Header Ads

HIỆU ỨNG KHI ĐỒNG USD BẮT ĐẦU CHU KỲ TĂNG GIÁ

Hiện nay giá đồng USD đang ở mức cao nhất trong 4 năm qua, nếu tính từ năm 2010, khi đồng EUR của các quốc gia khối Eurozone bị khủng hoảng cao trào. Tác động của đồng USD mạnh lên sẽ khiến cho hóa đơn nhập khẩu dầu lửa đắt đỏ hơn đối với các đồng tiền bị trượt giá, dù giá dầu thô có giảm mạnh, nó cũng dẫn đến việc cắt giảm nhu cầu về dầu lửa, khí đốt, khiến giá dầu lửa sụt giảm gây xáo trộn không ít khó khăn cho các nước nhập dầu lửa cũng như nguyên liệu cho sản xuất.

Trở lại chuyện giá trị đồng USD đang lên giá, ta nhắc lại chuyện cũ là vào năm 1973, người ta mới lập ra một chỉ số đồng USD, gọi là chỉ số USDX hoặc U.S. Dollar Index (DXY), theo đó đồng USD được định giá qua một rổ tiền gồm sáu loại ngoại tệ chính trong rổ tiền là đồng Euro (EUR), yên Nhật (JPY), Bảng Anh (GBP), đồng đô la Canada (CAD), Krona Thụy Điển (SEK), Franc Thụy Sĩ (CHF).

Chỉ số USDX bắt đầu ở mức chuẩn 100 vào tháng 3/1973. Do đó, giá trị hiện tại USDX, hay DXY cho biết phần trăm thay đổi của đồng USD. Nói chung, các chỉ số USDX là một chỉ số so sánh đồng USD với rất nhiều đồng tiền khác nhau như đã nói ở trên. Điều này nó khác với tất cả các tỷ giá hối đoái, trong đó so sánh chỉ có hai đồng tiền tại một thời điểm. Nếu tính trung bình từ năm 1973 đến năm 2015 thì chỉ số U.S. Dollar Index này ở mức 97,25. Trong quá khứ thì số DXY này từng tăng lên 164,72 vào tháng 2/1985 và mức thấp kỷ lục là 71,32 vào tháng 4/2008. Hiện nay giao dịch 17/11/2015, thì DXY đang ở mức 99,51, tức là đồng USD đang mất giá trị 0,49% so với rổ tiền kể trên.

Thực tế khi so sánh giá trị đồng USD so với đồng bạc khác, thì ta đối chiếu với hoàn cảnh của một quốc gia khác trong việc trao đổi ngoại thương với Mỹ. Chẳng hạn như so sánh tỷ lệ lạm phát hay mức chênh lệch về lãi suất giữa hai quốc gia với nhau khi đồng USD có thể tăng hay giảm, điều đó khiến hối suất có thể lên hay xuống nếu trao đổi với một đồng tiền khác.

Mặt khác, giá trị ngoại hối của một đơn vị tiền tệ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nó bao gồm, ảnh hưởng lãi suất ngân hàng trung ương ấn định, hay mức nợ của các nước và sức mạnh của nền kinh tế nước đó. Nếu là một nền kinh tế mạnh mẽ, do đó là giá trị của đồng tiền sẽ tăng giá.

Ngoài ra, giá trị của đồng đô la Mỹ được đo theo tỷ giá hối đoái, trái phiếu kho bạc và dự trữ ngoại hối, tức là số tiền dự trữ bằng đồng USD của các tổ chức của nước ngoài, nó bao gồm các nhà đầu tư, các ngân hàng trung ương và các thị trường tài chính trên thế giới tích trữ hoặc dùng đồng USD làm giao hoán ngoại thương, hoặc các hình thức mua bán tồn trữ trái phiếu kho bạc Mỹ. Chẳng hạn, trong tháng 8/2010 các nhà đầu tư và các ngân hàng trung ương trên thế thế giới đã bán ròng mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ lên đến 118 tỷ USD, khiến đồng USD sụt 4,7% giá trị của nó trong ngày.

Trước ấy, hai năm trước, vào thứ Hai ngày 15/9/2008, khi tổ hợp ngân hàng đầu tư Lehman Brothers tuyên bố phá sản, trong động thái hoảng loạn của thị trường, giới đầu tư rút 142 tỷ USD khỏi các quỹ ký thác thị trường tiền tệ, và bán tháo 70 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, đồng USD sụt mất 4% qua ngày hôm sau. Trong phản ứng hốt hoảng của thị trường chứng khoán, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 13% ngay trong tháng 10/2008, qua đến ngày 20/11/2008, giới đầu tư tiếp tục bán tháo trái phiếu Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm xuống còn 7.552,29 điểm. Tuy nhiên đây chưa phải là đáy của nó. Đáy thấp nhất của Dow Jones rơi xuống 6.594,44 điểm là vào ngày 5/3/2009, lần đó không phải bị tác động của giới đầu tư bán bán tháo trái phiếu Mỹ, mà giới đầu tư bán tháo chứng khoán Mỹ mua lại trái phiếu kho bạc Mỹ đẩy đồng USD tăng lại gần 10% giá trị của nó,...

Hiện nay, theo dự đoán tại thị trường NASDAQ, doanh thu từ kinh doanh của công ty, trái phiếu ở các nước phát triển giảm 30% cho năm nay. Các thị trường mới nổi của 21 quốc gia gồm: Brazil, Chile, Trung Quốc, Colombia, Cộng hòa Séc, Ai Cập, Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, Morocco, Peru, Philippines, Ba Lan, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh số giao dịch là chỉ giảm khoảng 4%, một phần do những nước này đã chuẩn bị dự ngoại hối và bồi đắp những con đê vững chắc để ứng phó đồng USD tăng giá bằng cách gia tăng dự trữ đồng USD.

Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề quan trọng, mà quan trọng ở đây là những ngân hàng lớn nhất của thế giới, họ mới là tác nhân gây ra biến động thị trường, những ngân hàng này nắm giữ và cho vay một số lượng tài sản khổng lồ của các chính phủ, tổ chức, các doanh nghiệp,... vay tiền. Hiện nay, mức doanh thu kinh doanh trái phiếu tại 10 ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới nó bao gồm Goldman Sachs (NYSE: GS), Bank of America (NYSE: BAC), Citigroup (NYSE: C), JPMorgan Chase (NYSE: JPM), Morgan Stanley (NYSE: MS ), Barclays Plc (FTSE 100 mã chứng khoán BARC: LN, tại New York NYSE: BCS), Deutsche Bank yết giá tại Frankfurt của chỉ số chứng khoán DAX (FWB: DBK), tại New York mã chứng khoán của Deutsche Bank (NYSE: DB), Royal Bank of Scotland, Lloyds Bank (FTSE 100, mã chứng khoán RBS: LN), Credit Suisse, và UBS đã giảm 17,8% trong quý thứ 3 trong năm 2015.

Đây là những đại gia rất nổi tiếng và cũng đầy tai tiếng trong quá khứ khi thao túng công cụ lãi suất liên ngân hàng LIBOR. Chẳng hạn, họ có thể tạo ra định giá quá cao của các ngân hàng tại các thị trường chứng khoán và giảm chi phí của họ nhưng tăng các khoản nợ hoặc vốn chủ sở hữu. Người gửi tiền ngân hàng cũng đã bị thiệt hại đáng kể, sản lượng trái phiếu hay các tài khoản được liên kết với LIBOR là quá thấp. Tuy nhiên, người vay được hưởng lợi từ lãi suất cho vay mà còn là quá thấp như vậy,...Đấy mới là những đại gia sẽ nhảy vào đầu cơ kiếm lời nếu lãi suất "Fed Funds Rate" và đồng USD tại Mỹ tăng lên.

Về hồ sơ đồng USD, ta nên thận trọng, tổng số giấy nợ được lưu hành bằng đồng USD trên thế giới hiện nay tuy đã giảm 2,5% xuống còn ở mức 39,2%. Nhưng đây là con số nợ vĩ đại được phát hành bằng đồng USD trên thị trường vay mượn quốc tế khi đồng USD và lãi suất tại Mỹ còn rẻ. Điều đó cho thấy, các thị trường tài chính cũng như các doanh nghiệp hay các ngân hàng trung ương trên thế giới càng gom đồng USD để trả nợ và tài trợ cho việc giao dịch bằng đồng USD không bị gián đoạn khi đồng USD tăng giá.

Ta nhắc lại là trong suốt hơn 7 năm trước, hai khối công nghiệp hàng đầu thế giới là Âu châu và Mỹ bị khủng hoảng tài chính và trôi vào suy trầm kinh tế. Khi ấy, hàng loạt biện pháp kích thích của Âu-Mỹ như hạ lãi suất, tăng chi và bơm tiền khiến đồng USD, và EUR của hai khối kinh tế lớn nhất thế giới này cùng mất giá so với nhiều đồng tiền khác ở các nước đang phát triển cũng như các nước đang lên trong khối nhóm BRICS (Brazil, Russia, India, China and South Africa), khiến dòng tiền tư bản tài chính là từ khối Âu, Mỹ, chảy qua các nước này, hay kể cả một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, khiến đồng bạc các quốc gia này tăng giá so với đồng USD, trừ trường hợp hi hữu của Việt Nam là đồng nội tệ VND đứng giá hoặc còn bị mất giá tiệm tiến trong vài năm qua.

Việc dự tính của Chủ tịch Fed, bà Yellen nói sẽ dự trù sẽ chấm dứt hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế Mỹ bằng lãi suất rẻ trong suốt cuối tháng 12/2008 cho đến gần hết năm 2015 này. Việc này khiến giá trái phiếu của Mỹ bắt đầu tăng lên, lợi suất trái phiếu tại Mỹ bắt đầu giảm xuống một chút, hiên ở mức 2,28%, và dẫn tới hậu quả bất ngờ là dòng tiền tư bản tài chính lại từ các nước đang phát triển sẽ chảy ngược về Mỹ, là nơi sẽ có lời hơn, khiến hối suất đồng bạc các nước đang phát triển đều có thể sụt giá đó là quy luật thị trường và rất bình thường. Trong năm 2014, đồng USD mạnh lên, thì lợi suất trái phiếu loại 10 năm, tức trái phiếu kho bạc giảm từ 3,0% trong tháng Giêng xuống còn 2,17%.

Đối với VN, nếu như đồng bạc VND của quốc gia này cũng bị mất giá như các rổ ngoại tệ khác cũng không phải ngạc nhiên và không phải hốt hoảng cả, tuy lương bổng và hối suất sút giảm. Nếu VN có thể nhân cơ hội chuyện đồng bạc bị mất giá này mà chấn chỉnh lại cơ cấu sản xuất và nâng sức cạnh tranh để xuất khẩu thì dễ ra khỏi khó khăn với tăng trưởng lành mạnh hơn nếu như VN đạt xuất siêu trong thương mại thì đồng nội tệ VND sẽ giữ được ổn định. Hiệu ứng ngược lại, nếu duy ý chí mà chủ quan và ưa dùng cụm từ "điều chỉnh tỷ giá" thì thị trường càng hốt hoảng và bán tháo trái phiếu hoặc các tài sản niêm yết giá bằng đồng nội tệ VND mà chuyển sang hình thức đồng USD hay vàng hoặc các rổ tiền khác thì càng đẩy đồng bạc trượt giá, và gánh nợ công sẽ tăng lên nên sẽ dẫn đến những gì mà tôi muốn gọi là “unintended consequences” (hậu quả ngoài ý muốn), là nạn đầu cơ tích trữ đồng USD.


HIỆU ỨNG KHI ĐỒNG USD BẮT ĐẦU CHU KỲ TĂNG GIÁ
(*) Hình họa mô phỏng cho thấy, tính trung bình từ năm 1973 đến năm 2015 thì chỉ số DXY này ở mức 97,25. Trong quá khứ thì chỉ số DXY này từng tăng lên 164,72 vào tháng 2/1985, và mức thấp kỷ lục là 71,32 vào tháng 4/2008. Hiện nay giao dịch 17/11/2015, thì DXY đang ở mức 99,51, tức là đồng USD đang mất giá trị 0,49% so với rổ tiền kể trên. Thực tế giao dịch hàng ngày được các nhà đầu tư tài chính thường dự đoán sự thay đổi giá cả bằng cách dựa vào biểu đồ phân tích kỹ thuật trong biến động giá cả hàng ngày (daily price swings) để so sánh giá cả là "con sóng", là quan sát "đỉnh sóng" để ước đoán giá biến động của đồng USD là sẽ lên tới cái đỉnh nào rơi ở mức nâng hay lên tới đâu bị chặn lại ở ngưỡng hỗ trợ, hay rơi xuống tới cái đáy sâu nào thì đảo chiều đi lên, từ cao trào đảo thành thoái trào hay ngược lại,...để đoán giá cả tăng giảm trong tương lai. Chỉ số DXY này rơi vào mức báo động, nó chập chờn quanh mức xê dịch rất nhỏ +/- 0,71 và bị chặn ở mức 99,68 nhiều lần.

Phương Thơ, Morgan Stanley (NYSE: MS)

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.