầu cơ, hiện tượng xung đột quyền lực làm thiệt hại cho quyền lợi của các cổ đông thiểu số, việc mua bán nội gián, thao túng thị trường làm nản lòng các NĐT và như vậy sẽ tác động tiêu cực tới tiết kiệm và đầu tư. Nhiệm vụ của các nhà quản lý thị trường là giảm thiểu các tác động tiêu cực của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của các NĐT và đảm bảo cho tính hiệu quả của thị trường. Như vậy, vai trò của thị trường chứng khoán được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau. Song vai trò tích cực hay tiêu cực của TTCK có thực sự được phát huy hay hạn chế phụ thuộc đáng kể vào các chủ thể tham gia thị trường và sự quản lý của Nhà nước.

_____

Nhà đầu tư muốn biết thêm thông tin về những mã cổ phiếu tốt nhất để đầu tư vui lòng liên hệ:
Dương Trọng Vinh – Chuyên viên tư vấn chứng khoán
ĐT / Zalo / Viber/ iMess: 0975271089
Email: dautruongtaichinh@gmail.com

_______________
Bài viết liên quan: 

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.